Hệ thống căn cứ
Theo thống kê của tờ Vz (Nga), hiện tại cờ Nga đã treo trên 194 căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea (với khoảng 18.000 binh sĩ và trên 4.000 nhân viên dân sự). Trong đó có những căn cứ, đơn vị rất đáng kể của quân đội Ukraine trước đây như Lữ đoàn tăng-thiết giáp Perevalnoye, các đơn vị phòng thủ bờ biển và lính thủy đánh bộ tại Kerch và Feodosia, 1 trung đoàn pháo binh ở Simferopol, 2 trung đoàn tên lửa phòng không S-300PS với 5 tiểu đoàn trực thuộc, 1 trung đoàn Buk-M1 với 3 tiểu đoàn trực thuộc.
Ngoài ra, tại Crimea còn có rất nhiều các kho vũ khí cùng các cơ sở hạ tầng quân sự.
Các căn cứ, hạ tầng quân sự, trang thiết bị, vũ khí ở Crimea đều ở tình trạng xuống cấp hoặc thiếu bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, Nga hoàn toàn có thể nâng cấp hệ thống này bằng các thiết bị của họ.
Thêm nữa, Nga còn có thể tăng cường sức mạnh cho các căn cứ và đơn vị ở Crimea bằng cách chuyển sang khu vực này các hệ thống vũ khí tối tân như hệ thống phòng không S-300PM2, hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 hoặc trong tương lai có thể là các hệ thống S-400 và ra đa Nebo-M.
Hệ thống S-300PS của Ukraine ở Crimea.
Bên cạnh đó, Nga cũng có thể đưa sang Crimea một số máy bay từ các quân khu, trung đoàn không quân ở nội địa. Nên nhớ ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng Crimea, các máy bay Mi-35M và Mi-8AMTSh đã sớm được tăng cường cho Hạm đội Biển Đen.
Hiện tại có một số dự đoán cho rằng, Nga sẽ đưa đến Crimea các loại máy bay như Su-27SM, MiG-29, Su-25SM, máy bay săn ngầm IL-38N, một số trực thăng trên tàu chiến như Ka-27, Ka-29M, Ka-52K, và một lượng nhỏ máy bay Su-30SM. Đặc biệt nhất là người ta cũng tính tới khả năng Nga chuyển các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đến Crimea.
Các máy bay Tu-22M3 với khả năng mang theo các tên lửa hành trình tầm xa sẽ là sự hỗ trợ quan trọng cho các đội tàu chiến của Nga đang hoạt động tại vùng biển Địa Trung Hải cũng như tạo ra khả năng đánh chặn các mục tiêu ở Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi. T
Tu-22M3 có thể trang bị cho 3 sân bay ở Crimea, trong đó có căn cứ Belbek. Tuy nhiên các sân bay này cũng cần phải trải qua nâng cấp trước khi được biên chế loại máy bay này.
Một căn cứ tại Crimea không thể không nhắc đến là trung tâm huấn luyện phi công trên tàu sân bay tại Novofedorovka được xây dựng từ thời Liên Xô và từng là nơi huấn luyện phi công trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga cho đến năm 2012. Hiện tại Nga đang xây dựng 1 trung tâm huấn luyện phi công tàu sân bay mới ở Eyske nhưng với việc sáp nhập lại Crimea thì trung tâm tại Novofedorovka cũng sẽ được sử dụng lại.
Crimea là nơi đặt căn cứ chính của hạm đội Biển Đen Nga. Thế nên, yêu cầu về khả năng phòng thủ được đề cao. Phía Nga có thể bố trí tại đây từ 2 đến 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới. Ngoài ra, họ còn cần bố trí các hệ thống tên lửa bờ biển như hệ thống Bastion sử dụng tên lửa Onyx (Yakhont), hoặc các hệ thống tên lửa Bal sử dụng tên lửa Uran thay thế cho các tổ hợp tên lửa bờ Rubezh và Redut cũ của Ukraine.
Khả năng phát triển của hạm đội
Kể từ khi sáp nhập Crimea, có 51 tàu chiến của Ukraine treo cờ Nga. Đây được coi như là phần lớn của Hạm đội tàu chiến Ukraine.
