Theo Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, bảo hiểm hưu trí bổ sung là tự nguyện, do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng góp. Tham gia hình thức bảo hiểm này, khi nghỉ hưu, người lao động sẽ được bổ sung thêm lương hằng tháng, hoặc nhận tiền một lần.
Nếu nhận lương hưu bổ sung hằng tháng, mức hưởng sẽ được tính bằng tổng số đã đóng góp chia cho 240 (tương ứng 20 năm hưởng lương hưu). Nếu mức đóng góp chưa đủ để hưởng hằng tháng, người lao động được hưởng 1 lần toàn bộ số đã đóng góp cộng với tiền lợi nhuận do hoạt động đầu tư quỹ mang lại.
Đơn vị quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được dùng tiền đầu tư vào một số hình thức như: Trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ quỹ mở trái phiếu, gửi các tổ chức tín dụng, và các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, quỹ phải sử dụng tối thiểu 50% số tiền thu được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Bộ Tài chính chịu trách nhiệm soạn thảo những nội dung liên quan đến doanh nghiệp quản lý quỹ, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát, việc đầu tư quỹ, hạch toán, chi phí… khi thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Để khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, tiền người lao động và doanh nghiệp đóng góp cho quỹ sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, lợi nhuận từ đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng được miễn thuế.
Được biết, hiện Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện, với một phần giống với bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng. Theo đó, quản lý quỹ hưu trí tự nguyện sẽ là các ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đủ điều kiện.
Do bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách mới, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cần có lộ trình thực hiện. Đồng thời, người sử dụng lao động sẽ đóng một phần hoặc toàn bộ kinh phí để thể hiện trách nhiệm với người lao động.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định trần đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở. Mức trần này khiến người lao động có lương cao và chủ sử dụng lao động không thể đóng bảo hiểm cao hơn để hưởng lương hưu cao khi về già.