Sẽ ổn thôi nếu bạn nói “không”

Tôi đã học được rằng, biết nói “không” là điều rất quan trọng. Mọi việc sẽ ổn thôi. Mọi người sẽ vẫn yêu quý bạn. Thậm chí, họ còn sẽ tôn trọng bạn hơn nữa vì họ biết bạn là người trung thực.
 

Tôi không bảo bạn nên nói “không” với ai đó đang thực sự cần bạn giúp đỡ. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên từ chối một cuộc họp không muốn tham dự hoặc một bữa tiệc sinh nhật không muốn có mặt vì còn những dự định khác thích thú hơn với bạn diễn ra trong cùng thời điểm.

Hãy nghĩ một lát về việc bạn cảm thấy thế nào khi nói “có” với điều bạn không thực sự muốn làm. Nếu bạn giống tôi, hẳn bạn đã từng mất ngủ cả đêm chỉ vì cứ phải nghĩ về nó quá nhiều. Nó đè nặng tâm trí bạn. Bạn phải tìm lối thoát. Bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng, “Ồ, điều đó cũng không tệ lắm. Nó sẽ khiến anh/chị ấy vui vẻ”, hoặc “Có lẽ mình sẽ thấy vui”, “Có lẽ mình sẽ không thấy nhàm chán” v.v. Bất kể những điều bạn có thể tự nhủ đó, nếu thực sự muốn làm, bạn sẽ không có những suy nghĩ kiểu ấy.

Vậy thì, tại sao bạn không nói “không” ngay từ đầu đi? Có thể bạn sẽ cảm thấy day dứt. Nhưng tôi cho rằng, bạn cần phải loại bỏ cảm giác day dứt trong quá khứ. Quá khứ không phải là một phần của hiện tại.

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy, nếu không tới buổi họp đó (tất nhiên, đây không phải là cuộc họp bắt buộc), sếp sẽ không thích bạn, các đồng nghiệp sẽ không còn tôn trọng bạn. Bạn cần phải làm điều gì đó đúng đắn cho mình. Tất nhiên, chúng ta có những quy tắc cần phải tuân thủ trong cuộc sống, nhưng không nhất thiết phải làm mọi điều những người khác muốn chúng ta làm. Bạn đã từng có cảm giác như không thở nổi nữa, dù chỉ là nghe về những điều đó thôi phải không?

Có lẽ bạn sẽ có cảm giác con gái sẽ chẳng bao giờ gọi điện cho bạn nữa nếu bạn không đưa tiền cho mỗi khi nó gọi điện tới xin, thậm chí đó chỉ là lần duy nhất nó gọi tới.

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy con trai không còn muốn nói chuyện nhiều với bạn nữa nếu bạn không thể nghe nó cằn nhằn cả giờ không dứt về một điều gì đó lặp đi lặp lại.

Có thể bạn sẽ cảm thấy như cha mẹ, anh em không còn yêu thương bạn nhiều nữa nếu bạn không thể đáp ứng mọi yêu cầu của họ, cũng như có mặt trong tất cả các sự kiện của gia đình.

Nếu tất cả những người đó là bạn bè thân thiết của bạn, là các thành viên trong gia đình bạn, họ vẫn sẽ quý mến và yêu thích bạn, không hề thay đổi, cho dù bất cứ chuyện gì.

Tôi hiểu rằng bạn có thể nói “KHÔNG ”!

Hãy làm những gì bạn cảm thấy đúng đắn với mình. Hãy trung thực. Nếu bạn không phải là người thực sự yêu âm nhạc, đừng tới buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thỏa hiệp một chút nếu ai đó làm gì cho bạn và bạn muốn đáp lại. Đôi khi trong các mối quan hệ, vẫn cần có sự thỏa hiệp nào đó. Tôi chỉ muốn nói rằng, bạn đừng nói “có” với tất cả mọi việc.

Bạn sẽ mua bánh trong cửa hàng của con gái người bạn nào đó? Hay bạn sẽ mua sô cô la trong một cửa hàng bất kỳ nào bạn biết? Sẽ tốt thôi nếu bạn thực sự muốn mua những thứ này và bạn có đủ tiền để mua chứ không phải vì cảm giác thúc ép nào. Đây chính là điều tôi muốn lưu ý bạn.

Hãy học cách nói không, mọi việc sẽ ổn thôi! Nếu ai đó gặp bạn và bảo rằng: “Này, tới thứ Sáu mình cần vay cậu 2 triệu”. Bạn sẽ đưa cho họ số tiền đó ngay cả khi mình sẽ rỗng túi và không biết tuần tới sống ra sao với các hóa đơn đến hạn cần thanh toán? Vậy thì tại sao bạn phải làm thế chứ?

Đỗ Dương
Theo Motivateus

Theo Đăng lại