Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 7/10, ông Nguyễn Đức Hòa, số nhà 101, Khu đô thị 54, ngõ 85 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) xác nhận, ông đứng tên ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội về các biện pháp xử lý sau vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông. Cùng ký vào đơn với ông Hòa còn có khoảng 30 hộ dân khác – những người ở sát vách khu nhà xưởng bị cháy của Cty Rạng Đông.
Khu vực nhà xưởng Cty Rạng Đông giáp ngõ 342 Khương Đình đã được xây tường bao quanh sau khi dọn dẹp, tẩy độc xong. Ảnh: Trường Phong
Ông Hòa cho biết, đến nay, gia đình ông vẫn phải thuê nhà ở nơi khác. Thời gian thuê theo hợp đồng kéo dài 6 tháng. Vợ và con nhỏ của ông vẫn chưa thể về nhà. Thỉnh thoảng, ông chạy về nhà để dọn dẹp, trông coi nhà cửa.
Trong đơn kiến nghị của mình, ông cũng dẫn kết quả xét nghiệm thủy ngân trong máu của mình tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện ngày 4/9 với kết quả 0,563 µg/dL, vượt quá ngưỡng an toàn là < 0,5µg/dL và cho rằng, việc này ảnh hưởng tới sức khỏe của ông.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Đức Thọ, số nhà 109, Khu đô thị 54 cũng xác nhận đứng tên trong đơn kiến nghị tập thể nói trên. Ông Thọ cho biết, cả nhà ông cũng phải di tản sau vụ cháy, mới trở về được vài ngày.
Ông Hòa (trái) và ông Tiến trong cuộc làm việc với phóng viên Tiền Phong. Ảnh: Trường Phong
Ông Thọ từng cùng với nhiều người dân trong Khu đô thị tham gia chữa cháy khi vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông xảy ra. “Trước vụ cháy tôi đi khám bệnh thì không có vấn đề gì. Kết quả xét nghiệm các thông số sau vụ cháy cũng không có gì bất thường, chỉ là sai năm sinh của tôi. Nhưng vừa rồi tôi đi khám thì bác sĩ bảo bị vôi phổi, có đốm trong phổi”, ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết, không biết nguyên nhân việc có đốm trong phổi nói trên có liên quan gì đến vụ cháy hay không. Riêng con nhỏ của nhà ông Thọ vẫn đi di tản, chưa trở về.
Ông Lương Văn Ngân, nhà ở số 99 Khu đô thị 54 cũng xác nhận đứng tên trong đơn kiến nghị tập thể nói trên. Ông Ngân cho biết, cũng vừa đi di tản về. “Chúng tôi kiến nghị di dời các nhà máy xung quanh, nếu không xảy ra cháy nữa thì chúng tôi chết”, ông Ngân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng Ban quản trị tòa nhà A1, Chung cư 54 cho biết, đến nay, khoảng 80% người dân di tản đã trở về. Chung cư cũng vừa tổ chức hội Trung thu muộn cho con em của cư dân. Tuy nhiên, đến nay, nhiều cháu nhỏ vẫn được bố mẹ gửi đi nơi khác, chưa dám cho trở về sinh sống, đi học ở gần khu chung cư. Theo ghi nhận của phóng viên, hai trường mầm non đặt trong khu dân chư dù đã mở cửa đón học sinh, nhưng chưa đạt được sĩ số như trước khi xảy ra vụ cháy.
Hiện vẫn còn nhiều trẻ nhỏ chưa trở về chung cư để đi học. Ảnh: Trường Phong
Ông Tiến và những hộ dân Khu đô thị 54 cho biết, người dân thống nhất kiến nghị Cty Rạng Đông phải ngừng sản xuất, thực hiện việc di dời sang cơ sở mới ở Bắc Ninh, đồng thời thực hiện việc đền bù cho người dân. Đến nay, phía Cty Rạng Đông chưa có trao đổi cụ thể về việc đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại sau vụ cháy nhà xưởng của Cty này. Trong khi đó, theo thông tin đăng tải trên báo chí, Cty đã được chi trả khoảng 150 tỷ tiền bảo hiểm. Sắp tới, các hộ dân sẽ có kiến nghị phía Cty có cuộc làm việc với đại diện cư dân xung quanh để nêu vấn đề đền bù thiệt hại, có thể khởi kiện để đòi quyền lợi.
Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, phóng viên báo Tiền Phong đã đặt giấy giới thiệu, liên hệ công tác, gửi câu hỏi với nội dung các biện pháp xử lý sau vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông với UBND phường Thanh Xuân Trung hơn chục ngày, đồng thời đã gọi điện, nhắn tin cho Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung nhưng không có thông tin phản hồi...