“Sai thì đúng là sai rồi”!
Hàng loạt hòn đảo nằm ở những vị trí đắc địa trên vịnh Bái Tử Long lần lượt bị các “đại gia” máu mặt chiếm làm “vương quốc” riêng gần chục năm nay. Họ ngang nhiên xây dựng những công trình sai phạm trên đất rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Thanh tra, xử phạt, thậm chí ra cả quyết định cưỡng chế nhưng đến nay, phía chính quyền vẫn loay hoay chưa thể xử lý triệt để.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 12/8, Tiền Phong đã có buổi làm việc với ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, người nhiều lần chứng kiến sự chây ỳ của các cá nhân, doanh nghiệp dính sai phạm và cũng là người thường xuyên bị đội ngũ luật sư bảo vệ các "đại gia" gây khó.
“Bản chất của hàng loạt vi phạm trên các đảo là do thời gian vi phạm kéo dài, các cá nhân, doanh nghiệp liên tục âm thầm cơi nới, xây dựng các công trình trái phép. Đặc biệt các thủ tục giao đất, giao rừng của các cá nhân có sự chồng chéo qua các thời kỳ nên để hoàn thiện được hồ sơ thủ tục và xác định ranh giới vi phạm khá khó khăn” - ông Hưng cho biết.
Khi phóng viên (PV) hỏi, các công trình xây dựng trên đảo có phải đã được xã, huyện cho phép? Ông Hưng khẳng định: “Làm gì có ai cho xây dựng như thế! Xã không, huyện cũng không”.
Theo ông Hưng, đối với các vi phạm trên đảo Thẻ Vàng của ông Trần Quốc Dũng đã xảy ra rất nhiều giai đoạn. Trước đây, đảo này là của Thị Đoàn Cẩm Phả và có dự án nuôi trồng thủy sản, trồng rừng từ trước. Năm 2010, UBND tỉnh cho thu hồi dự án và giao cho huyện quản lý.
“Riêng tại xã đảo Thắng Lợi tồn tại nhiều hạng mục, công trình sai phép nhất. Phía chính quyền huyện đã xử lý nhiều lần. Ngay trong sáng 12/8, Thường trực Huyện ủy cũng đã họp để giải quyết tiếp. Trách nhiệm không chỉ thuộc về xã, mà các phòng ban của huyện cùng cán bộ có liên quan. Trước đó lãnh đạo xã Thắng Lợi đã bị kỷ luật”, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Châu Thành Hưng
Nhưng trên thực tế, từ năm 2008, Thị Đoàn Cẩm Phả đã bàn giao cho ông Trần Quốc Dũng trông coi. Cũng từ đấy, ông Dũng có xin phép xã cho trùng tu tôn tạo lại đền Vạ Giếng để phục vụ nhu cầu tâm linh của ngư dân. Việc này xã Thắng Lợi đã đồng ý với điều kiện phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều kiện là thế nhưng ông Dũng đã cho xây dựng lại đền Vạ Giếng và một khu nhà sắp lễ.
Đáng chú ý là sự nhập nhằng việc trao tay quyền sử dụng đất của một hộ gia đình với ông Dũng. Giai đoạn trước, có một hộ gia đình được giao đất trồng rừng tại khu vực đền Vạ Giếng và hộ này đã bán lại cho ông Dũng sử dụng.
Theo tìm hiểu, năm 2011- 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu huyện Vân Đồn tạm dừng tất cả các dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái để chờ quy hoạch chung. PV đặt câu hỏi với ông Châu Thành Hưng vì sao tỉnh đã có yêu cầu như vậy nhưng các dự án vẫn được xây dựng?
“Đối với trường hợp này sai thì đúng là sai rồi. Lẽ ra phải lập dự án chứ không phải là đề án trồng rừng kết hợp sinh thái. Tỉnh cũng đã giao Ban quản lý Khu kinh tế, huyện, sở ngành xem xét lại chủ trương. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý các công trình vi phạm mới xây dựng” - ông Hưng nói.
