> Người trẻ gây nhiều tai nạn giao thông
Tìm vùng đất mới
Theo Jose Luis Barbi Briones đến từ Tây Ban Nha, các nước phương Tây đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, số phận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất bấp bênh, giá cả leo thang nên người dân và đặc biệt là giới trẻ đối mặt muôn vàn khó khăn, thất nghiệp tăng, lương thấp.
"Thông qua các phương tiện truyền thông, người dân đã nắm được thực trạng kinh tế và lý do tại sao họ phải đối mặt với tình trạng này, nhưng vẫn bế tắc, loay hoay tìm ra lối thoát", Jose nói.
Jose nói ở Tây Ban Nha, 50% thanh niên ở độ tuổi dưới 30 đang thất nghiệp. Phần lớn chỉ có thể tìm việc trong các nhà hàng, làm bồi bàn, bưng bê tại các quán ăn nhanh. Đa số người trẻ có trình độ đại học, thậm chí nhiều bạn giỏi ngoại ngữ, vẫn không tìm nổi việc làm. Họ phải tìm đến công việc lao động phổ thông như tạp vụ, nhân viên siêu thị...
"Tôi thấy Nam Mỹ là thị trường lao động tiềm năng, nơi người trẻ các nước châu Âu sẽ đến tìm việc làm trong thời gian tới. Các định chế ngân hàng, tài chính quốc tế cũng là nơi có việc làm an toàn đối với lớp trẻ", Jose nói.
Cơ hội để thay đổi
"Khủng hoảng kinh tế, nhìn ở khía cạnh lạc quan, là cơ hội tốt để lớp trẻ thay đổi cuộc sống. Chúng ta buộc phải thích nghi với mọi sự cố, chủ động đối phó với khó khăn. Thế giới cần một cú sốc để đổi mới", Alessio Schiavetti đến từ Ý nói.
Chàng trai đến từ xứ sở thời trang Milan cho rằng sẽ có sự nổi lên của các cường quốc kinh tế mới, trong đó người trẻ tìm thấy nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, nhưng điều quan trọng là phải dấn thân.
Theo Alessio, ở Ý, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng rất nhanh. Người trẻ chỉ có thể tìm việc làm ngắn hạn trong vài tuần hoặc một tháng, nên không thể lập kế hoạch cho việc kết hôn, mua nhà hay sinh con.
Cách Alessio và một số bạn chọn vượt qua giai đoạn khó khăn này là đến các nước đang phát triển ở châu Á như Việt Nam để tìm việc làm. Alessio nói: "Để tránh khủng hoảng, chúng ta cần thay đổi quan niệm, đừng quá quan tâm về tiền bạc".
Học thay làm
Ở một góc nhìn khác, Kristin (tình nguyện viên đến từ Canada) cho biết bạn tránh thời kỳ khủng hoảng bằng cách tập trung nghiên cứu, đi du lịch và tìm kiếm những công việc không phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế, ví như hoạt động tình nguyện.
Kristin cho biết: Nhiều bạn trẻ Canada đã tốt nghiệp đại học nhưng không kiếm được việc làm, phải chấp nhận làm các công việc tạm thời, trong môi trường nhiều hoá chất, làm phục vụ, tiếp viên, bartender. Số khác kéo dài thời gian nghiên cứu khoa học vì không có hy vọng tìm kiếm việc làm.
“Tôi hy vọng năm nay sẽ có sự thay đổi, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm, môi trường được cải thiện, bớt thiên tai, dịch bệnh. Để vượt qua khủng hoảng, tôi nghĩ nhà nước cần phải giảm thuế cho nhiều mặt hàng, tăng cường vai trò của đoàn thể và cải thiện công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh", Kristin nói.