Ngày 2-12, Tổng cục Dự trữ Quốc gia (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo về Luật Dự trữ Quốc gia. Theo ông Phạm Phan Dũng,
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Quốc gia, hiện tổng các mặt hàng dự trữ mới chiếm 0,4% GDP với những mặt hàng chiến lược như: xăng dầu (chiếm 50%), muối ăn, thuốc, thóc gạo, hàng phục vụ an ninh - quốc phòng… Tới đây, quan điểm chung là sẽ dự trữ thêm những mặt hàng chiến lược như vàng, ngoại tệ, tài nguyên khoáng sản.
“Việc có đưa vàng vào danh mục dự trữ hay không theo tôi là vấn đề đáng xem xét. Hiện chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ. Về ngoại tệ, có băn khoăn như tính bền vững của đồng tiền dự trữ lựa chọn ngoại tệ nào...”. Ông Dũng nói.
Theo dự thảo Luật Dự trữ Quốc gia, danh mục dự trữ bao gồm: các loại vật tư hàng hoá thiết yếu, tài nguyên khoáng sản, các loại vàng ngoại tệ.
Theo đó, Chính phủ phân công các bộ ngành quản lý dự trữ quốc gia theo quy định. Bộ Tài chính trực tiếp tổ chức quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ khẩn cấp, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, ứng phó các tình huống biến đổi khí hậu, tham gia bình ổn thị trường...
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp tổ chức quản lý bảo quản hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...