>> Nỗi lo tân trang làm 'biến dạng' Ô Quan Chưởng
>> Hà Nội làm mới Ô Quan Chưởng?
Ngày 1-11, ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng (QLDT-DT) Hà Nội cho biết sẽ tìm cách pha chế màu sơn cho phù hợp với Ô Quan Chưởng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Doãn Tuân cho biết thêm, dự án tu bổ di tích lịch sử Ô Quan Chưởng đã bước vào giai đoạn hoàn thành, các hạng mục cơ bản đã làm xong, hiện chỉ còn việc tổ chức hội đồng nghiệm thu công trình. Trước khi tiến hành tu bổ, Ban QLDT-DT (chủ đầu tư dự án) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Bảo tồn di tích (NCBTDT) của Bộ VH-TT-DL tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về di tích Ô Quan Chưởng để tham khảo, thu thập ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học. Đơn vị thi công dự án tu bổ Ô Quan Chưởng cũng thuộc Viện NCBTDT. Về quá trình triển khai dự án, ông Tuân khẳng định, việc thi công cho đến nay không hề có chuyện làm “biến dạng” di tích hoặc có thay đổi gì làm ảnh hưởng đến kiến trúc cũ của Ô Quan Chưởng và cũng không có chuyện làm “giảm niên đại” di tích do việc tu bổ, tôn tạo mới đây.
Ông Tuân cũng cho rằng, một số bức tường của khu di tích Ô Quan Chưởng qua gần 300 năm tồn tại đã có nhiều đoạn bị hư hỏng. Vài năm gần đây, Ban QLDT-DT cũng đã cho tiến hành sửa chữa một số hạng mục nhỏ, lẻ. Cách đây gần hai chục năm, Ô Quan Chưởng khi được công nhận là di tích lịch sử cũng đã được tu bổ. Nhưng do gặp khó khăn về kinh tế ở thời điểm đó, việc tu bổ chưa được đầu tư sâu, và người ta đã đưa một số gạch mới (không đúng niên đại cũ) vào sửa chữa di tích Ô Quan Chưởng. Vì vậy, trong đợt tu bổ tháng 10-2010, Ban QLDT-DT đã cho thay thế luôn các vật liệu không đúng niên đại đã đưa vào trước đó. “Toàn bộ số gạch đưa vào tu bổ, sửa chữa Ô Quan Chưởng đợt này đều là gạch cổ, không phải gạch mới. Chúng tôi đã phải cất công đi tìm loại gạch “vồ” (có niên đại trùng với niên đại xây Ô Quan Chưởng) trong khu vực Thành cổ Thăng Long để mang về sửa chữa cho tử tế hơn! Chúng tôi cũng chỉ lắp thêm 2 cánh cửa gỗ tấm lớn ở cổng chính của Ô Quan Chưởng, còn công trình vẫn nguyên như cũ, không có thay đổi gì”, ông Tuân nói.
Khi PV phản ánh việc dư luận cho rằng, lớp sơn mới vừa được phủ trát một lớp như chiếc “áo mới” choàng lên Ô Quan Chưởng khiến di tích trông như vừa được “xây lại”, ông Tuân cho biết, bên thi công hiện nay vẫn đang tiếp tục quá trình sửa chữa lại, tìm cách pha chế màu sơn cho nó “cũ đi”, cho phù hợp với di tích. Những việc làm này, Ban QLDT-DT cũng phải làm thủ tục xin phép thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL, sau đó mới triển khai.
“Tất cả mọi việc thi công ở di tích này, chúng tôi đều làm đúng quy trình. Bộ VH-TT-DL chỉ đạo thế nào, chúng tôi làm thế, vì đây là một di tích lịch sử trọng điểm, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tại di tích này, chúng tôi chỉ thay những hàng gạch cũ bị nát vỡ và sơn trát lại. Việc tìm màu sơn cho hợp lý với di tích Ô Quan Chưởng là công việc đòi hỏi kỹ thuật, không thể làm nhanh được, phải chọn màu sơn trông cho nó “cũ đi” một chút. Trong quá trình tu bổ Ô Quan Chưởng, lãnh đạo một số ban, ngành của Bộ VH-TT-DL đã quan tâm xuống tận công trình để xem xét, chỉ đạo từ việc thay thế loại gạch nào cho phù hợp với di tích lịch sử này. Khi tu bổ, tôn tạo phải thay mới những chỗ bị hư hỏng, nhưng không phải cứ thay mới nghĩa là làm mới di tích, cốt sao mình vẫn giữ được nguyên vẹn hình dáng kiến trúc, phong thái và cái hồn của di tích”, ông Tuân cho biết thêm.
