Theo dự thảo, sẽ có thêm một loại đối tượng được xét tuyển mà không cần thi tuyển vào bộ máy nhà nước, đó là “người có tài năng”. Cho dù các vị ĐBQH vừa đề nghị bổ sung thêm mấy chữ, thành “Người có tài năng trong hoạt động công vụ”, thì nhìn chung khái niệm đó vẫn như một thứ “tập mờ” khó minh định rạch ròi.
Người có tài trong phạm vi nêu trên, được Luật định nghĩa “là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được”.
Nhưng cho dù như vậy, thì làm sao biết tôi là “người tài”?! Tôi là “hậu duệ”, có “quan hệ, tiền tệ”, tôi biết nịnh hót, thì có mua/đổi được một suất “người tài” không?
Có vẻ chúng ta muốn thiết kế một cái khuôn, để đựng những thứ tựa như là khí trời, mây gió? Cho dù tài năng, kể cả đạo đức cũng đều có thể định tính, định lượng. Nhưng với một điều kiện. Theo cách chọn người tài ở các quốc gia tiên tiến. Đó là thật khắt khe và nhất quán, khoa học trong suốt quy trình từ phát hiện - thi cử - học tập đào tạo - tuyển dụng chuyên ngành – đào tạo nâng cao, cho đến cơ chế sử dụng người tài. Riêng việc sử dụng người tài cũng là cả một khoa học đa ngành được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bài bản.
Quy trình rõ là thế, sao chúng ta cứ mãi loay hoay? Có vẻ do chúng ta đã sa vào tình trạng loạn chuẩn, khi ai cũng có thể dễ dàng “đắp” cho mình đủ thứ danh hiệu, học hàm học vị, giải thưởng mà không cần dựa vào thực lực. Đến khi trong đám đông ấy muốn xác định người tài thực sự để có cơ chế đãi ngộ riêng, thì lại phải mò tìm. Bằng cách đưa ra định nghĩa và khuôn mẫu riêng?
Đúng ra là có nhiều giai đoạn ta làm rất tốt điều đó, dù giữa cảnh chiến tranh, nghèo khó. Với bao nhiêu nhân sĩ trí thức tài ba đức độ quần tụ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những Đặng Thái Sơn, Lê Tự Quốc Thắng, Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu, … Nhưng bước vào cơ chế thị trường ta lại để tuột đi quá nhiều chất xám. Trong khi vẫn loay hoay với những cái “khuôn” đánh giá cũ kỹ kiểu hành chính bao cấp.
Một vị PGS.TSKH đã không đủ tiêu chuẩn xét phong hàm Giáo sư đợt 2019 này. Cho dù điểm công trình khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế lên tới hơn 207 điểm, trong khi điểm chuẩn tối thiểu chỉ cần 20. Cho dù ông vừa được trao giải Tạ Quang Bửu - giải thưởng danh giá nhất về KH-CN của Việt Nam. Chỉ bởi ông chưa “chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo…” theo quy định! Nghe nói ông vừa được đề nghị xét “đặc cách” đợt này!
Hy vọng ông may mắn hơn hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vừa bị trượt viên chức, vì thiếu “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành xiếc”!