Hơn thế, ngay từ dưới chân núi, đập vào mắt người thưởng ngoạn là hàng loạt rẫy cà phê, vườn rau màu, nhà kính trồng hoa xâm chiếm nhiều diện tích rừng thông thuần chủng xanh ngắt ngày nào.
Lên cao khoảng vài trăm mét, du khách không khỏi ngỡ ngàng tiếc nuối bởi trảng cỏ tuyệt đẹp - nơi thường diễn ra các cuộc đua ngựa không yên của người bản địa cũng bị xâm lấn bởi cây cà phê.
Chiếc xe jeep đặc chủng tiếp tục vượt qua những con dốc cao chót vót và nhiều khúc cua cùi chỏ nguy hiểm đưa khách tham quan đến điểm cao 1950m.
Đây vốn là vị trí đắc địa nhất để ngắm màn sương mù mờ ảo như những dải lụa mềm giăng mắc trên ngọn thông, dòng Đankia len lỏi giữa thung lũng xanh ngắt đẹp như tranh và phố núi Đà Lạt thơ mộng phía xa xa.
Vậy mà giờ đây thực trạng thật đáng buồn như lời của chính Giám đốc Khu du lịch núi Lang Biang Nguyễn Đức Dũng: “Hồi xưa từ độ cao này nhìn xuống toàn là rừng thông, còn bây giờ lố nhố vườn cà phê, nhà kính…”
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều, diện tích rừng thông bị lấn chiếm để trồng cà phê, rau màu lên đến cả chục héc ta.
Huyện đã có văn bản đề nghị Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà xây dựng kế hoạch giải tỏa những diện tích đất rừng đặc dụng bị lấn chiếm tại TK 112a và 113 để các ban ngành chức năng của huyện cùng thẩm định và huy động lực lượng phối hợp triển khai thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng tiến độ giải tỏa các vườn cà phê rau màu tại khu vực này triển khai quá chậm làm ảnh hưởng đến sức hút của một di tích quốc gia vốn được du khách ưa chuộng.
Không chỉ có cảnh quan đẹp, cao nguyên Lang Biang chính là nơi mà 119 năm trước, nhà thám hiểm nổi tiếng - bác sĩ A. Yersin đã khám phá và đề xuất với toàn quyền Doumer xây dựng trạm điều dưỡng - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.