Sau cái tên một quảng trường ở Pháp

TP - Bản tin trên TTXVN ngày 29/6/2022. Lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường ở Trung tâm quận 16 thủ đô Paris đã được tiến hành trọng thể với sự hiện diện của bà Phó Thị trưởng thành phố Paris, Thị trưởng quận 16, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo người thân gia đình ông Đỗ Hữu Vị, quan chức và bà con địa phương.

Lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một Quảng trường ở Paris

Đỗ Hữu Vị - ông là ai?

Nhớ lại, Pháp đem quân gây hấn ở Bắc và Trung Kỳ, nhưng thật sự đặt chân lên được đất Việt Nam trước tiên là ở Nam Kỳ.

Năm xa ấy tôi may mắn được dự một cuộc hội thảo lớn về văn hóa Nam bộ.

Thưởng lãm vốn sưu tầm dân gian về ca dao dân ca, người dự hội thảo được nghe thêm bài Thơ Nam Kỳ của một tác giả khuyết danh. Mọi ý kiến đều nhất trí coi bài ấy là áng văn cổ nhất ở miền Nam, viết bằng chữ quốc ngữ.

Nội dung cổ võ cho sự hợp tác với Pháp của dân Nam bộ. Mà nguyên nhân là tâm lý bất mãn ấm ức với sự bạc đãi của triều đình.

Đám tay tổ thực dân vớ được bài thơ này coi như của quý. Tìm ra được bài thơ này, công lớn thuộc về Michel Đức Chaigneau, con ông Chaigneau, một phụ tá đắc lực cho vua Gia Long. Bài Thơ Nam Kỳ được dịch ra tiếng Pháp có những câu:

...Các quan lại là những nhà hiền triết, những bậc anh hùng tài đức, Họ coi chúng ta (dân) như cỏ cây, như rác rến, Họ hay dùng roi vọt đánh đập chúng ta, hơn là kháng chiến chống Pháp. Chúng ta như sống trong cảnh cá chậu chim lồng... nên chúng ta (phải như chim khôn) tránh lưới, tránh dò. Hãy để chúng tôi bày tỏ lòng tôn kính đối với cường quốc Pháp, vì ‘tứ hải giai huynh đệ”...

Việc chuyển ngữ có những trúc trắc nhưng nội dung đã toát yếu một ý niệm, một thông điệp rõ ràng: vì bạc đãi, chia rẽ, nghi ky giữa lương giáo của triều đình Huế, vô tình làm mất đi sự hậu thuẫn lớn của dân chúng. Thấy rõ đó là cơ hội tốt, Pháp liền nắm lấy. Họ dùng người Việt cai trị người Việt ngay từ buổi đầu. Pháp mở rộng vòng tay đón những người bất mãn ra hợp tác, đặt họ vào địa vị có tiền bạc để họ tận tâm phục vụ.

Đỗ Hữu Vị (phía sau) trên máy bay

Đối chiếu thấy khớp với lịch sử, rằng sự thành công của Pháp ở Nam Kỳ dễ dàng một phần do nhân tâm ly tán. Nam Kỳ là đất mới, Nho học chưa đủ thời gian để bắt rễ. Khoa cử chỉ mới tổ chức hoàn bị vài khoá tại trường thi Hương Gia Định thì người Pháp đến. Số ông Nghè, ông Cử đại diện cho Nho giáo ở miền Nam rất hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

So với miền Trung và Bắc, lúc đó dân trí miền Nam thấp, và họ cũng ít hưởng được ơn vua lộc nước. Các đại thần ra giúp Nguyễn Ánh trung hưng cũng đều phát xuất từ Thanh Hoá trở ra Bắc.

Pháp chiếm được miền Nam rồi, Nho học suy tàn mau chóng. Dân Nam Kỳ rất phân hoá vì nhiều nguyên nhân kể trên.

Khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã được nhượng cho Pháp, biết bao cảnh tượng thương tâm: nhiều nghĩa quân bị sát hại, gia đình tan nát. Có những gia đình bỏ cả nhà cửa ruộng vườn, bồng bế nhau qua ba tỉnh còn lại tá túc. Trong khi đó, một số người có đạo Thiên Chúa, sẵn môi ác cảm với triều đình, âm thầm ở lại, hoặc mạnh dạn ra hợp tác với Pháp.

Ngoài ra còn có một hạng người khác cũng sớm ra đầu thú để xin hợp tác. Họ là thành phần điền chủ giàu có. Gia đình họ trước đây nhờ các chức vụ như bá hộ, hộ trưởng, đội trưởng các đồn điền mà làm giàu mau chóng. Có thế lực dễ kiếm ra tiền. Có vốn cho vay sanh lời mau chóng. Có tiền họ mua thêm ruộng đất, hoặc siết ruộng đất của những người cầm cố không trả nổi. Họ cảm thấy cần được cái dù che chở của Pháp để bảo vệ quyền lợi cho gia đình và dòng họ.

Trong hoàn cảnh ấy, Nam bộ đã ló dạng bốn nhân vật phú hộ vung vinh thế lực.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.

Phương là Đỗ Hữu Phương. Căn cứ cái câu như một lời truyền này, thì Đỗ Hữu Phương được xếp ở vị trí thứ hai trong số bốn người giàu có nhất Nam Kỳ buổi ấy.

Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 gốc người Minh Hương, biết chữ Hán, nói được một ít tiếng Pháp. Cha là một người giàu có, tục gọi là Bá hộ Khiêm. Ông này cưới con gái một vị quan người Quảng Nam vào Nam Kỳ làm Tri phủ.

Năm 1859, quân Pháp đánh Gia Định, Đỗ Hữu Phương lên Hóc Môn lánh thân và chờ thời. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ năm 1861, Phương được giới thiệu với Francis Garnier lúc bấy giờ đang làm tham biện hạt Chợ Lớn và được nhận làm cộng sự. Đỗ Hữu Phương được chính quyền Pháp cho làm hộ trưởng. Lai thường ngầm làm trung gian để giới thương gia người Hoa hối lộ các viên chức Pháp. Nhờ vậy, mà ông giàu lên nhanh chóng. Rồi chẳng bao lâu được bổ làm Đốc phủ sứ Vĩnh Long.

Nhưng Phương từng được coi là người thò lò hai mặt, vừa làm tay sai cho Pháp vừa ngầm giúp nghĩa quân. Từng tham gia dẹp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực và dụ hàng hai người con trai của Phan Thanh Giản.

Và độc đáo một sự kiện. Đỗ Hữu Phương vì việc chứa chấp thủ lĩnh nghĩa quân Thủ Khoa Huân trong nhà mấy năm liền nên bị bắt đi đày 3 năm ở Cayenne, Guyane. Sau được ân xá. Bản tính tháo vát khôn khéo biết lo lót nên vẫn ung dung, ngày càng giàu thêm. Rồi liên tục được nhận các phần thưởng lớn nho của nhà nước bảo hộ Pháp.

Năm 1878, được qua Pháp dự hội chợ quốc tế. Năm 1881, nhập quốc tịch Pháp. Uy thế đến mức Toàn quyền Paul Doumer, mỗi khi vào Nam đều ghé nhà ông ăn nhậu. Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm Tổng đốc.

Bà vợ họ Trần của Tổng đốc sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng khác những quý bà trong giới thượng lưu. Bà nổi tiếng đảm đang, tháo vát. Chính bà đã bỏ tiền ra xây trường College de Jeunes files Indigènes, tức trường Áo tím (Gia Long) bây giờ mang tên trường Nguyễn Thị Minh Khai (đường Điện Biên Phủ, quận 3).

