> Đề xuất mức thuế linh hoạt cho xăng máy bay
> Coi chừng xăng dỏm
Xăng máy bay trong tiếng Anh được viết tắt là avgas (viết tắt của aviation gasoline) để phân biệt với xăng mogas (viết tắt của motor gasoline, là các loại xăng sử dụng hằng ngày cho ôtô, xe máy). Dù giá nhập khẩu cao hơn các loại xăng khác nhưng sau khi bị “rút ruột”, xăng máy bay được bán ra thị trường với giá thấp hơn xăng thường.
“Ăn đêm”
0h ngày 23-11, PV có mặt tại khu vực ngã ba Bạch Đằng - Hồng Hà giáp sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM). Đây là tuyến đường chính chở nhiên liệu cho sân bay. 2g, tại khu vực thu mua xăng trắng gần khu hồ bơi 108 (cách cổng sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 400m), bà Hương - một đầu nậu - chạy chiếc xe máy màu đỏ biển số 53P2-9265 lấp ló trong bóng tối chờ “ăn hàng”.
Cạnh chiếc xe máy, bà Hương đã mua được bốn can nhựa loại 30 lít đầy xăng trắng (nhiều đầu nậu gọi là dầu Jet). Khoảng 15 phút sau, từ hướng đường Bạch Đằng, một xe bồn chở xăng máy bay đánh xinhan tấp vào.
Ngay tức tốc, tài xế tắt đèn pha, lôi từ trong cabin hai can nhựa loại lớn giao cho bà Hương rồi phóng nhanh ra phía đường Đào Duy Anh.
Hơn 3h, hai chiếc xe bồn màu vàng đặc trưng với dòng chữ “VN Air Petrol Company - Jet A1” liên tục tấp vào gần khu hồ bơi 108 thả bốn can nhựa cho bà Hương. Tới 3h30, bà Hương đã thu gom được sáu can xăng.
Theo tìm hiểu, cùng với các đầu nậu khác, bà Hương thường đợi “ăn hàng” từ rất sớm. Mỗi đêm, bà “ăn hàng” ít nhất sáu can xăng. Những ngày xe bồn chạy nhiều, bà mua khoảng 12 can. Mỗi lít xăng trắng các đầu nậu mua chỉ 15.000-18.000 đồng, trong khi đó loại xăng này được bán ra thị trường với giá 22.000-26.000 đồng/lít.
Ngoài bà Hương, ở khu vực ngã ba Bạch Đằng - Hồng Hà còn có trùm đầu nậu tên Châu, trạc ngoài 40 tuổi, chuyên mua xăng trắng với số lượng lớn.
Một người dân sống trong khu vực kể: “Tui thường xuyên thấy xe bồn thả xăng xuống cho các đầu nậu. Từ nửa đêm đến rạng sáng, nhiều xe máy chở lỉnh kỉnh can nhựa rảo quanh các tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng để mua xăng. Nếu trước đây xe bồn hay dừng dọc đường hút xăng thì giờ họ hút sẵn bỏ trong can nhựa để tuồn hàng cho nhanh”.
Thường thì bà Hương và ông Châu đứng gần khu vực hồ bơi 108, ngã ba Bạch Đằng. Đêm nào “động”, lực lượng an ninh đi tuần gắt, các đầu nậu chạy vào cuối đường Bạch Đằng, nơi có bụi cây ven đường để đợi gom hàng.
4h ngày 26-11, ông Châu chở tám can nhựa không chạy về phía cuối đường Bạch Đằng và cho xe tấp vào một lùm cây chờ xe bồn. Khoảng năm phút sau, một xe bồn trờ tới. Tài xế lôi ra hai can xăng giao cho ông Châu. Tiếp sau đó, với chiêu thức tương tự, hàng loạt xe bồn khác dừng xe tuồn hàng.
Đến khoảng 5h, sau khi gom đủ tám can (khoảng 240 lít xăng trắng), ông Châu mới chở xăng từ cuối đường Bạch Đằng quẹo ra đường Nguyễn Thái Sơn.
Rạng sáng 11-12, khu vực này còn xuất hiện thêm bà Năm, một đầu nậu gom xăng trắng. Bà Năm đứng trong bóng tối gọi điện thoại cho ai đó, chỉ khoảng 10 phút sau một chiếc xe bồn trờ tới thả ba can xăng đầy ắp cho bà.
Trước đó, 2h sáng 9-12, bà Năm cũng gom được bốn can xăng với cách thức tương tự. Chiếc xe máy của bà Năm không biển số và ngang nhiên thu mua xăng trắng trên nhiều tuyến đường.
