Sập hầm Nhật Bản: Chỉ vì cái đinh vít
> Điều tra nguyên nhân sập hầm làm 9 người chết
> Phát hiện thi thể cháy đen trong hầm cao tốc
Giới chức Nhật Bản hôm nay cho biết, vụ tai nạn sập hầm Sasago thảm khốc ở nước này cuối tuần trước, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và nhiều người khác bị mắc kẹt trong đống đổ nát bên trong đường hầm nhiều khả năng do các đinh vít bị mất.
Tại một cuộc họp hôm qua, giới chức điều hành đường hầm Sasago cho biết, họ phát hiện ra dấu hiệu đinh vít được sử dụng để gắn kết các tấm bê tông trên trần của hầm Sasago đã “không cánh mà bay” trong khi một số đinh khác lại quá lỏng lẻo.
“Có những phần mà các tấm bê tông đã bị mất hết đinh kết nối. Sự xuống cấp của đinh vít hoặc của các tấm bê tông có thể là nguyên nhân chính dẫn đến đường hầm bị sập”, ông Ryoichi Yoshizawa, phát ngôn viên của Công ty Đường cao tốc TrungNhật Bản hay còn được gọi là NEXCO-Central cho biết.
Không đề cập đến số lượng các đinh vít bị mất hoặc lỏng, ông Ryoichi cho biết thêm, trong các đợt kiểm tra định kỳ, họ chỉ kiểm tra bằng mắt thường chứ không làm bất cứ xét nghiệm vật lý cụ thể và chi tiết.
Phát biểu với phóng viên tại hiện trường, Giám đốc trung tâm an toàn Otsuki của NEXCO, Motohiro Takamisawa cũng cho rằng, các vấn đề với đinh vít có thể là nguyên nhân chính dẫn đến vụ sập hầm. “Tại thời điểm này, chúng tôi chú ý đến giả thuyết các đinh kết nối các tấm bê tông bị lỏng và rơi mất”, ông Motohiro Takamisawa nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Takamisawa còn cho biết thêm rằng, các đinh kết nối tấm bê tông của đường hầm Sasago đã không được thay mới kể từ khi đường hầm được đưa vào sử dụng vào cuối năm 1970.
Trong khi đó, một chuyên gia giả định, các rung chấn giao thông do các phương tiện tạo ra trong suốt hàng chục năm kể từ khi đường hầm được đưa vào vận hành có thể là nguyên nhân gây ra vụ sập hầm.
“Trong suốt 35 năm, tất cả những rung chấn giao thông do các phương tiện gây ra có thể là nguyên nhân khiến các đinh vít trở nên lỏng lẻo gây ra vụ sập hầm”, ông Hiroshi Chikahisa, người đứng đầu của Viện Kỹ thuật Geosystem tại Đại học Yamaguchi nhận định.
Trước đó, ngay sau thảm họa, phát ngôn viên công ty NEXCO cho biết, đường hầm Sasago nằm cách Tokyo 80 km về phía tây, luôn được thanh tra nhiều lần trong năm và cứ 5 năm lại được kiểm tra chi tiết một lần. Cách đây vài tháng, Sasago trải qua một đợt kiểm tra.
Tuy nhiên, vào khoảng 8h sáng ngày 2-12, đường hầm Sasaga xuyên núi trên đường cao tốc Chuo, một trong những con đường huyết mạch dài nhất Nhật Bảnbất ngờ đổ sập. Khu vực bị sập nằm trong lòng một ngọn núi cao. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền thủ đô nước Nhật với thành phố Nagoya.
Vụ tai nạn đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng cùng hàng loạt xe cộ bị đè nát bên dưới những khối bê tông khổng lồ và bốc cháy. Một số nạn nhân vẫn còn bị mắc kẹt giữa đống đổ nát trong đường hầm.
Sau vụ sập hầm Sasago, Nhật Bản đang gấp rút yêu cầu tiến hành kiểm tra khẩn cấp đối với 49 đường hầm ở khắp đất nước có cấu trúc trần hầm tương tự như hầm Sasago.
Cả nước Nhật hiện có khoảng 1. 575 đường hầm cao tốc và khoảng 1/4 trong số này có thâm niên hoạt động hơn 30 năm bao gồm cả đường hầm Sasago, bắt đầu đi vào hoạt động từ những năm 1977. Hiện đường hầm này đã bị đóng cửa để phục vụ công tác điều tra và dọn dẹp đống đổ nát bên trong nó. NEXCO cho biết, họ không chắc quá trình này mất bao lâu.
Theo Phương Đăng
Infonet