Rét...

TP - Hà Nội mấy đêm nay lạnh giá khác thường. Có đêm, nhiệt độ ngoài trời xuống đến 9 độ C. Ấy vậy mà ngoài kia có những người lao động đang nằm co cụm bên hiên nhà hay nép thân mình dưới những gốc cây trong gió rét và mưa phùn như cắt da, cắt thịt...
Ngủ dưới chân cầu.

Áo ấm nhiều lớp, găng tay, khăn ấm trang bị khá cẩn thận cho một chuyến đi đêm nhưng hai hàm răng tôi vẫn cứ va vào nhau lập cập. Da mặt tôi căng rát vì gió táp, áo khăn ẩm lạnh, hai bàn tay như mất cảm giác. Những tòa nhà kín cổng cao tầng nằm yên ngon giấc. 12 giờ đêm. Đường phố Hà Nội thật vắng vẻ, khác xa với những đêm hè nóng nực.

Ngã tư nối liền đường Trường Chinh và Đường Kim Liên, 12 giờ 30 phút. Công trường xây dựng cầu vượt ngầm vẫn đang khẩn trương hoạt động cho kịp với tiến độ. Tiếng còi xe, đất đá đổ ầm ĩ, tiếng người gấp gáp hòa tan trong ánh đèn chói chang làm sáng cho công trường.

Giữa những bề bộn đá đất, máy móc công trường, một bác tài xe ôm quấn mình trong chiếc khăn hoa màu xanh rẻ tiền mà người ta thường bán cho những người dưới mức bình dân. Tôi đang chụp hình cảnh đó thì giọng của một bác xe ôm bên cạnh quở trách: “Vui lắm hay sao mà chụp!”.

Có thể ban ngày hai con người này đã tranh giành khách xe, bon chen kiếm sống nhưng những lúc như thế này họ lại thương yêu nhau, thông cảm cho nhau hơn ai hết.

Làm đêm nhiều nhất vẫn là những bác tài xe ôm. Gặp anh Hiển quê ở Nam Định đang chờ khách trên con đường mới Nguyễn Phong Sắc. Đêm nào không đi chở khách đêm anh Hiển lại giăng bạt trải áo mưa ngay trên thảm cỏ bên đường còn vắng vẻ để ngủ qua đêm. Chuyện ăn uống của anh cũng rất dè dặt với 9.000 đồng/ngày, gửi ăn chung cùng những người thợ xây công trình.

Khi nhắc đến gia đình vợ con, đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ của anh chớp chớp liên tục, giọng chùng xuống ngậm ngùi: “Nhiều đêm ngủ vật vờ, giá rét như đêm nay chẳng hạn mình cứ nghĩ rằng, tin rằng mình đang ôm vợ, ôm con trong vòng tay trên chiếc giường ấm áp của nhà mình là thấy dễ ngủ ngay!”. Nói đoạn anh cười, tay cầm chiếc điếu cày rê thuốc.

Từ đường Lê Duẩn rẽ vào con hẻm nhỏ. Qua một quán phở vẫn sáng đèn, khói bay nghi ngút tỏa ra mùi nước phở cuối thơm lừng. Cách đó vài mét, bên hiên một ngôi nhà đầu ngõ khá khuất gió, tôi được thấy một chiếc giường đặc biệt. Đúng ra đó là một chiếc xích lô đã cũ. Một chiếc áo mưa kéo lên cao và dưới đống chăn nhàu nát, bùng nhùng là một bác đạp xích lô già.

Gió lạnh thổi hun hút khiến chiếc áo mưa cứ phất phơ bay, không đủ che màn mưa phùn giăng giăng ngày càng nặng hạt đang vây lấy đống chăn và con người đáng thương ấy. Đôi tất được phơi ngay ngắn ngang khung sắt xe, đôi giầy bata cũ kĩ được đặt ngay ngắn trên giá để chân của khách hàng. Với chiếc xích lô ngồi như thế này thì người đạp xích lô này không thể nằm ngủ với một tư thế thoải mái. Đã 1 giờ đêm.

Người xích lô kia có lẽ vẫn còn ấm áp hơn so với những người đang lay lắt dưới chân cầu vượt trên đường Xuân Thủy gần ĐH Sư phạm. Họ nằm la liệt bên cầu, ở những chỗ tránh được gió rét.

