Sập hầm thủy điện Đạ Dâng và quá nhiều câu hỏi từ lòng đất

Thực tế đường hầm tuyến năng lượng được thiết kế và thi công như thế nào để rồi gây ra tai nạn? Tại sao lại có sự xuất hiện của lao động nữ bên trong đường hầm? Các phương án đi đường hầm ngách để giải cứu 12 nạn nhân được thực hiện như thế nào?
Sự xuất hiện của cái tên Đặng Thị Hồng Ngọc trong danh sách 12 nạn nhân đã gây sốc với không ít người. Họ vẫn cần một sự giải thích chính thức cho câu hỏi tại sao cô gái này lại xuất hiện ở đây?

Nhiều câu hỏi đã liên tục xoay quanh cánh phóng viên từ những ngày đầu bám thực địa, nhưng chỉ đến khi toàn bộ các nạn nhân được giải cứu thành công, chúng mới chính thức được đặt ra trước công luận.

1. Đối với cánh phóng viên, việc vượt qua quãng đường 500m từ miệng hầm phía đông để tiếp cận điểm sập, không phải là điều dễ dàng.

Nước từ trên đỉnh hầm rơi xuống tí tách, đe dọa đến sự sống còn của những chiếc máy ảnh không chuyên. Nền hầm lồi lõm. Những vệt bánh xe tải chạy lâu ngày cày xuống nền đất, tạo thành những rãnh sâu đầy nước, có chỗ vượt quá 30cm. Chỗ nào đất bị lún xuống sâu, thì lại đùn lên thành đống bên cạnh, gập ghềnh khá khó đi. Nếu bất cẩn, có thể ngã lăn vào vũng nước.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, tại thời điểm 12 nạn nhân vẫn đang còn mắc kẹt trong đường hầm, toàn bộ 600m đường hầm đã được đào từ hướng đông (điểm sập nằm tại mốc 500m+25) không hề được đổ bê tông nền, mà chỉ thực hiện gia cố vách và vòm. Đây là một điều khó hiểu trong công tác thi công đường hầm, dù chỉ là đường hầm tuyến năng lượng (đường hầm dẫn nước).

Theo nguồn tin riêng của PV, vì nền hầm không được đổ bê tông, nên những chỗ xe đi nhiều, qua thời gian, áp lực ép xuống tạo ra lún. Cộng thêm thời gian kéo dài (cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, công trình thủy  điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đã bị kéo dài hơn 10 năm, đường hầm tuyến năng lượng đã được đào xong và để đó hơn 1 năm) và mùa mưa kéo dài, nước và áp lực từ trên dồn xuống hai bên thành, đùn ra gây xẹo vòm, dẫn đến sạt hầm.

Bị bỏ hoang hơn 1 năm, với địa chất phức tạp, với lượng mưa nhiều, nước và áp lực từ trên dồn xuống hai bên thành, đùn ra gây xẹo vòm, dẫn đến sạt hầm.

Thông thường, nguyên tắc thi công đường hầm là đi đến đâu thì đổ bê tông đến đó. Đào được vài chục mét, đơn vị thi công cần phải đổ bê tông nền. Trong trường hợp nền đất yếu, đào được vài mét là phải đổ bê tông ngay. Đơn cử, lấy ví dụ ngay tại hiện trường, tại hướng hầm từ phía tây do đơn vị thi công là Sông Đà 10 đảm nhận, vì có địa chất yếu nên đơn vị thi công đã tiến hành đào đến đâu đổ bê tông nền liền với gia cố vòm và trần đến đó.Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 22/12 vừa qua, được tổ chức tại Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy điện Long Hội, chủ đầu tư dự án, lại luôn nhấn mạnh rằng, yếu tố địa chất "phức tạp không thể lường hết được", cộng thêm nguyên nhân mùa mưa kéo dài, là nguyên nhân xảy ra sự cố đáng tiếc?!

2. Một câu hỏi quan trọng khác, liên quan đến thiết kế và thi công vòm đường hầm tuyến năng lượng.

Theo nguồn tin chúng tôi có được, đơn vị thi công trước đây đã sử dụng máy khoan dàn để mở đường hầm 4,7mx4,7m. Khoan xong, nếu là điểm đá cứng thì để nguyên, chỗ đất yếu thì gia cố bằng thép hình I200, liên kết tạo hình khung vòm, dùng thép mỏng 5-7 ly hàn liên kết với thép 16 và lưới mắt cáo, rồi phun bê tông vẩy để tạo độ cứng trên mặt vòm hầm.

Một chuyên gia về thi công hầm cho rằng, yếu tố giảm giá thành thi công vòm hầm là một nguyên nhân lớn gây nên sự cố vừa rồi. Với nền địa chất được xác định từ chính chủ đầu tư là "rất phức tạp" như trên, cộng thêm việc từng có đơn vị thi công trước đây là Lũng Lô đã phải "đầu hàng", đáng lẽ phải có phương án thi công gia cố kết cấu thép hình I20 trên cả toàn bộ vòm hầm.

Câu hỏi về yếu tố chủ quan cũng được đặt ra, rằng phải chăng do nền đá cửa hầm phía đông cứng hơn nên đơn vị tư vấn thiết kế của Trung Quốc và đơn vị thi công trước đây là Vinaconex đã không coi trọng việc gia cố vòm trần và nền tuyến năng lượng?

Trong buổi họp ngày 22/12, chính Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện Long Hội đã tiết lộ một thông tin, rằng chủ đầu tư đã cung cấp cho đơn vị thi công Sông Đà 10 30 tỉ để thi công từ cửa hầm phía tây.