Đầu tháng 12, theo nguồn tin chúng tôi có được, khu vực ngã ba Bạch Đằng - Hồng Hà xuất hiện thêm một nhóm đầu nậu thu mua xăng. Nhóm này chở xăng bằng các thùng nhựa vuông loại 30 lít. Thời gian thu mua xăng rất sớm, vào 22g đến 1g hôm sau.
Lập “chốt” mua xăng
Sau khi “ăn hàng” xăng trắng, ông Châu luôn chạy vòng trong các con hẻm để về nhà. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi xác định được phòng trọ của ông Châu tại hẻm 290 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh).
Để tránh các cơ quan chức năng, sau khi “ăn hàng”, ông không tập kết hàng về thẳng nhà trọ mà đưa xăng về một căn nhà nằm trong hẻm trên đường Nguyên Hồng (Q.Bình Thạnh).
Ông Châu là một trong số đầu nậu thu gom xăng trắng có máu mặt. Do số lượng xăng máy bay tuồn ra lớn nên gần đây ông Châu đi gom xăng cả ban ngày. Mối hàng chính cung ứng xăng cho ông Châu là ông Dũng, trạc 40 tuổi.
Gần cuối đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình), ông Dũng lập “chốt” thu mua xăng trắng của xe bồn từ 8g tới tận 14g-15g. Để che mắt cơ quan chức năng, ông Dũng có chiếc xe tải nhỏ làm dịch vụ “chuyên vá vỏ ôtô”.
Vào lúc cao điểm, cứ khoảng năm phút có một xe bồn chạy ghé điểm ông Dũng thả xăng xuống. Người dân khu vực này cho hay: “Gần đây, tình trạng thu mua xăng từ xe bồn diễn ra trắng trợn giữa ban ngày”.
Khoảng 10h ngày 14-12, ông Dũng và người làm đang thay vỏ xe thì một xe bồn màu vàng ra ám hiệu bằng cách bấm còi hai lần, đánh xinhan tấp vào. Tài xế nhanh chóng xuống xe lôi hai can nhựa lớn thả xuống đường.
Phước - người làm của ông Dũng - tiến lại xách hai can xăng đi, còn ông Dũng nhanh tay đưa hai can nhựa rỗng khác cho tài xế xe bồn. Thấy Phước để xăng bên ngoài, ông Dũng nhảy xuống xe, chạy lại kéo hai can xăng dúi vào giữa bụi cau trong lề đường.
Chỉ trong khoảng một giờ, có đến hàng chục xe bồn thả xăng cho ông Dũng. Có lúc xăng quá nhiều, chưa có người tới lấy hàng, ông Dũng chất xăng thành từng dãy phía trong lề đường. Có thể nói địa điểm mua xăng của ông Dũng luôn tấp nập xe bồn. Có thời điểm chỉ trong vòng hai giờ, ông Dũng mua được cả chục can xăng trắng.
Bán lẻ cho ai?
Theo điều tra của chúng tôi, sau khi gom hàng tại khu vực quanh sân bay, bà Hương chất xăng tại nhà ở hẻm 213 Quang Trung (Q.Gò Vấp). Căn nhà sang trọng một trệt hai lầu được bà Hương dành riêng phòng khách tập kết xăng.
Bà Hương không trực tiếp đi giao xăng mà đợi các mối lái khác tới mua ngay tại nhà. Chiều tối 2-12, bà Bằng - một mối hàng lớn của bà Hương - tới lấy hàng. Theo bà Bằng, bà Hương bán với giá 600.000 đồng/can 30 lít. “Bà Hương không bán lẻ xăng cho người lạ đâu” - bà Bằng nói.
Hằng ngày bà Bằng đi chiếc xe Cub 50 đến mua xăng. Theo một số đầu nậu, tuy không trực tiếp mua xăng từ xe bồn khu vực quanh sân bay, nhưng bà Bằng được liệt vào dạng “có cỡ” trong việc chuyên gom xăng trắng với số lượng lớn. Rất nhiều mối thu mua xăng lẻ biết bà Bằng. Ngoài nguồn xăng từ bà Hương, bà Bằng còn “ăn hàng” từ một số điểm khác.
Sáng 3-12, chúng tôi tiếp cận nhà bà Bằng nằm trong một con hẻm thuộc khu phố 5, đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp). Gặp chúng tôi, bà Bằng nói thẳng: “Cây xăng làm gì có hàng này. Đây là dầu máy bay chạy mà”.