Hiện tại, hải quân Ukraine chỉ còn 1 khinh hạm và cũng là soái hạm Hetman Sahaidachny, một số tàu tuần tra nhỏ được trang bị súng máy, một số tàu hậu cần. Tất cả những tàu này đều đóng quân tại cảng Odessa và Ochakov.
Cũng cần phải nói thêm rằng, các tàu của Ukraine treo cờ Nga đều là những tàu có hỏa lực mạnh, trong đó có 1 tàu ngầm, 1 tàu đổ bộ cỡ lớn, 1 tàu đổ bộ cỡ trung, 4 tàu tên lửa, 2 tàu tên lửa cao tốc cùng một số tàu săn ngầm, tàu quét mình và tàu hậu cần...
Tất nhiên các tàu này đều cần phải sửa chữa nhưng chúng đều ở trong tình trạng có thể chiến đấu. Bốn tàu tên lửa vừa treo cờ Nga có thể làm tăng sức mạnh đội tàu chiến mặt nước của Hạm đội Biển Đen. Tàu đổ bộ cỡ lớn Constantine Olshansky có thể thực hiện nhiệm vụ chở lính thuỷ đánh bộ của Nga ở Địa Trung Hải hoặc tham gia vận chuyển hàng hoá cho phía Syria.
Tàu ngầm Zaporozhe tại Crimea.
Dựa vào tình trạng kĩ thuật hiện tại, Nga có thể mất từ 2 tháng đến 1 năm để nâng cấp, bão dưỡng nhóm tàu này. Dự kiến sẽ có khoảng 30 tàu được biên chế lâu dài vào Hạm đội Biển Đen.
Hiện tại, Nga cũng đang có kế hoạch hiện đại hóa Hạm đội Biển Đen với việc đóng mới 6 tàu khinh hạm thuộc đề án 11356R. Chiếc tàu đầu tiên mang tên Admiral Grigorovich vừa được hạ thủy.
Ngoài ra hải quân Nga đang đóng mới 6 tàu ngầm Kilo thuộc đề án 636.3 cho hạm đội Biển Đen. Khoảng từ 1-2 tàu khinh hạm đề án 22350 cùng với các khinh hạm đề án 11356R sẽ là nòng cốt cho đơn vị tàu săn ngầm vừa được Nga khôi phục ở hạn đội này.
Theo dự định ban đầu, các tàu tên lửa cỡ nhỏ đề án 21631 sẽ được biên chế cho các đơn vị tại Novorossiysk. Nhưng trước tình hình mới, Nga đã quyết đinh bổ sung nhóm tàu này cho Hạm đội Biển Đen.
Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral thứ 2 của Nga mang tên Sevastopol sắp tới cũng sẽ được biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
Rõ ràng, việc tiếp quản các căn cứ và đội tàu tại Crimea đã giúp cho Hạm đội Biển Đen nói riêng và quân đội Nga nâng tầm ảnh hưởng và phát triển tại một khu vực quan trọng, được coi là “chìa khóa ra biển”. Nói Hạm đội này đang trên đường trở lại thời hoàng kim, như trước khi Liên Xô tan rã, cũng là vì lẽ đó.
Trước đây, Hải quân Liên Xô đã xây dựng tại Crimea một hệ thống các căn cứ hải quân liên hoàn, trong đó căn cứ chính tại Sevastopol cùng các căn cứ lân cận tại Balaklava, Feodosia, Kerch, hồ Donuzlav.
Vùng hồ Donuzlav cắt sâu vào bán đảo Crimea khoảng 30km, phần lớn có độ sâu 27m, chiều rộng cửa biển 8,5km và đi sâu vào trong thì chiều rộng thu hẹp khoảng vài trăm mét. Khu vực này được đánh giá là căn cứ tốt nhất tại Crimea, hơn cả căn cứ ở Sevastopol là Balaklava.
Còn ở vịnh Balaklava Liên Xô từng xây dựng một căn cứ sửa chữa tàu ngầm được biết đến dưới cái tên Object 825 GTS. Hiện nay căn cứ này vẫn còn nhưng đã được chuyển đổi thành một viện bảo tàng. Và cho dù Nga có khôi phục lại căn cứ này hay không thì vịnh Balaklava vẫn có giá trị với Hạm đội Biển Đen.