Theo đề án, trong giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng có 38 dự án ưu tiên đầu tư trong công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 7.260 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp là 5.700 tỷ đồng, vốn đầu tư cho dịch vụ là 1.560 tỷ đồng. Các dự án như: nhà máy đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, thử nghiệm du thuyền Tiên Sa 1.000 tỷ đồng; tổ hợp cung ứng dịch vụ liên quan du thuyền 700 tỷ đồng; các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng phân tán 500 tỷ đồng.
Các dự án như: Bến du thuyền quốc tế Thuận Phước; Bến du thuyền quốc tế tại khu đô thị Đa Phước; Khu vực bến cảng du thuyền sông Hàn; Bến du thuyền Cảng sông Hàn; Bến du thuyền tại khu vực dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex… có vốn đầu tư từ 10-50 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đầu (đến 2025), dự kiến đầu tư 8 dự án dịch vụ liên quan du thuyền. Cụ thể, hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn (khu vực đường Bạch Đằng) diện tích 1 ha và bến du thuyền quốc tế khu đô thị quốc tế Đa Phước diện tích 3 ha.
Từ nay đến năm 2030, Đà Nẵng tập trung xây dựng hạ tầng bến du thuyền quốc tế gắn với dịch vụ tầm cỡ quốc tế tại khu vực vịnh Đà Nẵng, từng bước hình thành hạ tầng ban đầu của công nghiệp du thuyền và kêu gọi đầu tư cơ sở đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ.
Đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại và chuyển đổi bến cảng biển Tiên Sa thành bến cảng biển du thuyền quốc tế, đưa dịch vụ liên quan du thuyền trở thành thương hiệu đặc trưng của thành phố; phấn đấu nâng mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương đạt khoảng 4-5%, trong đó dịch vụ đóng góp 3-3,5%, công nghiệp đóng góp 1-1,5%.