Sắp xếp lại hàng nghìn điểm trường vùng cao

TP - Trong chuyến công tác hai ngày tại tỉnh Lào Cai, vấn đề được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ quan tâm nhất là quy hoạch mạng lưới trường lớp. 

Hàng nghìn điểm trường nhỏ lẻ nằm sâu trong thôn bản tại các tỉnh miền núi Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… đang cần được sắp xếp lại theo hướng nâng cao chất lượng trường lớp, điều kiện học tập, giảng dạy cho cả thầy và trò. Tuy nhiên thực tế đang có nhiều vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ…

Nỗ lực xóa điểm trường 

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho hay, do tính chất đặc thù của miền núi, Hà Giang có trên 1088 điểm trường lẻ. “Quan điểm của ngành là không được để bung ra, phải làm gọn lại. Sở GD&ĐT quyết định chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính, có thể chuyển một phần, chuyển toàn phần hoặc nếu thấy bất hợp lý thì sáp nhập. Sau hơn 1 năm làm,  đến nay, trong số 1088 điểm trường, ngành đã xóa được 61 điểm” – ông Sử cho hay.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết sau hơn một năm thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai, đến 30/9, đã sát nhập 40 trường thành 20 trường, giảm 302 lớp do sắp xếp đưa học sinh điểm trường lẻ so với năm 2014-2015.  Đưa gần 2000 học sinh điểm trường lẻ về học ở trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục. “Hai huyện vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai đã đưa hầu hết học sinh lớp 4, lớp 5 ở các điểm trường về học ở trường chính. Một số xã đã đưa học sinh lớp 3 về trường chính” – ông Ninh cho hay. Theo lộ trình đã đưa ra, giai đoạn 2015-2017, Lào Cai sẽ xóa 42 điểm trường lẻ, gộp 192 điểm trường lẻ của mầm non và tiểu học còn 96 điểm trường.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm trường mầm non Bản Khoang, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. - Ảnh: Nghiêm Huê

Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ông Hoàng Đăng Khoa cho biết huyện có tới trên 700 trường. Vấn đề đặt ra làm sao nâng cao được chất lượng. “Huyện đã làm thí điểm 3 trường sáp nhập, xóa điểm trường. Vì có những lớp chỉ 3 – 5 học sinh. Do đó, rút  học sinh về  điểm trường chính là việc cần làm để tạo điều kiện nâng cao chất lượng” – ông Khoa cho hay. Cô Nguyễn Kim Huệ, giáo viên dạy Ngữ văn – Lịch sử trường liên cấp mầm non, tiểu học, THCS Tòng Sành, huyện Sa Pa của Lào Cai cho biết khi sáp nhập, học sinh sẽ có lợi hơn khi các em được học tất cả các môn học, kể cả các môn chuyên biệt. Đội ngũ các thầy cô giáo đầy đủ hơn, các em có môi trường học tập tốt hơn. 

Còn bộn bề khó khăn

Việc sáp nhập, xóa điểm trường lẻ đang gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho hay muốn đưa học sinh điểm trường về trung tâm thì khó khăn đầu tiên là cơ sở vật chất ở điểm trung tâm. 

“Thiếu nhất không phải là lớp học, mà là nhà ở bán trú cho học sinh, bếp ăn, nhà ăn… các công trình phụ trợ như nước, điện, vệ sinh. Bà con nhìn thấy trường tốt, con cái họ ăn ở tốt là họ đưa con về” - ông Minh nói. 

Khó khăn thứ hai mà Lai Châu đưa ra đó là theo quy định của liên Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính, những học sinh tiểu học, THCS khu vực  II, không còn được hưởng chế độ của trường dân tộc nội trú. Theo thông tư này chỉ còn học sinh THPT là được hưởng. 

“Vì vậy, trong một gia đình, anh học THPT thì được hỗ trợ, nhưng em học tiểu học lại không được hỗ trợ. Thông tư này của hai bộ đã ảnh hưởng đến khoảng 18 trường, tương đương trên 3.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở Lai Châu nhiều. Ví dụ như trường THCS Phúc Khoa, huyện Than Uyên đẹp, nhưng giờ học sinh bỏ hết vì không có hỗ trợ, các em không có tiền đi học” - ông Minh nêu thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - ông Đặng Xuân Phong cũng đề xuất Bộ GD&ĐT bổ sung thêm đối tượng học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền ở học sinh khu vực II. Vì ở Lào Cai có trên 1.500 học sinh thuộc khu vực này, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vấn đề khác được đặt ra đó là khi học sinh ở nội trú, bán trú đông cần phải có người quản sinh. 

Ông Luyện Hữu Chung, Phó giám đốc Sở  GD&ĐT Yên Bái cho hay hiện nay có những trường có đến hơn 900 học sinh bán trú. Do đó, đề xuất Bộ GD&ĐT cho định mức biên chế, hoặc vị trí việc làm với y tế học đường, quản sinh đối với các trường bán trú.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT thì đưa ra một khó khăn khác đó là các trường khi được sáp nhập hoặc đưa các điểm lẻ về thì phải hoạt động như trường bán trú. “Giáo viên vẫn phải làm việc như giáo viên trường bán trú nhưng không có chính sách hỗ trợ gì cho họ” – ông Minh cho hay.

Bộ sẽ đưa ra tiêu chí cụ thể

Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án quy hoạch của UBND tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai cũng đã thấy những vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai hiện có xã dân cư không đông, diện tích không lớn nhưng địa hình chia cắt nên sau khi quy hoạch vẫn phải để từ 2 trường/cấp học/xã trở lên. Vì nếu gộp lại, có một bộ phận học sinh đi học quá xa khoảng 10km hoặc điểm trường ở quá xa trung tâm.

“Nhận thức của một bộ phận người dân không muốn cho con em phải đi học xa nhà, phải ở bán trú tại trường, nhất là THCS vì còn muốn các em phải tham gia lao động giúp cha mẹ. Cá biệt, có một số điểm trường lẻ sau khi quy hoạch chỉ còn 1lớp/điểm trường mà bắt buộc phải duy trì điểm trường này. Và theo quy định chỉ được phép bố trí 1 giáo viên/điểm trường/lớp, như vậy việc quản lý, sinh hoạt, đảm bảo an toàn cho giáo viên ở tại điểm trường, đặc biệt là giáo viên nữ (chiếm khoảng 80% số giáo viên) rất khó khăn” – ông Ninh cho hay.

Một điểm trường tại huyện Mai Châu, Hòa Bình.

Ảnh: Nghiêm Huê

Trước những khó khăn, kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay xóa điểm lẻ cùng cấp học dễ, nhưng khác cấp học không đơn giản. “Không thể nói dồn là dồn, ngay cả mặt bằng cũng rất khó khăn. Các cấp học cũng có tính độc lập. Đây là bất đắc dĩ chúng ta mới dồn. Chủ trương là đúng nhưng bước đi thế nào?” - Bộ trưởng cho hay. 

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, vừa qua, các Sở GD&ĐT đã tiến hành quy hoạch nhưng theo hướng tự phát. Sắp tới Bộ sẽ đưa về đề án chung để đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, trước đây, để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, do điều kiện kinh tế khó khăn nên có những điểm trường cắm bản để huy động trẻ đến trường. Nhưng hiện nay, do kinh tế phát triển, nhận thức của người dân đối với giáo dục đã được nâng lên. Do đó, để có thể đầu tư tập trung, nâng cao chất lượng giáo dục thì việc quy hoạch mạng lưới trường lớp là cần thiết.