Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn - cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, trong đó có việc cấm xe tải và xe khách trên 30 chỗ và xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện tuyến cao tốc theo quy hoạch.
- Thưa ông, tuyến đường vừa thông xe được hơn 1 năm nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, quá tải; công tác thiết kế, đầu tư tuyến đường có “lỗi” gì không?
Dự án được triển khai trên cơ sở Nghị quyết 52 của Quốc hội và được sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư trung hạn giai đoạn 2017 - 2020. Quá trình khảo sát, xây dựng hồ sơ dự án được thực hiện từ năm 2013, cho đến thời điểm dự án đi vào hoạt động là khoảng 8 năm.
Khi đưa vào khai thác, hệ thống an toàn giao thông (ATGT) cũng được xây dựng trên cơ sở thiết kế của đơn vị tư vấn. Chủ đầu tư cũng mời các cơ quan liên quan, cơ quan chuyên môn đi khảo sát, tham gia đóng góp ý kiến, từ đó giúp chủ đầu tư hoàn thiện phương án sử dụng, khai thác mới tổ chức thông xe. Do ở giai đoạn phân kỳ, chỉ đủ ngân sách đầu tư 2 làn xe hạn chế và bố trí 9 đoạn đường có 4 làn xe hoàn chỉnh để phục vụ những xe có nhu cầu vượt. Ngoài ra với những đoạn có đủ điều kiện, tim đường (vạch kẻ liền chia 2 làn xe) ở đây cũng được bố trí những vạch đứt để phục vụ xe có nhu cầu vượt.
Tuy nhiên, khi tuyến đường được đưa vào khai thác, với nhiều thuận lợi nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn, thậm chí vượt thiết kế chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động. Nghe thì rất vô lý nhưng thực tế trên đang làm thay đổi nhiều giải pháp đầu tư hạ tầng và tổ chức giao thông của cơ quan chức năng.
Cụ thể, theo thiết kế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn giai đoạn phân kỳ đầu tư hiện nay chỉ phục vụ cho khoảng 9.000 - 10.000 lượt xe theo tiêu chuẩn đã quy đổi (PCU)/ngày, đêm. Tuy nhiên theo khảo sát, thống kê của tư vấn và Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), hiện nay lưu lượng xe trung bình trên tuyến đã đạt đến điểm tối đa, thậm chí quá tải vào những dịp cao điểm.
- Ông cho rằng lưu lượng xe quá lớn đã "phá vỡ" quy chuẩn giao thông, vậy giải pháp phân luồng được triển khai trên tuyến cao tốc này như thế nào từ ngày 4/4?
Theo Cục CSGT và Ban ATGT các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua, sau khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn thông xe, lưu lượng phương tiện trên QL1, đặc biệt là xe tải, xe khách và các vụ tai nạn giảm đến 40%.
Theo tính toán, năng lực thông hành của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 9000 - 11.000 lượt xe tiêu chuẩn, ở QL1 là 31.000 - 33.000 lượt xe. Do vậy, năng lượng thông hành của QL1 mới đạt 80 - 90%, còn khả năng thể tiếp nhận từ 3.000 - 5.000 lượt xe/ngày đêm.
Từ thực tế này, để đảm bảo cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khai thác đúng thiết kế, giảm các phát sinh, rủi ro về giao thông như va chạm, tai nạn có thể xảy ra khi lưu lượng xe đông, cần thiết phải hạn chế, cấm một số loại xe đi vào, cụ thể là xe tải, xe khách loại lớn.
Sau khi được Cục CSGT và các địa phương có cao tốc đi qua thống nhất, bắt đầu từ 4/4 sẽ cấm các loại xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm; xe tải từ 6 trục trở lên (gồm cả xe thân liền và tổ hợp xe đầu kéo) đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Hiện nay, tại hai đầu nút giao vào cao tốc và các đoạn đường dẫn vào cao tốc trong khoảng cách từ 500 m đến 1 km, cơ quan chức năng đã cắm các biển cấm các loại xe trên đi vào cao tốc. Theo thống kê, hiện nay 49% xe lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn là xe tải và xe khách, thực hiện phương án phân luồng lượng xe này sẽ giảm khoảng 60-70%, cơ bản giảm được tình trạng đông xe và có thể giảm cả điểm nóng về giao thông va chạm giao thông như thời gian qua.
- Với những bất cập về hạ tầng như đường chỉ có hai làn, không có dải phân cách giữa, biển báo hạn chế và không có hệ thống giám sát bằng camera… các vấn đề này đang được xử lý ra sao, thưa ông?
Sau khi xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc, Bộ GTVT đã có chỉ đạo rất là cụ thể. Ngay sau đó, Ban và các cơ quan có chức năng như Cục đường bộ, Cục CSGT, Ban ATGT các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp, khảo sát hiện trường và đưa ra các phương án xử lý.
Tính đến hết tháng 3, Ban đã rà soát và điều chỉnh, xử lý xong hệ thống biển báo, cọc tiêu, vạch kẻ sơn để tổ chức, cải thiện giao thông trên tuyến đường, trong đó tim đường ở giữa hai chiều đường (không có dải phân cách - PV). Ban cũng đã cơ bản chôn thêm hàng đinh mềm phản quang; hệ thống tôn lượn sóng, tôn hộ lan hai bên đều được lắp thêm tay phản quang. Với các đoạn có giao cắt, thu hẹp từ 2-3 làn xuống còn một làn xe, ngoài biển báo, vạch sơn thì còn trang bị thêm các cọc tiêu mềm dẫn đường, tăng phản xạ cho lái xe.
Với hệ thống camera giám sát, do trong giai đoạn 1 dự án chưa có hạng mục cáp quang nên hệ thống thông tin tuyến đường đang phải phụ thuộc vào sóng điện thoại và sóng 3G. Tuy nhiên do nhiều đoạn là khu vực đồi núi, xa khu dân cư nên sóng điện thoại, 3G cũng nhiều khi không có, dẫn đến hệ thống camera giám sát giao thông chưa thể trang bị. Hiện nay, việc giám sát, theo dõi, tuần tra giao thông tại các khu vực này chủ yếu là lực lượng chức năng như CSGT, nhân viên duy tu, bảo trì Cục Đường bộ Việt Nam.
Thực tế, không phải sau khi xảy ra một số vụ tai nạn thì Bộ và Ban mới xây dựng phương án nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch, mà ngay từ năm 2021 đã có. Sau khi được xây dựng hoàn thiện, tuyến đường sẽ có 4 làn xe kèm làn dừng khẩn cấp hai bên.
Theo tiến độ, trong tháng 4, Ban sẽ báo cáo Bộ GTVT phương án nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Sau đó Bộ sẽ trình Chính phủ xin cho ý kiến Quốc hội. Nếu được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm nay, dự án sẽ được triển khai các bước tiếp theo và Ban cố gắng thực hiện dự án và hoàn thành vào năm 2025.
Xin cảm ơn ông!