Sản phụ suy tim, mắc Lupus ban đỏ sống sót kỳ diệu

TPO - Bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ biến chứng suy tim cực nặng, lại mang thai 31 tuần tuổi, được chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ tiên lượng thai phụ có nguy cơ tử vong rất cao trước, trong và sau mổ. Tuy nhiên, nhờ cứu chữa tận tình của bệnh viện, bệnh nhân thoát chết kỳ diệu, hiện sức khỏe dần bình phục.
Sản phụ Mai Thị H. từ cõi chết trở về đang dần bình phục sức khỏe, mẹ tròn con vuông. Ảnh: Ngọc Văn.

Chiều 13/7, tin từ khoa Gây mê Hồi sức A - Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, lần đầu tiên khoa này cứu sống một sản phụ mắc Lupus ban đỏ cực nặng, biến chứng suy tim ở mức độ thập tử nhất sinh.

Trước đó, thai phụ Mai Thị H. (21 tuổi, ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhập viện tại khoa Sản - Bệnh viện T.Ư Huế ngày 1/6, trong tình trạng khó thở, mệt, ho ra máu, toàn thân phù nề. Bệnh nhân mang thai con so 31 tuần tuổi, được chẩn đoán mắc Lupus ban đỏ, biến chứng dẫn đến suy tim rất nặng (chức năng tim chỉ còn 45%, kích thước các buồng tim giãn rộng, hở van 2 lá, hở van động mạch chủ, hở van 3 lá). Bác sĩ chỉ định mổ lấy thai đối với trường hợp này.

Do bệnh quá nặng, thai phụ được chuyển đến khoa Nội thận ngày 3/6 để điều trị Lupus ban đỏ trong vòng 1 tháng. Đến ngày 4/7, chị H chuyển sang khoa Gây mê Hồi sức A. Sau khi hội chẩn, khoa này báo cáo xin ý kiến ban giám đốc bệnh viện cho tiến hành mổ cứu mẹ và con. Chiều cùng ngày, ê kip tiến hành ca phẫu thuật kéo dài trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, với sự phối hợp của các khoa Sản, Gây mê Hồi sức A. Ca mổ thành công, các bác sĩ đã lấy được 1 bé gái nặng 1,4 kg. Sản phụ ngay sau ca sinh được hồi sức, thở máy chống suy tim, kết hợp với các phương pháp đồng bộ như chống suy thận cấp, chống thiếu máu, chống suy dưỡng nặng… do khoa Gây mê Hồi sức A thực hiện. Sau 5 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân được cai máy thở, rút ống nội khí quản vào trưa 8/7.

Theo Bệnh viện T.Ư Huế, đây là lần đầu tiên, một thai phụ suy tim rất nặng do biến chứng Lupus ban đỏ được cứu sống thành công tại khoa Gây mê Hồi sức A. Thông thường, những trường hợp tương tự dễ bị phù phổi cấp và ngưng tim ngay trên bàn mổ, nếu gây mê không chuẩn xác; nguy cơ tử vong trước, trong và sau mổ cũng rất cao. Việc bệnh nhân H thời kỳ mang thai mắc nhiều loại trọng bệnh ở mức thập tử nhất sinh, nhưng lại sinh nở thành công, bảo toàn được tính mạng cả mẹ lẫn con, là điều hết sức kỳ diệu.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân H dần ổn định, tình trạng khó thở giảm, không ho, có dấu hiệu cải thiện về suy tim, giao tiếp và ăn uống tốt. Riêng bé sơ sinh hiện được theo dõi và nằm lồng kính tại Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện.