Tờ Straits Times đưa tin các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Singapore đã lấy ra khỏi bụng bệnh nhân một con sán có chiều dài 2,8 m.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước đó, bản thân không hề có dấu hiệu bất thường chứng tỏ sán phát triển trong cơ thể. "Bệnh nhân kinh hoàng khi con sán dây chui ra ngoài qua đường đại tràng", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Hsu Li Yang cho hay. Ông băn khoăn nguyên nhân nào khiến sán có thể sống và phát triển trong thời gian dài như vậy.
Một con sán dây trưởng thành sẽ có đầu, cổ và chuỗi các đốt độc lập. Trong khi sống ký sinh trong bụng bệnh nhân, đầu sán bám vào thành ruột, các đốt độc lập phát triển và đẻ trứng.
Đối tượng dễ mắc sán dây là những người thường ăn thịt lợn, thịt bò hoặc cá chưa được nấu chín kỹ. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu trứng từ con sán và tiến hành phân tích. Kết quả cho thấy đây là loại sán dây cá. Chúng có thể sống trong các loại cá nước ngọt chưa được nấu chín hoặc thâm nhập vào cơ thể người khi ăn sống.
Tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, con sán dài nhất được lấy ra khỏi bụng bệnh nhân là sán dây lợn dài 1 m cách đây 5 năm.
Đầu tháng 1, tờ Bưu Điện Washington đưa tin một người đàn ông 30 tuổi ở Mỹ bị nhiễm sán dây, sau khi ăn cá sống suốt nhiều năm. Bệnh nhân này bị đau dạ dày, tiêu chảy ra máu sau khi ăn cá hồi sashimi và phát hiện sán bắt đầu chui ra ngoài. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã lấy được con sán dây dài 1,67 m, vẫn còn sống ra khỏi cơ thể bệnh nhân này.