Tôi thấy xấu hổ và bực bội khi thấy những người hôi bia giữa đường, bất chấp người bị nạn cầu xin, nhờ giúp đỡ.
Những vụ xe gặp nạn, bị lật đổ ngô, dầu xe… trên đường từng xảy ra, và cảnh hôi của cũng xuất hiện. Chúng làm tôi tự đặt câu hỏi khi so sánh: Tại sao những người nhặt phế liệu nghèo khó, những em nhỏ khi nhặt được hàng chục triệu đồng trên đường, vẫn mang đến cơ quan chức năng hay tìm người đánh rơi để trả lại?
Chẳng nhẽ, nhiều người giờ sống thờ ơ đến vậy sao?
Câu trả lời rất may là không hẳn vậy.
Sau khi truyền thông lên tiếng mạnh mẽ, nhiều bạn trẻ đã ủng hộ, giúp đỡ tiền cho lái xe trong bối cảnh nạn nhân có thể phải đền hàng trăm triệu đồng, mà hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Những lời động viên vượt qua lúc khó khăn, và hành động thiết thực đó khiến tôi và nhiều người cảm động. Đằng sau “hôi bia” vẫn còn nhiều tấm lòng nhân ái, biết giúp đỡ, chia sẻ người gặp khó khăn.
Người Việt Nam có câu “lá lành đùm lá rách”, đùm bọc nhau những lúc khó khăn hoạn nạn. Mong rằng những hành động “hôi của” sẽ ít đi thấy rõ, thay vào đó là hành động “ra đường thấy việc bất bình chẳng tha”.