76 năm trước, đúng vào ngày này (22/12/1944), từ chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức ra đời. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam lớn mạnh ngày nay.
Kinh qua những cuộc chiến vệ quốc lẫy lừng làm bạt vía quân xâm lược và công cuộc dựng xây đất nước, đội quân bách chiến bách thắng ấy đã chứng minh rằng họ thực sự là những người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Đất nước sạch bóng thù, dù đã “gác chuyện binh đao”, song những người lính ấy vẫn không ngừng chiến đấu và là điểm tựa vững chắc, tin cậy bảo vệ nhân dân trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…
Khi COVID-19 gieo rắc kinh hoàng trên toàn cầu, tại Việt Nam, đại dịch được khống chế hiệu quả bởi toàn dân cùng “đánh giặc COVID”, trong đó có những đóng góp rất lớn của những người lính Cụ Hồ. Tại 44 tỉnh thành có lực lượng Biên phòng (trong đó 25 tỉnh thành có đường biên giới đất liền), hàng nghìn tổ, chốt với gần 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh ngày đêm luân phiên trấn ải, ngăn dịch gần một năm qua. Rất nhiều người trong số họ đã gác chuyện cưới hỏi của con cái, bản thân; không thể về đưa cha già, mẹ yếu, con thơ đi chữa bệnh hiểm nghèo hay thậm chí chịu tang người thân ngay trên chốt tiền tiêu chống dịch. Tại những doanh trại Quân đội khác, tình quân dân, nghĩa đồng bào đã khiến nhiều người dân cảm động bật khóc khi được bộ đội nhường chỗ ở, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và chăm sóc y tế tận tình khi đến đây cách ly theo quy định…
“Bóng ma COVID” chưa lui thì bão lũ, sạt lở kinh hoàng ập về dải đất miền Trung khó nhọc trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, gây tang thương lớn về nhân mạng và đẩy người dân vào cảnh khốn cùng do mất mát nhà cửa, tài sản. Bởi luôn xem “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội” (Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Hội nghị chính trị viên”, tháng 3/1948), ngay lập tức, những người lính lại bất chấp hiểm nguy vượt lũ, dầm mưa, băng rừng cứu dân bằng “mệnh lệnh trái tim”. Và trong thời khắc sinh tử ấy, 35 quân nhân, cán bộ của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và địa phương, trong đó có 2 vị tướng đã hy sinh quả cảm khi vào cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai ở thủy điện Rào Trăng 3 ( xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), để lại sự tiếc thương, cảm phục.
“Ngọc càng mài càng sáng”, tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020 diễn ra ngày 7/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy T.Ư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung kích trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, xử lý ô nhiễm môi trường; một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, xứng đáng là Quân đội của dân, do dân, vì dân, đã tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.