Ba người đàn ông nằm co cụm vào nhau, ai cũng như đang muốn tìm chút hơi ấm từ người bên cạnh. Trên người họ không có một mảnh chăn, chiếc áp phích quảng cáo nhàu nhĩ và chiếc áo mưa rách chắp nối vào nhau thành chỗ đặt lưng cho ba người đàn ông.

Gối của họ là những chiếc mũ bảo hiểm xanh đỏ rẻ tiền. Bên kia là một người đàn ông khoảng tuổi 70 hàng ngày vẫn bám trụ ở đây hành nghề sửa xe đạp. Ông nằm bên những vũng đen xì hôi thối nồng nặc. Cách ông chừng 3 mét, một người đàn ông khác trông khắc khổ cả trong dáng ngủ.

Ở nơi này, tôi thấy lọt thỏm một phụ nữ nằm ngay ngắn nép mình sát những chiếc ô tô tải. Thỉnh thoảng bàn tay của chị lại thò ra khỏi bao tải để chêm lại cái vỏ chăn mỏng manh quấn trên người. Chị nằm đó nhưng rõ ràng không yên giấc.

Chở hàng xong đánh giấc ngon lành ngay trên xe

Tôi gọi khẽ. Chị nhanh tay gỡ chiếc nón sờn rách màu sương gió ra khỏi khuôn mặt bịt kín chừa hai con mắt. Chị khoảng 40 tuổi, đôi mắt to sáng rõ nhưng không giấu nổi lo âu.

Chị cho biết, do đi làm về muộn nhỡ ra nên ngủ tạm ở đây. Tôi tỏ ra xót xa, chị phân bua: “Buổi tối nên không mang theo tiền. Chỗ này bảo vệ họ không cho người nằm nên không có nhiều người, không như bên kia có cả bọn nghiện vật vờ nên mình mới nằm đây”.

Tôi không khó nhận ra chị đang nói dối để tôi bớt băn khoăn. Chiếc xe đạp cà tàng buộc những bao bì và một số đồ đồng nát dựng ngay chỗ chị nằm. Những chiếc bao bì to bản và mềm mại hơn hẳn những chiếc bao tải của những người bên cạnh, vỏ chăn được chị tính toán mang theo trên mọi nẻo đường gom rác. Sự chuẩn bị thật “chu đáo” cho một giấc ngủ tạm bợ bên lề đường đã nói lên rằng, đây là chỗ ngủ thường xuyên của chị. Tôi càng thấy xót xa.

Cách chân cầu một con đường lớn là khu chợ Dịch Vọng sáng trưng, tấp nập những xe hàng toàn rau củ quả chở đến điểm bán sỉ. Họ đến từ các vùng lân cận Hà Nội. Người thì nằm bắt chân lên xe ngủ chuyên nghiệp như những anh xe ôm. Chỗ kia một chị khoác áo mưa ngồi trên xe gập đầu vào cổ xe mong chợp mắt được chốc lát. Rồi một người phụ nữ khác ôm chiếc túi vào ngực nằm dài trên 2 chiếc ghế đẩu màu xanh ngủ ngon lành.

Chỗ nào có thể dựa dẫm được là họ tranh thủ chợp mắt mặc cho tiếng mặc cả í ới, tiếng đổ hàng ầm ầm, tiếng quát tháo của những người bảo vệ chợ và những cơn mưa phùn cứ rơi mãi không thôi làm nhớp nháp cả một khu chợ.

2 giờ đêm. Qua ngã tư Ô Chợ Dừa tôi vẫn còn thấy “chợ người” đang họp. Cuốc xẻng và những chiếc sảo thưa dựng thành đống ngay bên vệ đường. Một nhóm 5 - 7 người đang ngồi chờ việc trong gió rít và mưa phả. Dưới chân cây đèn cao áp sáng trưng vài thanh niên mới lớn ăn mặc mỏng manh tay cầm những chiếc xẻng đang đùa giỡn nhau phải chăng để đỡ đi phần nào cái giá ngày càng khắc nghiệt.

Góc bên cạnh một người đàn ông còm nhom, gầy guộc ngồi bó gối gập đầu ngủ. Bên cạnh một phụ nữ trông thiểu não có vẻ đỡ lạnh hơn vì đùm những khăn tất bó vào người. Người phụ nữ có đôi mắt u buồn đong đầy những lo lắng đời thường, chất giọng quê mùa chất phác cởi lòng cùng tôi: “Chồng bị tai nạn giao thông tháng trước nên phải ra đây đi làm thay”.