Tu bổ di tích không phải là sơn trát, làm mới
Nếu có kinh phí, TP Hà Nội nên quy hoạch chỉnh trang khu vực dân cư quanh Ô Quan Chưởng để người dân thấy được tầm quan trọng của di tích và góp phần bảo vệ di tích lịch sử này
Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam
Là một người khá quan tâm đến việc “tân trang” các di tích trong nhiều năm qua ở Hà Nội, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Sau khi đọc báo, tôi vừa tới Ô Quan Chưởng để xem việc tu bổ ở đây. Đúng là phần sơn trát ở phía trên di tích trông “mới quá” gây cảm giác như vừa “làm mới” Ô Quan Chưởng, còn nhìn chung, di tích không có gì thay đổi lớn, phần tường gạch xây phía dưới vẫn còn khá nguyên vẹn. Theo tôi, tu bổ di tích không phải là sơn trát, làm mới. Cách đây khoảng 15 năm, việc tân trang tháp Rùa cũng sơn quét kiểu như thế và bị dư luận phản đối. Theo tôi, màu sơn mới trát ở Ô Quan Chưởng “cứng” quá, theo kiểu “làm mới” di tích là chưa ổn”. Về việc trùng tu Ô Quan Chưởng, ông Tùng nhận xét là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải giữ được nguyên gốc của di tích và cố gắng không làm sai lệch những cái cũ. Với công nghệ hiện đại hôm nay, cho phép các nhà tu bổ có thể xử lý trùng tu mà không cần phải sơn trát lại di tích, Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này.
“Điều quan trọng, kiến trúc Ô Quan Chưởng hôm nay còn khá nguyên vẹn, chưa hề bị phá vỡ, mất mát phần nào cả. Chỉ có cảnh quan của di tích bị thời gian và con người làm cho xấu đi thôi. Có lẽ phải thu dọn bớt các loại dây điện loằng ngoằng trên di tích, cắt tỉa cây xanh xung quanh cho đẹp hơn và phải cấm việc ô tô đi qua cửa ô này. Và nếu có kinh phí, TP Hà Nội cũng nên quy hoạch chỉnh trang khu vực dân cư quanh di tích này để người dân thấy được tầm quan trọng của Ô Quan Chưởng và góp phần bảo vệ di tích lịch sử này”, ông Tùng nhận xét.
Xung quanh vấn đề đơn vị thi công tu bổ Ô Quan Chưởng là Viện NCBTDT của Bộ VH-TT-DL, ông Tùng băn khoăn về việc, chính đơn vị này cũng đang đưa những công nghệ hiện đại của thế giới vào việc bảo tồn các di tích ở Việt Nam - “Vậy tại sao họ không đưa công nghệ hiện đại vào tu bổ di tích Ô Quan Chưởng mà lại tiến hành sơn trát như vừa làm? Đơn vị này vừa được giải thưởng quốc tế về trùng tu di tích đình Chu Quyến và họ có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực bảo tồn di tích. Hay là việc phối hợp giữa chủ đầu tư là Ban QLDT-TC và Viện NCTBDT chưa được hiệu quả, hoặc kinh phí tu bổ Ô Quan Chưởng (được TP Hà Nội phê duyệt là 1,35 tỉ đồng) không đủ để áp dụng các công nghệ hiện đại? Trong khi công nghệ hiện đại này đã được áp dụng cho việc trùng tu quần thể tháp Mỹ Sơn ở miền Trung”.
Mặt khác, ông Tùng cũng cho rằng: “Vấn đề văn hóa trong lĩnh vực tu bổ và cả lĩnh vực xây dựng của chúng ta hiện nay hơi bị xem nhẹ, nên cứ có tiền tài trợ cho công trình nào đó là chúng ta phải tiêu bằng hết mà không cần biết hiệu quả ra sao và tiêu như thế có cần thiết không? Vấn đề này chúng ta phải nhìn nhận lại. Hay phải chăng di tích Ô Quan Chưởng bị xem nhẹ hơn so với di tích Hoàng thành Thăng Long. Nếu đã có hội thảo về tu bổ Ô Quan Chưởng rồi thì ý kiến các nhà khoa học, các nhà sử học về di tích này ra sao? Ý kiến của những hộ dân sống xung quanh di tích mong muốn gì? Thiết nghĩ tất cả những việc này, chủ đầu tư và đơn vị tu bổ cũng cần phải quan tâm thấu đáo”.
Theo Việt Chiến
Thanh Niên