'Sao lại phải nhờ đến công an?'

TP - Đó là ý kiến của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nói về chuyện hai tập thơ là Thơ trắng (tác giả La Mai Thi Gia) và Nghi lễ của ánh sáng (tác giả Lê Tuân) dù không được Hội đồng thơ bình chọn nhưng vẫn có tên trong danh sách tặng thưởng của Hội nhà văn TP. Theo ông Phạm Sỹ Sáu - Mọi chuyện đều căn cứ theo luật và hai tác phẩm trên được tặng thưởng là hoàn toàn hợp lý.
Một số tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM.

Từ chuyện tác phẩm không được đề cử vẫn có tên trong danh sách

Theo nhà thơ Trần Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn TPHCM (Sơ khảo), có 18 tác giả tham dự Giải thưởng thơ năm 2017. Sau nhiều lần thảo luận, đề xuất thì Hội đồng đã nhất trí chọn ra 5 tác phẩm nổi trội để bỏ phiếu. Kết quả chỉ có hai tác phẩm có số phiếu bầu quá bán và Hội đồng thơ nhất trí chọn hai tác phẩm này đưa lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM xét duyệt. Hai tập Thơ trắng (La Mai Thi Gia) và Nghi lễ của ánh sáng (Lê Tuân) không nằm trong danh sách đưa lên BCH Hội Nhà văn TP.

Tuy nhiên ông Dũng hoàn toàn bất ngờ khi trong danh sách công bố giải thưởng thơ của Hội Nhà văn đã có tên cả hai tác phẩm đã bị loại từ vòng đầu tiên. Ông Dũng đề nghị: “Lâu nay có nhiều dư luận không hay về việc “chạy” vào Hội, “chạy” giải thưởng làm mất không khí đoàn kết, gây nghi ngờ giữa các thành viên BCH. Cần chấm dứt những dư luận râm ran không tốt, hội viên nào có chứng cớ xác thực, minh bạch nên gửi đơn trực tiếp cho công an điều tra, để trả lại bầu không khí sinh hoạt lành mạnh ở Hội Nhà văn TPHCM”.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - thành viên Hội đồng sơ khảo cũng cho biết trong các tập thơ tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2017, tập Thơ trắng không đủ phiếu quá bán ở Hội đồng Thơ, Nghi lễ của ánh sáng không hề được một phiếu nào của Hội đồng Thơ mà vẫn được Tặng thưởng thì đúng là kỳ tích khó hiểu. “Ai đã ra tay đặc cách hai tập thơ này vào Tặng thưởng? Lạm quyền bè cánh hay ảo tưởng thiên tài? Tôi đề nghị BCH Hội Nhà văn TPHCM cần phải làm sáng tỏ vấn đề này. Nếu không tin tưởng vào năng lực chuyên môn của Hội đồng Thơ thì nên giải tán, chứ đừng hắt nước lạnh vào mặt nhau như vậy!” - Lê Thiếu Nhơn nói.

Lê Thiếu Nhơn cũng đánh giá chất lượng hai tập thơ trên mà theo nhà thơ thì chất lượng còn rất hạn chế. “Đọc hai tập thơ có cảm giác đây là những tác giả đang tập tễnh bước vào thi ca. Thơ trắng vừa sến vừa sáo từ ngay cái lời tựa. Còn Nghi lễ của ánh sáng thì ra vẻ đại ngôn ở tên gọi các bài thơ, nhưng chẳng triển khai được ý tứ gì, ngôn từ thì diêm dúa và cũ mòn. Trao Tặng thưởng cho hai tập thơ này thì đúng là chứng minh trong trò chơi danh vọng thi ca thì những kẻ có chút quyền lực nhất thời đã biết cách tìm ra thơ dở để tôn vinh!”.

Còn nhà thơ Triệu Tử Truyền - Ủy viên Hội đồng Thơ cũng cho rằng Hội đồng Thơ có những nhà thơ được ví như là những bếp trưởng chuyên nghiệp, có trình độ thẩm thấu, tay nghề cao về chất lượng các món ngon. “Chúng tôi đã làm đúng trọng trách được giao, có nghĩa là phải nếm thử hàng trăm món ăn để chọn ra trong đó món ngon cuối cùng. Chúng tôi đã chọn được món ngon, đã dọn lên bàn để đãi khách quý, nhưng chủ nhà hất bỏ để chọn món khác, vậy món ăn mà chủ nhà chọn có quá dở thì khách quý cũng ráng chịu khó mà ăn đi”.

Kết quả của Hội đồng Thơ Sơ khảo chỉ là một chọn lựa

Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu thì trong quy chế Hội đồng Chung khảo (HĐCK) có quyền đề xuất thêm tác phẩm, khi mà Hội đồng thơ Sơ khảo có thể bỏ qua. “Tôi đánh giá hai tập thơ trên đều có tính phát hiện, giàu cảm xúc, có sự cải tiến trong ngôn ngữ hình ảnh nên việc lựa chọn của HĐCK là hoàn toàn hợp lý. Việc các thành viên Hội đồng Thơ Sơ khảo bức xúc tôi không đồng tình vì cách đánh giá của mỗi hội đồng có khi khác nhau. Còn chuyện đòi đưa ra cho công an giải quyết thì tôi thấy buồn cười.

Đây chỉ là chuyện nội bộ chứ có phải án mạng hay hình sự gì đâu mà phải đưa ra công an”. Nhà văn cũng cho biết thêm tặng thưởng Hội Nhà văn hoàn toàn khác với giải thưởng. Giải thưởng thì phải có chấm giải, có tiêu chí trao giải, còn với tặng thưởng thì chỉ mang tính khuyến khích, động viên với tác phẩm. “Nếu xét về giải thưởng thì lúc đó nên ý kiến, còn tặng thưởng thì để ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực của tác giả nên không thể đòi hỏi tiêu chí này nọ”- Phạm Sỹ Sáu cho biết thêm.

Còn nhà thơ Trương Nam Hương - Thành viên HĐCK thì cho rằng: “HĐCK gồm 9 thành viên trong đó có cả Chủ tịch Hội đồng Thơ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình cùng Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Toàn nhà văn nhà thơ có kinh nghiệm thẩm định bỏ phiếu chứ đâu phải chỉ có người đề cử quyết định được.

Mọi việc đều xuất phát từ mục đích chung là không được bỏ sót tác phẩm nào hay, đồng thời cũng phải ghi nhận những sáng tạo, đóng góp của các thế hệ nhà văn đi trước nên chúng tôi làm việc hết sức công tâm. Theo tôi, tác phẩm muốn có chỗ đứng, muốn sống được trong lòng công chúng là do độc giả thẩm định chứ đâu phải qua hội đồng này là nổi tiếng ngay đâu”.

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan: “Cái cách BCH Hội Nhà văn TPHCM hành xử với Hội đồng Thơ, đồng thanh đồng ý cho rằng họ làm đúng và họ có quyền làm như vậy vì quy chế đã cho phép (trao tặng thưởng cho hai tập thơ mà Hội đồng Thơ không đề cử và bỏ phiếu), tôi cho đây là cách chơi bỉ mặt nhau, nói theo kiểu dân gian là cách chơi xỏ lá của BCH đối với Hội đồng Thơ. Ông bà ta có câu “Vuốt mặt phải nể mũi”, nhưng trong trường hợp này BCH chẳng nể một ai, vậy thì nên dẹp cái Hội đồng Thơ này đi, sau này ai có muốn giải thưởng, tặng thưởng, cứ đến thẳng BCH, họ ban phát cho là xong ngay”.