Sau đón tấn công chớp nhoáng, Mỹ không rút quân khỏi Syria

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria cho đến khi đạt được các mục tiêu. Trong khi đó, các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá hôm nay bắt đầu nhiệm vụ điều tra tại Douma, nơi chính quyền Syria bị cáo buộc tấn công hóa học với dân thường.
Xe của lực lượng Mỹ tại Syria hồi tháng ba. Ả

Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ngày 15/4 liệt kê ba mục tiêu của Mỹ tại Syria: đảm bảo vũ khí hoá học không được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại và Mỹ có đòn bẩy thuận lợi để theo dõi Iran.

Chúng tôi có mục tiêu là "đưa quân đội Mỹ về nước, nhưng chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi hoàn thành những điều đó", Haley nói, theo Reuters.

Mỹ có hơn 2.000 binh sĩ đóng quân ở miền đông Syria nhằm hỗ trợ các nhóm dân quân bản địa để tiêu diệt IS và kiểm soát khu vực có nhiều mỏ dầu ở đông bắc nước này. Trump hồi cuối tháng ba nói rằng Mỹ đã chiến thắng trước IS và muốn đưa quân Mỹ về nước.

Tuy nhiên, sau khi Trump họp với các cố vấn, Nhà Trắng ngày 4/4 thông báo họ sẽ không rút quân nhằm đánh bại hoàn toàn IS và đảm bảo nhóm này không hoành hành trở lại.

Sau khi cáo buộc chính quyền Syria tấn công hóa học với dân thường khiến hàng chục người thiệt mạng ngày 7/4, Mỹ, Anh và Pháp ngày 14/4 phóng hơn 100 tên lửa vào ba mục tiêu ở Syria. Nga cho biết phòng không Syria đã chặn nhiều tên lửa trong khi Mỹ nói rằng không tên lửa nào của họ bị bắn hạ.

Trong một diễn tiến khác, các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá hôm nay bắt đầu nhiệm vụ điều tra tại Douma, nơi chính quyền Syria bị cáo buộc tấn công hóa học với dân thường.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo họ có thể làm việc chuyên nghiệp, khách quan, công bằng và không chịu bất kỳ áp lực nào", Thứ trưởng Ngoại giao Syria Ayman Soussan ngày 15/4 nói về nhóm các chuyên gia hóa học từ Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW) có trụ sở tại Hà Lan.

OPCW từng tuyên bố rằng kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria đã được dỡ bỏ vào năm 2014. Tuy nhiên, tổ chức này sau đó xác nhận chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong một cuộc tấn công năm 2017 ở thị trấn Khan Sheikhun, bắc Syria, theo AFP.

Mặc dù Damascus bác bỏ cáo buộc tấn công hóa học, Mỹ, Anh và Pháp ngày 14/4 không kích vào ba mục tiêu mà họ cho là cơ sở liên quan đến vũ khí hóa học của Syria. Nhóm chuyên gia của OPCW ngày 14/4 đến Damascus chỉ vài giờ sau cuộc tấn công.

Nga phản đối hành động của phương Tây, cho rằng họ muốn cản trở việc điều tra của OPCW. Trong khi đó, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hoan nghênh cuộc không kích, bình luận rằng đây là phản ứng phù hợp. Mỹ và đồng minh cảnh báo họ có thể tiến hành thêm các vụ tấn công nếu chính quyền Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.

Theo Theo Vnexpress