Hạn chế chia cắt, manh mún
Sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2019-2021, cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2023- 2025, cả nước có 39 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thời gian thực hiện từ ngày 1/8 và phải xong trước quý III năm 2024.
Sang giai đoạn 2023-2025, theo báo cáo, cả nước có 39 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thời gian thực hiện từ ngày 1/8 và phải xong trước quý III năm 2024. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng. Ngoài ra, sắp xếp các đơn vị hành chính tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện sắp xếp lại huyện, xã cũng tạo ra những xáo trộn.
Từ góc nhìn của địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là rất quan trọng, phức tạp, cần tiến hành kỹ lưỡng, khoa học. Ông dẫn chứng thành phố Thủ Đức trước đây có tách ra, rồi gần đây nhập vào đã ảnh hưởng nhiều đến tâm tư, tình cảm, hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Từ các quy định của Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố có 6 huyện và 149 xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Thành phố đang tập trung chỉ đạo lập phương án, xây dựng và hoàn thành đề án theo đúng tiến độ, trình Thủ tướng phê duyệt chậm nhất vào ngày 31/10. Thành phố cũng sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động của việc sắp xếp này đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội. Đồng thời, chuẩn bị các phương án xử lý các phát sinh; tập trung tuyên truyền, có hình thức phù hợp trong việc lấy ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, theo các tiêu chí, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 26 đơn vị cấp huyện phải thực hiện sắp xếp. Theo ông Thanh, việc sắp xếp này có tác động lớn nhất đối với người dân, còn mọi khó khăn khác thuộc về cơ quan hành chính, bộ máy, lĩnh vực hành chính đều có thể vượt qua. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ. Trong đó, thành phố sẽ cân nhắc, đánh giá cụ thể hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người.
Sắp xếp linh hoạt, bảo đảm bộ máy hoạt động trơn tru
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính. Qua sắp xếp các huyện, xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định, sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, chia cắt không gian phát triển, gây khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng.
Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính là khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Do đó, Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch.
Trước hết, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tại địa phương, nhất là các đối tượng bị tác động. Chú trọng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; bố trí, xử lý trụ sở làm việc và tài sản công; các chế độ, chính sách đặc thù; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống nhân dân ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp sao cho linh hoạt, hợp lý, bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru. Đặc biệt, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất…, nên cần phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.