Resort mọc trái phép vì cơ quan quản lý 'nể nang'

Giải thích việc dự án Resort&Spa ở Vườn quốc gia Ba Vì gần như đã hoàn tất, nhưng chưa được cấp phép, chủ đầu tư cho rằng do tin tưởng 'quy hoạch đã được duyệt, các thủ tục sau đó sẽ xong nên sốt ruột triển khai'.
Dù dự án chưa được phê duyệt nhưng hàng loạt hạng mục đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Võ Hải.

Dự án Le Mont Bavi Resort&Spa được hình thành từ năm 2008 bởi hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ và phát triển rừng giữa Vườn quốc gia Ba Vì (trực thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD). Thời hạn liên kết là 53 năm, kể từ năm 2008 đến 2061. Trong đó, thời gian mở mang xây dựng 3 năm (2008 đến 2011); liên kết kinh doanh 50 năm.

Theo hợp đồng, Vườn quốc gia Ba Vì giao cho Công ty TNHH Phát triển Công nghệ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng tại: Khu vực cao độ 600 đến 700 m là 53 ha; khu vực cao độ 800 m là 3,05 ha.

Vườn quốc gia Ba Vì thống nhất để Công ty TNHH Phát triển Công nghệ xây dựng và phục chế các khu biệt thự, nhà nghỉ dưỡng phục vụ kinh doanh du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp với bảo vệ rừng tại diện tích đã giao. Đổi lại, Vườn quốc gia Ba Vì thu về 8 tỷ đồng bao gồm: 200 triệu việc sử dụng hạ tầng chung của vườn; 300 triệu bù đắp do vườn bị hạn chế khai thác do mất đi diện tích làm dự án; 7,5 tỷ đồng cho 50 năm liên kết (mỗi năm 150 triệu).

Ngoài ra, Vườn quốc gia Ba Vì còn được hưởng lợi từ việc "giữ độc quyền việc quản lý ra, vào cổng vườn và phát hành vé qua cổng vườn".

Có được làm resrot tại cốt 600 m

2 năm sau khi dự án hợp tác trên được ký kết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt "Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Ba Vì giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020". Quy hoạch này chia Vườn quốc gia thành 3 phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (trên 1.600 ha); phân khu phục hồi sinh thái (hơn 8.800 ha) và phân khu dịch vụ hành chính (trên 340 ha).

Bộ Nông nghiệp cũng cho phép đầu tư, liên kết đầu tư các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong các phân khu hành chính và dịch vụ du lịch, "ưu tiên khôi phục, xây mới các công trình phục vụ du lịch trên các nền móng biệt thự cũ".

Tháng 6/2011, Bộ Nông nghiệp có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ 1 - Vườn quốc gia Ba Vì. Trong đó nêu "khu cốt 600, 700, 800 (khu a, b, c) với diện tích 58,5 ha là địa điểm có nhiều phế tích công trình, cảnh quan, độ dốc hợp lý để quy hoạch trồng bổ sung, sưu tập các loài cây bản địa, quý hiếm... tạo cảnh quan kết hợp phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch các công trình bảo tồn...".

Ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Lâm nghiệp cho rằng, Luật bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là Nghị định 117 nêu rõ được hoạt động du lịch sinh thái trong phân khu hành chính dịch vụ. Dự án trên dù nằm ở cốt 600 m, nhưng trong khu vực 350 ha phân khu hành chính dịch vụ nên được phép xây dựng.

Lãnh đạo Tổng cục lâm nghiệp cho hay các hạng mục của dự án resort Ba Vì đều được cải tạo từ các phê tích cũ thời Pháp chứ không phải xây mới. Ảnh: Võ Hải.

Chủ đầu tư resort Ba Vì: 'Chúng tôi sai sót vì nóng vội'

Trao đổi với báo chí chiều 1/3, ông Trương Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (chủ đầu tư dự án resort Ba Vì) cho hay, ngay sau khi ký hợp đồng liên kết với Vườn quốc gia Ba Vì, công ty này đã làm các thủ tục theo đúng quy định pháp luật như hồ sơ thiết kế, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường và gửi đến các cơ quan liên quan.

Theo ông Ngọc Anh, khu đất thực hiện dự án sau mấy chục năm bỏ hoang nên bị sạt lở đất đá rất nhiều. Trong khi chờ các thủ tục để thực hiện dự án, công ty đã đưa người vào dọn dẹp khu đất và chuẩn bị vật tư sẵn sàng xây dựng. “Do huy động công nhân vào dọn dẹp nên phải làm nhà tạm cho họ ở. Trên này trời rét thì rét ghê gớm. Trời nồm trong nhà ẩm ướt như ngoài sân. Nên nhà tạm cứ phải nâng cấp dần”, chủ đầu tư resort Ba Vì biện minh.

“Nếu bảo làm như thế này là không phép cũng đúng. Chúng tôi tính quy hoạch đã được duyệt, đã có đánh giá tác động môi trường nên có niềm tin là các thủ tục cũng sẽ xong nên cố gắng hoàn thiện các công trình trong dự án. Sai sót của của chúng tôi là nghĩ đơn giản, nóng vội, sốt ruột", Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ nói.

Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì: 'Nể nang dẫn đến sai phạm'

Theo ông Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì, dự án Resort & Spa Le Mont của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ làm chủ đầu tư trong khu vực cốt 600 (cao 600 m) chưa được Bộ Nông nghiệp cấp phép phê duyệt.

“Về cơ bản, dự án được xây dựng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được Bộ Nông nghiệp phê duyệt. Tuy nhiên, Vườn quốc gia chúng tôi đã quá nể nang doanh nghiệp mà dẫn đến một số công trình xây dựng chưa đúng quy định, chưa đủ thủ tục dẫn tới sự việc trên”, ông Truyền phân trần. 

Đầu giờ chiều 1/3, chủ đầu tư đã niêm phong cửa chính khu lễ tân. Ảnh: Võ Hải.

Lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì thông tin, từ tháng 10/2015 đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng đầu tư xây dựng, cải tạo công trình hạ tầng trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án. Văn bản trên cũng yêu cầu công ty di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ xây dựng ra khỏi Vườn quốc gia.

Tuy nhiên trên thực tế, quần thể hàng chục nhà nghỉ, biệt thự, bể bơi của dự án Le Mont Bavi Resort&Spa gần như đã hoàn tất và bắt đầu phục vụ du khách.

Trả lời câu hỏi dự án có nằm trong khu vực phòng thủ và phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng hay không, ông Truyền cho hay, từ ngày thành lập Vườn Quốc gia (1991) đến nay, tất cả công trình xây dựng của vườn đều chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng.

“Theo cách hiểu của chúng tôi, Vườn quốc gia Ba Vì thuộc Bộ Nông nghiệp, nên từ trước tới giờ chưa có tiền lệ đó. Các công trình này đều không xin ý kiến của Bộ Quốc Phòng về thủ tục”, ông Truyền nói.

Trước thông tin Resort Ba Vì tiến hành xây dựng và khai thác khi dự án chưa được phê duyệt, ngày 29/2, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát có văn bản yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn kiểm tra làm rõ việc thi công công trình trái phép ở Vườn quốc gia Ba Vì và báo cáo trước ngày 4/3.

Ông Phát cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo Vườn quốc gia yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công công trình trái phép từ ngày 1/3.

Vườn quốc gia Ba Vì có tổng diện tích hơn 10.000 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình cách trung tâm thủ đô 60 km về phía tây.

Theo Theo VnExpress