Bác sĩ, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo cho biết, các bác sĩ đã hội chẩn, căn cứ tình trạng sức khỏe và diễn biến bệnh của bệnh nhân đã cho phép chị Y. giữ thai nhưng phải thay đổi phác đồ điều trị để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Bác sĩ Dũng cho hay, phác đồ điều chỉnh từ lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần sang lọc máu 6 buổi/tuần, thuốc điều trị cũng được điều chỉnh liều cho phù hợp. Chị Y. tiếp tục được bác sĩ theo dõi sức khoẻ mẹ và thai nhi đến tuần thứ 30 của thai kỳ thì chị sản phụ trở dạ sớm ngoài dự kiến nên các bác sĩ phải phẫu thuật để lấy con. Bé sơ sinh chào đời nặng 1,5kg, khỏe mạnh. Sau 1 tháng được các bác sĩ chăm sóc cháu tăng cân và được xuất viện. Bệnh nhân Y. sức khỏe ổn định sau sinh và tiếp tục chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trong 40 năm qua tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai), có 5 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai nhưng chỉ có 2 trường hợp mẹ tròn con vuông. Bệnh nhân Y. là bệnh nhân duy nhất lọc máu thai kỳ tại bệnh viện, được theo dõi và chăm sóc thai nghén từ đầu đến khi sinh. Các trường hợp còn lại bị thai lưu, sẩy thai hoặc đình chỉ thai nghén sau ít tuần.
TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, chương trình nghiên cứu đa trung tâm của châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo đăng ký theo dõi, chăm sóc sinh con thì chỉ có 52% trẻ được sinh và sống bình thường. Ở Việt Nam, trước ca bệnh này chưa có báo cáo nào về bệnh nhân có thai trong khi chạy thận nhân tạo chu kỳ sinh con.