Kỳ 1: Những người cuồng mê
> Gìn vàng giữ ngọc đất phương Nam
> Hà Nội : Hỏa hoạn thiêu rụi một kho sách cổ
Người cũ, sách xưa
Linh mục Nguyễn Hữu Triết là người chơi sách thượng thặng. Ông sinh năm 1945 ở Hải Dương, lớn lên và làm linh mục ở Sài Gòn. Công việc ở giáo xứ Tân Sa Châu rất bận rộn, thậm chí chẳng mấy khi linh mục nghe điện thoại. Nhưng giữa đạo và đời, ông vẫn dành cho tủ sách của mình một sự quan tâm đáng nể. Trong ngôi nhà giản dị sau nhà thờ, có rất nhiều những tủ sách bọc gương kính sáng loáng. Bên trong đó các cuốn sách được in từ thế kỷ thứ 19 mà người đời chỉ nghe danh tiếng chứ hiếm ai từng được đọc.
Linh mục nói với tôi: “Miền Nam vốn có nghề in, nghề xuất bản sớm nhất nước, nhưng theo thời gian sách cổ hư hại mất mát nhiều rồi. Tìm được một vài cuốn in vào thời kỳ sơ khởi đó là điều rất khó”.
Hằng ngày, ngoài việc giảng đạo, làm từ thiện, nghiên cứu nâng cao giáo lý, linh mục còn tiếp những vị khách đặc biệt. Ấy là những người bán đồng nát, gánh giấy vụn.
Đôi khi những con người ấy đem đến cho ông những cuốn sách hiếm. Ông cũng mở lòng để đón những giá sách của các nhà sưu tầm sa cơ lỡ vận hoặc gia đình của họ muốn tống khứ chúng đi.
Linh mục tâm đắc với những cuốn sách khởi đầu cho nghề in ấn bên công giáo, chẳng hạn cuốn bìa vàng của J.M.J, một cuốn sách kể chuyện Thánh bằng tiếng Việt được in năm 1872 bởi nhà thờ Tân Định. Sách dày 525 trang, chữ vẫn rất rõ và giấy còn trắng! Hay bộ sách in bằng chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký vào thập niên 70, 80 của thế kỷ XIX. Ông vui vẻ nói: “Tôi có cả trăm cuốn sách in từ thế kỷ XIX”.
Đôi khi tôi tự hỏi một linh mục trăm việc như cha Triết thì sưu tầm sách để làm gì? Ông có thời gian đọc nó hay không? Ông nói: “Sách là để đọc. Mình đọc rồi, còn hiến tặng để người khác cùng đọc”. Đọc sách là thú vui cần nhân rộng ra cho đời.
Tháng 9-2011, linh mục đã hiến tặng bộ sưu tập sách Kiều cho giáo phận Huế, với 1.600 bản sách về Đại thi hào Nguyễn Du và truyện Kiều. Trong số này có tới 24 bản Kiều chữ Nôm, và bản “Kim Vân Kiều tân truyện” chữ quốc ngữ in năm 1872, tái bản năm 1891 vốn từng đoạt giải nhất cuộc thi sách vàng năm 2004 tại TP Hồ Chí Minh.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết thuộc lớp người mà người ta thường nói là “thế hệ cũ”, rất giỏi chơi sách Hán văn, Pháp văn, Anh văn.
Ông Vũ Anh Tuấn, nhà sưu tầm sách cổ từ những năm 1960, đang cho đăng trích đoạn cuốn hồi ký “60 năm chơi sách” trên trang web “Sách và tranh”. Ông nói: “Sài Gòn chơi sách đã lâu. Ngoài giới trí thức, các giáo sư đại học, còn có chừng 12 người chơi sách chuyên nghiệp, nổi tiếng, họ nắm giữ hàng ngàn, thậm chí hàng vạn cuốn sách giá trị”.
Những người chơi sách tiếng tăm một thủa có thể kể tên như học giả Vương Hồng Sển, ông Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, nhà nghiên cứu lão thành Đỗ Bằng Đoàn, nhà giáo Nguyễn Văn Y, ông Vũ Anh Tuấn…
Khác với người chơi sách ngoài Bắc thường khiêm nhường ẩn dật, người chơi sách Sài Gòn khá cởi mở. Danh tiếng của họ cũng vì thế được biết tới, việc mua bán trao đổi cũng thuận tiện hơn. Tuy vậy, ngay từ năm 1960, trong cuốn “Thú chơi sách” ông Vương Hồng Sển đã than thở rất nhiều về việc sách bị mất mát, lãng quên. Ông tiếc rẻ các thư viện từ thời Pháp của Phạm Quỳnh, thư viện Phạm Liệu, thư viện Đào Duy Anh, thư viện Dương Tấn Tươi, Lê Ngọc Trụ không còn nữa.
Nhiều khi vì lắm chuyện buồn vui với sách quá mà người ta bảo “sách cổ có ma”. Người nào giữ nhiều sách quý rất dễ gặp chuyện tai ương.
