Sẽ chuyên nghiệp hóa tư vấn tâm lý học đường

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết hiện Bộ này đã có kế hoạch nhằm đưa hoạt động tư vấn tâm lý đi vào bài bản, chuyên nghiệp và trở thành một phần không thể thiếu của cơ sở giáo dục.
Học sinh trường THPT Chu Văn An - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Ông Bùi Văn Linh nói:

Về chủ trương chung, từ lâu Bộ GD&ĐT cũng đã xác định hoạt động tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện, giúp học sinh sinh viên có một đời sống tinh thần lành mạnh để học tập và rèn luyện tốt.

Từ năm 2005, Bộ đã ban hành công văn số 9971/BGD&ĐT – HSSV về triển khai công tác tư vấn cho học sinh sinh viên, trong đó có hướng dẫn về các nội dung tư vấn. Từ đó đến nay, Bộ tiếp tục ban hành nhiều văn bản pháp quy, đề cập đến hoạt động tư vấn tâm lý.

Hiện nay, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện đổi mới theo hướng phát triển năng lực người học. Theo đó, từng cá thể học sinh được quan tâm không chỉ về học vấn – kiến thức mà cả về tinh thần - đời sống tình cảm và tiềm năng của mỗi cá nhân.

Tại các nhà trường, bên cạnh hoạt động dạy học các môn văn hóa, còn có rất nhiều hoạt động giáo dục khác. Trong đó, chúng tôi xem việc tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho học sinh ngay từ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường là một hoạt động quan trọng.

Thực tế triển khai hoạt động tư vấn có mức độ khác nhau giữa các địa phương. Một số thành phố lớn thực hiện tương đối tốt hoạt động này, TP Hồ Chí Minh là một ví dụ tiêu biểu.

Tại một hội thảo gần đây về vấn đề này, ông cũng từng bày tỏ sự lo ngại về hệ luỵ đáng tiếc từ thực trạng hoạt động tư vấn tâm lý học đường còn chưa được chú ý đúng mức. Ông có thể phân tích thêm?       

Việc giáo dục tại các nhà trường được thông qua chuỗi các hoạt động giáo dục chứ không chỉ mỗi hoạt động dạy học các môn chuyên môn. Trong số các hoạt động này, chúng tôi xem việc tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho học sinh ngay khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường là một giải pháp quan trọng. 

Ông BÙI VĂN LINH, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên

Chúng ta đều biết, lứa tuổi học sinh là giai đoạn nhân cách của mỗi cá nhân đang trong quá trình hình thành, phát triển. Ở lứa tuổi này, các em thường gặp những khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè…

Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời sẽ dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì chán hoặc bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường…, thậm chí tự kỷ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một thực tế hiện được dư luận quan tâm, đó là tình trạng bạo lực học đường, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến là do hoạt động tư vấn học đường chưa được phát huy vai trò của nó. Bạo lực học đường không chỉ là đánh nhau mà còn có các biểu hiện khác, chẳng hạn như trạng thái sang chấn tâm lý do bị đè nén, bị đe doạ, bị o ép...

Nếu triền miên bị rơi vào trạng thái này, các sang chấn tâm lý sẽ chuyển sang bệnh lý, rất khó khắc phục, gây ra những hậu quả khó lường. Việc kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh để có thể tiếp cận, can thiệp, không để xảy ra những hệ luỵ đáng tiếc chính là chức năng của những người làm công tác tư vấn tâm lý.

Hoạt động tư vấn tâm lý học đường còn trang bị cho học sinh sinh viên những kiến thức, kỷ năng để phòng tránh việc rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, hoặc các giải pháp tối ưu nhằm thoát khỏi khủng hoảng trong các mối quan hệ xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay vẫn chưa được chú trọng đúng mức, số địa phương, đơn vị trường học thực hiện tốt hoạt động này chưa nhiều.

Nhiều địa phương cho biết họ rất quan tâm tới mảng này nhưng một trong những vướng mắc là không có cán bộ có chuyên môn, ông nghĩ sao?

Hoạt động tư vấn tâm lý học đường hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu do nhiều nguyên nhân trong đó có việc thiếu can bộ chuyên môn. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, việc bố trí định biên giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý trong các trường học gặp nhiều khó khăn. Trong khi chưa bố trí được giáo viên chuyên trách, giải pháp trước mắt là bố trí cán bộ giáo viên kiêm nhiệm.

Về lâu dài cần có vị trí tư vấn tâm lý giáo dục học đường, đây là một vị trí quan trọng và cần thiết.

Thực tế là nhiều trường ĐH sư phạm đều có khoa Tâm lý Giáo dục nhưng lại không đào tạo giáo viên tư vấn tâm lý học đường. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mãi tới năm 2004 mới mở ngành này. Như vậy ngay cả về mặt chuyên môn chúng ta cũng thiếu sự chuẩn bị chứ không chỉ là vấn đề cơ chế, chính sách?

Đúng là trong khâu đào tạo của các trường sư phạm, những môn khoa học cơ bản thường được ưu tiên quan tâm hơn. Với những hoạt động giáo dục mang tính chất hỗ trợ trong các nhà trường ở mỗi thời điểm chúng ta có những cách tiếp cận khác nhau. Thường thì những đòi hỏi từ xã hội sẽ là động lực để từng ngành có chiến lược phát triển khác nhau theo từng giai đoạn. Đây là thời điểm phù hợp để đưa hoạt động tư vấn tâm lý học đường đi vào bài bản, chuyên nghiệp tại các nhà trường.

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các cấp, các ngành, các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động tư vấn học đường trong cả nước. Dự kiến, cuối năm nay Bộ sẽ tổ chức hội thảo về việc xây dựng mô hình tư vấn tâm lý tại các trường học, trên cơ sở đó sẽ để xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả áp dụng trên toàn quốc.

Cảm ơn ông!

Post by Báo Tiền Phong.