Tích hợp khiên cưỡng
Trong chương trình GDPT mới ở bậc THCS, có bộ môn tích hợp mới đó là Khoa học tự nhiên (KHTN) và Lịch sử - Địa lý. Hai môn học này thực chất là ghép kiến thức của 5 môn riêng lẻ trước đó gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình, SGK mới ở bậc THCS bắt đầu từ lớp 6 và từ đó đến nay giáo viên các nhà trường ngao ngán “kêu trời” vì họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng buộc phải dạy đa môn. Cụ thể, giáo viên Sinh học phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng, còn hai năm học nữa mới thực hiện xong việc thay toàn bộ SGK giáo dục phổ thông tuy nhiên dạy học tích hợp có nhiều vấn đề bất cập, cần “lối cũ ta về” đơn môn như cũ.
Theo ông Khang, chương trình cũ (năm 2006), ở THCS có 5 môn học riêng biệt được tích hợp các môn thành môn học mới. Thực tế, về SGK, kiến thức trong bộ môn KHTN được viết thành các chủ đề hoặc chương riêng. Chương này có thể là Vật lí, chương sau sẽ là Hoá, chương sau nữa là Sinh và sắp xếp lẫn lộn theo kiểu “xôi đỗ”. Điều đáng nói, kiến thức trong các bài học hay trong chương thuần túy là kiến thức phân môn không có sự “tích hợp” như kỳ vọng.
Tất cả giáo viên trước khi thực hiện chương trình đều được đào tạo đơn môn do đó để dạy học sẽ phải tự học một khóa ngắn hạn để lấy chứng chỉ. Thế nhưng, sau khi giáo viên có chứng chỉ, nhà trường phân công mỗi giáo viên KHTN dạy cả 3 phân môn Vật lí, Hóa học, Sinh học lại rất khó khăn. Giáo viên chuyên về Lí rất vất vả, thiếu tự tin khi phải dạy Hoá, Sinh và ngược lại. Ở lớp 6, kiến thức các môn còn đơn giản, càng lên cao (lớp 7, 8, 9) kiến thức càng sâu… giáo viên dạy trái môn càng khó và càng mất tự tin. Học sinh hỏi thêm một chút, giáo viên đành hẹn trả lời sau.
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thừa nhận, việc triển khai môn tích hợp đang là “một thách thức lớn đặt ra”. Trước mắt sẽ có hai con đường, trong đó một là quay về như cũ thành các đơn môn và hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán lộ trình đến năm nào đó để giáo viên được tập huấn đầy đủ phù hợp dạy học tích hợp.
Môn Lịch sử và Địa lí lại càng không có nội dung nào liên quan đến tích hợp như cái tên của nó khi SGK phân bố kiến thức hai phần riêng biệt từ lớp 6, 7, 8. Các nhà viết SGK cũng rạch ròi hai nhóm: nhóm viết lịch sử, nhóm viết địa lí. Trước đây có hai cuốn SGK lịch sử và địa lí riêng biệt thì nay in gộp vào một cuốn SGK có tên Lịch sử và Địa lí. Có thể nói, tích hợp nhưng không khác gì trước đây, chỉ khác mỗi bìa sách in chung.
Từ thực tế dạy học ở trường, ông Khang cho rằng, việc tích hợp không có ưu điểm, trái lại chỉ gây rắc rối cho việc dạy học. Cô giáo N.T.H.Y ở một trường THCS khác cũng gọi cách tích hợp các môn như SGK mới hiện nay là cuộc “cưỡng hôn” phản khoa học mà trong đó môn KHTN là “bình mới” nhưng “rượu cũ”.
Giáo viên không tự tin dạy học
Trao đổi với PV, bà V.L.N, phó hiệu trưởng một Trường THCS tại Hà Nội cho biết, áp dụng SGK mới 2 năm đã gây khó khăn, khổ sở cho nhà trường và giáo viên. Giáo viên phải “biết 10” dạy 1-2 và dạy nâng cao, chuyên sâu cho nhóm học sinh giỏi trong khi chương trình mới “đẩy” giáo viên Vật lí dạy kiến thức Sinh học, Hóa học là không thể. “Có thực tế hài hước là trước mỗi bài dạy, giáo viên Hóa học được 2 giáo viên bộ môn Sinh học, Vật lý bổ túc kiến thức để lên lớp thế nhưng học sinh hỏi khó cũng đành chịu. Lo học sinh không đủ kiến thức bậc THCS, ngoài chương trình, nhà trường buộc phải bố trí giáo viên từng phân môn dạy thêm cho các em. Bộ GD&ĐT phải tính con đường cho môn học này, tốt nhất quay về đơn môn như cũ nếu không nhiều thế hệ học sinh sẽ hổng kiến thức các môn. Đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh và khó có gì có thể bù đắp được”, bà N nói.
Bà Đỗ Thị Việt Hiền, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho rằng, khi xếp giáo viên đơn môn dạy tích hợp các môn cộng với việc thiết kế kiến thức từng phân môn riêng rẽ không chỉ khổ cho đội ngũ mà học sinh là đối tượng sẽ bị thiệt thòi. Trong khi ở vai trò quản lý trường học, nhà trường không thể làm trái chương trình nhưng cũng rất thương các em học sinh. Nếu học theo cách đó, giáo viên mất tự tin, học sinh không thu nhận được kiến thức như mong muốn và mất gốc. Khi lên bậc THPT, các em không có nền tảng để lựa chọn môn học tổ hợp.