Hình ảnh Đỗ Hữu Vị trong Bảo tàng Con Người

Ông có tất cả 6 người con. Trưởng Nam là Đỗ Hữu Chẩn theo học trường Võ bị danh tiếng St-Cyr của Pháp sau làm Trung tá trong quân đội Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất làm trung tá trong quân đội Pháp. Người con danh tiếng nữa là Đỗ Hữu Vị, phi công đầu tiên Việt Nam và cả Đông Nam Á. Lại có người con gái gả cho con trai Hoàng Cao Khải là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu!

***

Từ thiếu thời, Đỗ Hữu Vị đã được hấp thụ một nền văn hóa Pháp hoàn toàn. Tốt nghiệp trường Taberd, được thân phụ gửi qua Pháp du học tại trường Collège St.Barbe ở Paris. Đỗ Hữu Vị nói và viết Pháp văn như Pháp. Rồi Đỗ Hữu Vị chọn binh nghiệp như anh mình. Ba năm sau khi ra trường, Đỗ Hữu Vị xin học Không quân. Lúc đó người Việt Nam làm sĩ quan cho Pháp rất hiếm. Lúc bấy giờ máy bay mới được phát minh, cho nên làm phi công là một việc phi thường.

Đỗ Hữu Vị là phi công tác chiến trong phi đoàn ở thuộc địa Maroc.

Để cổ vũ tấm gương người dân thuộc địa phục vụ cho mẫu quốc, Pháp gởi Đỗ Hữu Vị về Viêt Nam lái máy bay biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Sự kiện ấy được dân chúng khâm phục, hãnh diện và bàn tán sôi nổi.

Thế Chiến I bùng nổ, Đỗ Hữu Vị qua Pháp tham dự các trận đánh với Đức. Trong một lần giao tranh tại sông Somme, Đỗ Hữu Vị bị thương nặng và từ trần sau đó, năm 1916 ở tuổi 33 chưa vợ không con! Ông được tặng thưởng nhiều huy chương, khi chết là Đại úy.

Pháp cho in hình Đỗ Hữu Vị trên con tem phát hành khắp Đông Dương.

Hiện ở Paris ngay chân tháp Eiffel. Trong hệ thống 136 nhà bảo tàng của Pháp có nhà bảo tàng mang tên Musée de l’Homme (Bảo tàng Con Người - thành lập năm 1937), trưng bày các hiện vật về lịch sử và văn hóa Pháp. Musée de l’Homme hiện năm trong Palais de Chaillot - quyền quản lý của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp.

Hình ảnh Đỗ Hữu Vị trên con tem xưa

Bảo tàng hiện trưng những bức chân dung làm nên lịch sử nước Pháp, tôn vinh 58 nhân vật anh hùng nước Pháp xuất thân hải ngoại, đã từng phuc vụ và cống hiến cho Pháp trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong số này có Đỗ Hữu Vị, là nhân vật duy nhất của Đông Dương được ghi ơn. Đỗ Hữu Vị cũng nằm trong danh sách 318 nhân vật trong lịch sử nước Pháp, được chính phủ Pháp chọn lựa để tôn vinh “những số phận đã trở thành người Pháp, thông qua cuộc đấu tranh của họ”.

Và ngày 29/6 mới rồi, phi công Đỗ Hữu Vị lại một lần nữa được Pháp tôn vinh.

***

… Tôi nhảo qua con phố Cửa Bắc. Thời Pháp, con đường phía Bắc thành Hà Nội mang tên số 52 (voie N052), năm 1909 đổi thành phố Yên Thành. Năm 1919 đổi thành phố Đỗ Hữu Vị. Ở cuối phố có Trường Sư phạm mang tên Đỗ Hữu Vị, chuyên đào tạo giáo viên bậc tiểu học cho toàn xứ Bắc Kỳ. Năm 1945 đổi thành phố Cửa Bắc cho đến nay.

Trường Đỗ Hữu Vị nay là Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu - Phan Đình Phùng.