Vừa chiết xăng vào một can nhỏ cho một thanh niên tới mua lẻ, bà ra giá: “Nếu mua lẻ tui bán 24.000 đồng/lít. Còn mua cả can 30 lít, tui lấy giá 22.000 đồng/lít. Giá này bằng giá tui đi bỏ mối cho các cây xăng. Tui chỉ lời mấy đồng bạc thôi”.
Bà Bằng còn hạ giọng cho biết thêm: “Nhiều cây xăng lấy xăng trắng pha với xăng thường để bán”. Không chỉ bán cho bà Bằng, bà Hương còn bán xăng cho ông Đức và ông Đông. Mỗi tuần ông Đức và ông Đông lấy 6-8 can xăng loại 30 lít.
Khi đi bỏ mối cho cây xăng, có chỗ mua cả trăm lít, bà Bằng lại bán với giá 22.000 đồng/lít. Thời điểm này xăng A92 giá 23.150 đồng/lít, xăng A95 giá 23.650 đồng/lít. Sau khi mua về, một số cây xăng trộn xăng trắng với xăng A92, A95, lời 1.150-1.650 đồng/lít.
“Tuy chỉ lời trên ngàn đồng/lít xăng, nhưng nếu mua với số lượng hàng trăm lít, tiền lời là không hề nhỏ” - bà Hoa, một chủ cửa hàng bán lẻ xăng trắng trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4), nhận định.
Bà Hoa lý giải đa số người mua xăng trắng với số lượng nhỏ từ vài lít tới một can 30 lít dùng vào việc khò, đốt bếp dầu, đốt vàng mã... với giá 24.000 đồng/lít: “Tuy mắc hơn dầu DO gần 3.000 đồng/lít nhưng xăng trắng đốt không khói, không hôi lại tỏa nhiệt lớn và lâu nên mọi người vẫn rất thích mua”.
Đối với ông Châu, loại xăng trắng được giao lẻ cho nhiều điểm. Trưa 15-12, ông Châu chở năm can xăng trắng đi giao cho bà Muội trong hẻm 340 Nguyễn Tất Thành (Q.4).
Bà Muội tiếp tục giao cho nhiều điểm, trong đó có cửa hàng bán lẻ dầu của bà Hoa trên đường Đoàn Văn Bơ (P.10, Q.4). Bà Hoa khẳng định: “Loại dầu trắng này đốt không khói, không như dầu ngoài cây xăng đốt rất khói”.
Bà Hoa cho biết thường bán lẻ giá 24.000 đồng/lít. Cùng ngày, tại tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), bà Dung bán loại xăng trắng này với giá 26.000 đồng/lít.
Theo Tuổi Trẻ
Có gian lận trong vận chuyển xăng dầu
Trao đổi với phóng viên chiều 30-12, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) Hoàng Mạnh Tuấn thừa nhận có tình trạng nhân viên, lái xe gian lận xăng dầu và chuyển xăng ra bên ngoài nhưng chưa nhận được nhiều bằng chứng để xử phạt.
Vinapco đã tăng cường khá nhiều biện pháp giám sát để hạn chế tình trạng gian lận trong vận chuyển xăng. “Công ty cũng tổ chức giám sát chặt chẽ quy trình vận chuyển xăng nhưng khi lơi lỏng thì tình trạng này lại bùng lên” - ông Tuấn cho biết.
Thời gian qua, Vinapco đã kỷ luật nhiều trường hợp, nhẹ nhất là cảnh cáo, buộc thôi việc. Những trường hợp gian lận xăng với số lượng lớn bị phát hiện đều do Vinapco hợp tác với cơ quan điều tra. “Chúng tôi có quỹ để thưởng cho những tin báo chính xác hành vi gian lận, ăn cắp xăng” - ông Tuấn khẳng định.
Không dùng xăng máy bay cho xe máy
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Khanh - khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Xăng máy bay Jet A1 là một loại nhiên liệu tạo thành từ dầu kerosene (KO). Thành phần hóa học của Jet A1 chủ yếu là các hydrocarbon. Jet A1 khác nhiều so với xăng A92 hoặc A95, giống dầu diesel hơn.
Động cơ diesel (ví dụ xe buýt, xe tải, xe container...) có thể sử dụng Jet A1 để chạy được, vì tính chất của Jet A1 tương đối giống tính chất của dầu diesel. Còn động cơ xăng (xe máy, ôtô gia đình...) không dùng được Jet A1.
Dùng Jet A1 cho xe máy chắc chắn sẽ bị chết máy hoặc hỏng động cơ do bị kích nổ. Nếu pha Jet A1 với xăng A92, A95 thì tùy vào việc pha nhiều hay ít mà có thể sử dụng được cho động cơ xăng.
Theo Lê Nam - Ngọc Khải
Tuổi Trẻ