Ông Vũ Anh Tuấn sinh năm 1937 tại Hải Phòng, sau vào Nam, theo học trường dòng, làm giáo viên Anh văn, sống bằng nghề dịch thuật. Ông nói: “Sách xưa với sách nay khác nhau một trời một vực. Trước đây các nhà xuất bản và nhà văn chuyên nghiệp hơn nhiều”.
Người chơi sách xưa thích đọc sách gốc, sợ sách tái bản tam sao thất bản, họ cũng thích cách in ấn, trình bày, minh họa của người trước. Ông Tuấn nói: “Truyện ngày xưa vẽ đẹp hơn, không vẽ méo mó như bây giờ”. Ông cũng sợ cách biên tập ẩu hiện nay. Ông dẫn chứng “Tác giả Marcel Proust mất năm 1922, mà có nhà xuất bản cho ông sống đến … năm 1988”.
Ông Tuấn có 3.000 cuốn sách xưa, trong đó loại sách cổ hiếm có khoảng 800 cuốn. Ông thích sách trinh thám như truyện Sherlock Holmes, truyện của Balzac. Làm chủ nhiệm CLB sách Xưa & Nay, ông nói: “CLB chúng tôi tồn tại được từ năm 1996 tới giờ”. Mỗi tháng họ đều ra được một tập nguyệt san bàn về sách xưa, tổ chức sinh hoạt giới thiệu sách hiếm. Nhưng, ông Tuấn cũng nói: “Hội viên khá đông nhưng người sưu tầm thực thụ không nhiều”.
Oan khiên sách cổ
Khi chúng tôi nhắc tới ông Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, thì một người chủ tiệm sách cũ không cầm lòng được, thốt lên: “Thế là hết một đời người!”.
Ông Hùng Trương nguyên là chủ nhà sách Khai Trí lớn nhất Sài Gòn trước đây. Ông mê sách lắm. Hùng Trương có bộ sưu tập sách khổng lồ với cái kho nằm ở trung tâm quận I của thành phố, diện tích kho 2.000m2.
Người chủ tiệm sách cũ bạn của ông kể: “Khi ông Trương đi nước ngoài sống, sách nhiều quá không đem theo được. Người nhà ông ấy trộm chìa khóa ngày nào cũng chở 3 bao tải sách đi bán cho các tiệm, ròng rã nhiều tháng trời”. Sau một thời gian ở nước ngoài, ông Trương về lại Việt Nam, sống được mấy năm rồi qua đời. Có người nói: “Ông ấy trở về vì không thể sống xa bộ sưu tập sách của ông ấy”.
Khi ông Vương Hồng Sển còn sống, khách đến nhà hiếm khi được bước chân vào xem tủ sách. Con dâu của ông nói với tôi: “Bố tôi rất phong kiến, quý trọng sách cổ, đồ cổ. Đến con dâu cũng chẳng được bước lên nhà trên huống hồ khách”.
Ông Vương Hồng Sển lúc mất đi con cháu chưa kịp nối được nghiệp, sách vở ông sưu tầm được chẳng biết vì đâu tràn lan ra ngoài thị trường. Nhà sưu tập Vũ Anh Tuấn xác nhận: “Tôi mua được sách của Sển, có chữ ký của cụ, giá chỉ hơn trăm ngàn đồng!”.
Lúc mới giải phóng, có chủ trương thu hồi tiêu hủy sách phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan. Sách ngoại văn để trong nhà, không phải ai cũng có ngoại ngữ mà đọc, biết nội dung nó thế nào. Kêu ve chai đến bán.
Ông Tuấn kể: “Đến cụ Đỗ Bằng Đoàn cũng lôi sách ra bán. Ve chai vừa đi khỏi cổng, gặp nhà sưu tập Nguyễn Văn Y. Ông này vớ được gánh sách quý giá bèo, bèn mua ngay lập tức”. Rồi ông Y cũng qua đời. Người nhà của ông biết quý sách, nhưng không có nhu cầu sử dụng, bèn gọi một người sưu tầm có uy tín tới, xin nhượng lại cho cụ. Một gánh sách, mấy chục năm, đã đổi chủ mấy lần.
Nhiều khi vì lắm chuyện buồn vui với sách quá mà người ta bảo “sách cổ có ma”. Người nào giữ nhiều sách quý rất dễ gặp chuyện tai ương.
Câu chuyện xót xa mà người ta kể lại, về giáo sư khảo cổ Nghiêm Thẩm. Ông sinh năm 1920 tại Hà Đông (Hà Nội), từng làm Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn kiêm Quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn từ năm 1968 đến năm 1975.
Ông cùng với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh độc lập) đã tư vấn về thiết kế Chùa Vĩnh Nghiêm - tổ đình dành cho người Bắc sinh sống ở Sài Gòn. Sau năm 1975 ông ở lại thành phố giảng dạy đại học.
Người ta nói “giáo sư có hàng vạn cuốn sách rất giá trị”. Một đêm, bọn cướp hung bạo lẻn vào nhà. Giáo sư bị bọn cướp giết bằng chính chiếc búa cổ mà ông đã sưu tập được. Ông chết bên những giá gỗ đầy ắp sách xưa.
Còn nữa