Sẽ đưa vụ án Thái Lương Trí vào câu hỏi chất vấn

TPO-Bên hành lang quốc hội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, vụ án Thái Lương Trí là một trong những vụ nổi cộm để ông gửi câu hỏi chất vấn tới Chánh án TANDTC về chất lượng cải cách tư pháp.

> Hủy án sơ thẩm vụ án Thái Lương Trí

> Xét xử bị cáo lừa đảo sau 4 lần hoãn tòa

Theo ông công tác điều tra, xét xử thời gian qua còn những vấn đề bất cập gì cần khắc phục?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Đó là việc vi phạm pháp luật và quy định của tố tụng, vi phạm đến quyền lợi của người dân. Điều này là hệ quả của nhiều vấn đề như điều tra, chất lượng xét xử, chất lượng cán bộ điều tra... và không giải quyết ngay được. Ví dụ như anh chưa điều tra ra thì phải thả người ta về chứ. Chưa kể chính vì những áp lực đó mà dẫn tới án oan sai.

Đối với vụ án Thái Lương Trí mà ông cho biết đã tập hợp để chất vấn về chất lượng của cải cách tư pháp, việc hoãn xét xử tới 8 lần liệu có bất thường?

Trước hết, việc đó là vi phạm luật pháp vì thời gian giam giữ quá dài. Thứ hai là trình độ xét xử ở cái mức mà bên này đưa ra xét xử, bên kia lại hủy án đi. Đặc biệt là hiện tượng cùng một hệ thống tòa án mà cấp sơ thẩm thì đưa ra xét xử, kết tội, cấp kia thì lại hủy án đi, đảo ngược lại 100% (Tòa sơ thẩm tuyên mức án tổng cộng cho 2 bị cáo là 40 năm tù, Tòa phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại từ đầu – PV). Điều đó khiến người ta có quyền nghĩ rằng việc tạo ra rào cản như vậy để nảy sinh tiêu cực. Tình trạng hủy án suốt từ khi tiến hành cải cách tư pháp không hề giảm. Tôi rất tiếc là báo cáo kỳ này của Chánh án tòa án nhân dân tối cao cũng không thấy nhắc đến những vụ án gây bức xúc mà ai cũng biết. Đương nhiên, tôi cũng thấy rằng áp lực đối với hệ thống tòa án hiện nay là quá lớn. Nhưng trong cái áp lực đó cũng có nhiều cái là do mình tự tạo ra. Đó là việc xét đi xử lại quá nhiều lần. Mà bản thân việc đó là không phù hợp với qui định pháp luật.

Việc hủy án, điều tra nhiều lần có gây thiệt hại không, thưa ông?

Có nhiều thiệt hại lắm. Thiệt hại cho cả người dân và nhà nước. Và nguy hiểm nhất là nó sẽ tạo ra kẽ hở để nảy sinh tiêu cực khi anh thay đổi bản án mà không có đủ cơ sở.

Hiện người dân rất quan tâm đến vấn đề án oan sai, tình trạng hủy án và vi phạm tố tụng. Là đại biểu quốc hội, ông sẽ thực hiện quyền giám sát như thế nào?

Tôi sẽ đi đến cùng các vụ án tôi theo dõi trong quá trình giám sát. Đi đến cùng nghĩa là tôi sẽ yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật trong các vụ việc này và những gì người dân yêu cầu.

Ai cũng nói tới Tòa án là cán cân công lý. Nhưng cán cân công lý hay tòa án có những con người cụ thể, ai là thẩm phán, ai là luật sư... Cuối cùng phải đưa vào cái gì, cái anh xét xử có đúng luật không, từ quá trình tố tụng đến việc vận dụng luật pháp có đúng không? Tôi cho rằng mục tiêu của quá trình cải cách tư pháp lần này phải nhìn nhận ra những bất cập đó để có biện pháp giải quyết.

PVN

Theo Viết