Huyện thuê luật sư hỗ trợ pháp lý
Không chỉ riêng tại khu vực đền Vạ Giếng của ông Trần Quốc Dũng mà trên vịnh Bái Tử Long còn có 4 hòn đảo khác đang xảy ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng. Mặc dù chưa được phê duyệt dự án nhưng các "chúa đảo" vẫn đua nhau xây dựng hàng loạt công trình hoành tráng để chờ ngày được hợp thức hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đối với các công trình vi phạm như đền Vạ Giếng của ông Trần Quốc Dũng, vịnh Bái Tử Long còn có đảo Bánh Sữa của ông Đỗ Tờ, đảo Nêm của Cty Hoàng Trường, hòn Soi Dâu của ông Phạm Thế Duy và hoành tráng nhất là đảo Thẻ Vàng của ông Tô Văn Chương với diện tích gần 180ha.
“Riêng tại xã đảo Thắng Lợi tồn tại nhiều hạng mục, công trình sai phép nhất. Phía chính quyền huyện đã xử lý nhiều lần. Ngay trong sáng 12/8, Thường trực Huyện ủy cũng đã họp để giải quyết tiếp. Trách nhiệm không chỉ thuộc về xã, mà các phòng ban của huyện cùng cán bộ có liên quan. Trước đó lãnh đạo xã Thắng Lợi đã bị kỷ luật” - ông Hưng nói.
Ông Châu Thành Hưng nêu rõ quan điểm của huyện: “Trước mắt huyện sẽ xử lý công trình mới phát sinh trên các đảo. Tháo dỡ các công trình trái phép, sai mục đích, tiến tới thu hồi phần diện tích lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Huyện cũng đã giao phòng Tài nguyên môi trường chậm nhất trong ngày 13/8 phải ban hành các quyết định xử phạt”.
Riêng các vi phạm tại đảo Soi Dâu của ông Phạm Thế Duy đã được UBND huyện Vân Đồn xác định rõ ràng trước đó. Đặc biệt, khi huyện tiến hành xử lý vi phạm, ông Duy đã đề nghị xin giữ lại công trình là căn biệt thự. UBND huyện Vân Đồn đã rà soát lại sai phạm và đồng ý giữ lại với điều kiện bàn giao cho UBND tỉnh làm công trình công cộng. Tuy nhiên khi huyện yêu cầu ký cam kết thì vị này không chịu ký.
Với hàng loạt công trình vi phạm, đứng sau các “chúa đảo” là một đội ngũ luật sư “thiện chiến” nên phía chính quyền huyện luôn gặp khó trong quá trình xử lý. Để giải quyết vấn đề này, ông Châu Thành Hưng cho biết: “Hiện huyện đã giao phòng chuyên môn nhờ tư vấn pháp lý từ Đoàn Luật sư để cùng huyện hoàn thiện hồ sơ sai phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Khi hoàn chỉnh hồ sơ, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý vi phạm”.
Tỉnh Quảng Ninh vào cuộc
Ngay khi UBND huyện Vân Đồn có báo cáo về những vi phạm trên vịnh Bái Tử Long, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phát đi văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TNMT, Ban quản lý Khu kinh tế, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh cùng với UBND huyện Vân Đồn thanh tra hoạt động xây dựng công trình trái phép, quản lý sử dụng đất trên vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn.
Văn bản nêu rõ, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở TNMT, Ban quản lý Khu kinh tế, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND huyện Vân Đồn và các ngành có liên quan tổ chức thanh tra toàn diện việc xây dựng các công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích của các tổ chức, cá nhân tại các khu vực theo báo cáo; đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép đúng theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2019.
Chiều 13/8, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh sẽ cho rà soát cụ thể các vi phạm của từng tổ chức, cá nhân. Các sai phạm này diễn ra trong thời gian dài nên tỉnh cũng muốn hệ thống lại toàn bộ các văn bản có liên quan. Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ đưa ra hướng xử lý triệt để”.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm: Quan điểm của tỉnh là không có vùng cấm, không ưu ái cho một tổ chức, cá nhân nào có liên quan đến sai phạm. Sắp tới tỉnh cũng sẽ thành lập riêng 1 Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn chứ không còn để Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh phụ trách chung như trước đây.