Trực tiếp thị sát cửa hầm đoạn do Sông Đà 10 thi công, PV nhận thấy cách thức thi công của tuyến năng lượng này có khác biệt so với đoạn từ phía đông vào. Hệ thống nền của tuyến năng lượng dường như được đúc bê tông liền khối cùng thời điểm với vách và vòm, tạo được sự liên kết vững chãi cần thiết.

3. Một cái tên xuất hiện trong danh sách 12 nạn nhân, đã gây rúng động, chạm vào những phần sâu thẳm nhất của dư luận: Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ, 26 tuổi, quê quán Nghệ An. Tại sao, một cô gái, lại xuất hiện trong một môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm đến vậy?

Mục 2 Phần A Thông tư 26/2013/TT-Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 18/10/2013 của Bộ LĐ-TB&XH, quy định danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định: Các công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 160 Bộ luật Lao động, trong đó công việc có số thứ tự 38 là đào lò, đào giếng, các công việc trong hầm mỏ.

Tất nhiên, những quy định của pháp luật luôn có một khoảng trống mơ hồ dành cho những ngoại lệ. Quy định này còn chú thêm một dấu ngoặc: trừ dịch vụ y tế - xã hội và các công việc đột xuất theo yêu cầu quản lý điều hành, nhưng phải tuân thủ theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về an toàn và các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lao động làm việc trong hầm mỏ.

Dường như theo một cách thống nhất, cho đến thời điểm hiện tại, công việc cụ thể của chị Đặng Thị Hồng Ngọc trong đường hầm tuyến năng lượng, không hề được các nạn nhân và chủ sở hữu lao động công bố chính thức. Việc xác định rõ ràng công việc của chị Ngọc là gì, có phải thuộc phạm trù dịch vụ - xã hội không, sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào các hoạt động sắp tới của Cơ quan điều tra

4. Liên quan đến quá trình giải cứu 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm, rất nhiều bạn đọc quan tâm đến việc, bằng cách nào, các cán bộ chiến sĩ công binh của Lữ đoàn 293, lại có thể nhanh chóng mở đường hầm ngách, trong một địa hình phức tạp và nguy hiểm đến vậy, để thực hiện việc giải cứu người thành công?

Theo chân Lữ đoàn 293 từ 3 giờ 15 phút ngày 18/12, giờ khắc đầu tiên họ hành tiến đến hiện trường, cho đến khi kết thúc thành công chiến dịch giải cứu, chúng tôi nhận thấy, việc khó khăn nhất là "bắt" những người lính này xuất hiện trên báo chí”.

Việc đảm bảo bí mật và những đặc thù của một trong những Lữ đoàn Công binh thiện chiến nhất trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh, khiến cho cả quân lẫn tướng, thấy cánh phóng viên tiếp cận, là tìm mọi cách từ chối.

… Một quyết định, có thể nói là cực kỳ sáng tạo và dũng cảm, mà nhiều người coi là liều lĩnh, khi lãnh đạo của Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 32 đưa ra phương án đào hầm ngách: thay vì đi vòng qua địa điểm bị sập, họ sẽ đi luôn trên vai hầm, tức là đi thẳng vào khối đất đá đè sập lên khu vực bị sạt.

Một lãnh đạo của Tiểu đoàn 32 tâm sự với tôi, nhiều người coi đó là hành động liều lĩnh, vì họ khá ngại ngần trước địa hình rất phức tạp của Đạ Dâng, và cũng một phần vì họ chưa thực sự hiểu được những kinh nghiệm, và những khối lượng công việc thực tế mà Lữ đoàn 293 đã từng làm.

"Lữ đoàn 293 đã từng làm những công việc còn khó khăn nguy hiểm hơn như thế này nhiều lần. Người ta sợ nước tràn vào đường hầm ngách, nhưng chúng tôi đã thuyết minh rằng chúng tôi có kỹ thuật để phát hiện nước cách chân cột từ khoảng cách 20 cm", một lãnh đạo của Tiểu đoàn 32 cho biết.

Bên cạnh đó, các ca đào hầm (12 người/ca) của Lữ đoàn 293 còn nhận được sự hỗ trợ của một lực lượng đặc biệt khác: lính công binh đặc nhiệm của Tiểu đoàn 93 - Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh.

7 lính đặc nhiệm của Tiểu đoàn 93, luân phiên bám sát ca đào hầm của Lữ đoàn 293, với dụng cụ cứu hộ thủy lực điện cầm tay đặc biệt của Hãng Weber, gặp sắt cắt sắt, gặp đá phá đá, gặp bê tông phá bê tông, hỗ trợ tối đa tiến độ của ca đào hầm.

Công nghệ đào đường hầm của Lữ đoàn 293 được đúc kết theo cách riêng: Đầu tiên phải cố định khung thật cứng, sau đó lao xà phía trên (thép hình V5, gỗ tròn đẽo nhọn đầu hoặc thép ống phi 42, tùy thuộc địa chất). Hệ thống xà này được đóng thẳng vào đất, chếch lên khoảng 10-15 độ, tạo thành đòn bẩy tự nhiên. Công binh sẽ đào dũi theo đòn bẩy, yên tâm không sợ sập vì đã có đòn bẩy đỡ trên đầu. Đào tới đâu thì sẽ dựng khung đỡ, dựng tấm chắn bùn 2 bên vách hay trên trần thưa hay khít, tùy thuộc vào địa chất…Cứ như vậy, và cuối cùng họ đã thành công.

Theo Theo An Ninh Thế Giới