Chị cho biết, ban đêm mới có việc xúc đất, đội đá vì ban ngày họ không có xe tải chở đất, chở rác chạy. Đổ đầy xe được 50.000 đồng/người. Những ngày mưa còn cơ cực hơn. Nước mưa từ sảo đất chảy ròng từ đầu xuống bắp chân lạnh thấu xương. Đất biến thành bùn nên nặng hơn gấp bội.

Tôi bắt chuyện được với một người phụ nữ nhặt rác ban đêm. Giọng chị hồ hởi, ánh mắt như rạng ngời hạnh phúc khi nhắc về các con của chị. Chị có hai con đang học đại học tại Hà Nội, đứa lớn học ĐH Công nghiệp, đứa nhỏ học ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Chồng làm thợ xây, vợ đi thu mua sắt vụn, rác thải, anh chị theo chân hai con nuôi chúng ăn học. Ngôi nhà ở quê để hoang không người ở.

Chiếc giường ngủ đặc biệt

…Gần 3 giờ sáng, cổng bệnh viện Bạch Mai sáng trưng, người qua lại vẫn đều đều. Đi qua khu nhà chính của bệnh viện có lẽ không ai còn lạ lẫm với cảnh tượng người nhà bệnh nhân nằm đó la liệt.

Mùa hè bệnh viện nổi tiếng là nơi lắm muỗi. Những đêm lạnh này tuy có ít muỗi hơn nhưng trong cái lạnh thấu xương trông những người đó càng thảm hại hơn.

Những gốc cây to, những chiếc ghế đá, ghế sắt lạnh buốt, những khoảng trống nho nhỏ hiếm hoi đều là “giường” của những người nhà bệnh nhân khi màn đêm buông xuống. Họ có chuẩn bị trước chăn bông, chiếu nằm, nhưng màn của họ vẫn chỉ là những tán lá thưa thớt thỉnh thoảng run lên vì gió lạnh làm rớt những giọt sương đêm lạnh buốt xuống những thân hình co quắp.

Bác Tuyên, quê ở Nam Định, tâm sự: “Tôi đi nhiều bệnh viện nhưng như Bạch Mai là khá lắm rồi đấy. Có ghế mà nằm thế này là khỏe lắm rồi. Với lại mình ở xa tới đây có biết gì đâu nên cứ nằm đây cũng được”.

Đi chăm người bệnh là tốn kém nên đại đa số những nguời lao động bình dân không nghĩ đến chuyện đi thuê nhà trọ để ngủ khi đêm về. Họ còn viện thêm lí do, nhỡ khi người nhà cần cấp cứu thì còn có người mà kêu.

Đêm đã về khuya nhưng người phụ nữ đang chạy thận vẫn cố nán lại bán nốt vài chén trà nóng cho khách bệnh viện để đủ tiền cho đợt chạy thận ngày mai. Chị chép miệng như nói với cả chính mình: “Giời đất sao mà rét lâu thế. Nếu cứ lạnh mãi thế này thì có nhiều người chết cóng mất thôi”.

Người phụ nữ có đôi mắt u buồn đong đầy những lo lắng đời thường, chất giọng quê mùa chất phác cởi lòng cùng tôi: “Chồng bị tai nạn giao thông tháng trước nên phải ra đây đi làm thay”.

Chị cho biết ban đêm mới có việc xúc đất, đội đá vì ban ngày họ không có xe tải chở đất, chở rác chạy. Đổ đầy xe được 50.000 đồng/người. Những ngày mưa còn cơ cực hơn. Nước mưa từ sảo đất chảy ròng từ đầu xuống bắp chân lạnh thấu xương. Đất biến thành bùn nên nặng hơn gấp bội.

Những gốc cây to, những chiếc ghế đá, ghế sắt lạnh buốt, những khoảng trống nho nhỏ hiếm hoi đều là “giường” của những người nhà bệnh nhân khi màn đêm buông xuống.

Họ có chuẩn bị trước chăn bông, chiếu nằm, nhưng màn của họ vẫn chỉ là những tán lá thưa thớt thỉnh thoảng run lên vì gió lạnh làm rớt những giọt sương đêm lạnh buốt xuống những thân hình co quắp.