Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, địa bàn các xã ngập lụt của huyện Chương Mỹ như Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ... của huyện Chương Mỹ, người dân đa phần dùng nước giếng khơi cho sinh hoạt hàng ngày. Trận lụt vừa qua khiến nhiều giếng bị nhiễm nước lũ. Ngay cả địa bàn thị trấn Xuân Mai như thôn Bùi Xá, người dân vẫn dùng nước giếng khơi chứ chưa có nước sạch.
Bơm nước từ giếng lên rửa sân, anh Nguyễn Văn Diệu, 30 tuổi, nhà ở thôn Bùi Xá cho biết, hiện tại cả nhà vẫn phải tắm rửa bằng nước giếng khơi, dù trước đó, nước giếng đã bị nước lũ hòa vào. “Mấy hôm trước nó đục như nước sông, nhưng thả thuốc vào thì lại trong rồi”, anh Diệu nói.
Anh Diệu than thở, đàn ông con trai thì thế nào cũng được, nhưng chị em phụ nữ thì vấn vả. “Ngập lụt liên tục thế này, nước nào chẳng ô nhiễm. Mà ở đây chưa có nước sạch, toàn dùng nước giếng khơi thôi”, anh Diệu nói.
Mấy ngày nay, anh Diệu phải mua thêm nước sạch để dùng nấu nướng, tắm cho con cái. Lượng nước hỗ trợ không đủ dùng cho gia đình anh. “Nhà nào có điều kiện thì mua thêm máy lọc nước giếng khơi để dùng. Bây giờ nước sạch về dù tốn mấy triệu đường ống, nhiều người cũng sẵn sàng làm”, anh Diệu nói.
Lật tấm che giếng khơi của nhà mình, anh Nguyễn Văn Quá cho biết, nước giếng đã trong trở lại sau khi bỏ thuốc, nhưng vẫn không dùng để nấu nướng được.
Mấy hôm trước, nước ngập cả giếng nước nhà anh Quá, dù anh đã cẩn thận dùng bạt buộc che kín. “Bịt thế chủ yếu để bùn không vào chứ nước lụt cũng vào giếng rồi”, anh Quá nói.
Theo anh Quá, trong thời gian này, nước giếng chủ yếu để giặt giũ quần áo. Nếu vài ngày nữa không có biểu hiện gì lạ, có thể nấu thức ăn cho lợn được. “Khu vực này chưa có nước sạch của thành phố về. Lụt liên tục thế này, sợ lắm. Xã cũng cho thuốc để khử độc, làm trong nước rồi”, anh Quá nói.
Anh Quá có lý do lo ngại dịch bệnh xảy ra, bởi trong khoảng 2 tuần ngập lụt, hàng nghìn người sinh hoạt tại chỗ, bao nhiêu chất thải cũng hòa chung với nước lũ. “Vệ sinh thì cho vào thùng trấu, xong rồi lại đổ xuống nước ở xa xa ấy, nhưng nó hòa tan hết vào nước lũ, trôi nổi khắp nơi rồi”, anh Quá nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là nguồn nước bị ô nhiễm sau ngập lụt. Nước lũ hòa với chất thải của động vật nuôi, con người. Rồi nắng mưa đan xen, hơi nước bốc lên, rất dễ xảy ra các dịch bệnh như đau mắt, tiêu chảy, bệnh da liễu.
“Mấy hôm trước mình vào vùng lũ cũng bị đau mắt đỏ. May đi tiêm nên khỏi rồi. Nếu không cẩn thận, một người vào bị bệnh rồi lây ra cả cộng đồng”, ông Hiến nói.
Theo ông Hiến, trong một vài năm tới, người dân địa bàn trũng thấp ở Chương Mỹ vẫn phải xác định sống chung với lũ, trong đó, cũng phải xác định tiếp tục dùng nước giếng khơi, giếng khoan. “Hiện nay, thành phố đang thay đổi sang dùng nước sạch từ các nhà máy nước mặt. Cũng đã có dự án trên địa bàn, nhưng mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Cũng phải một vài năm nữa vùng này mới có nước sạch”, ông Hiến nói.