Rà soát hệ thống xử lý bùn đỏ Tân Rai

TP - “Tuy địa hình khác nhau, nhưng thảm họa bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo với chúng tôi. Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ thiết kế của hệ thống hồ chứa bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng)”- Ông Dương Văn Hòa, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản VN (TKV) nói.
Các hạng mục đang xây dựng tại nhà máy Alumin Tân Rai
Các hạng mục đang xây dựng tại nhà máy Alumin Tân Rai . Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tiền Phong sáng 13-10 ông Dương Văn Hòa cho biết: Sự cố bùn đỏ ở Hungary không chỉ gây chú ý, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ ngành, mà chúng tôi cũng theo dõi sát sao sự cố tràn bùn đỏ đầu tiên trên thế giới của ngành sản xuất nhôm, trong hơn 100 năm qua.

Chưa ai nghĩ rằng hồ chứa lại bị vỡ, kể cả những người thuộc diện lão thành của ngành công nghiệp bauxite alumin nhôm của Hungary cũng không nghĩ hồ chứa có thể bị vỡ.

Động đất cấp 7, lũ quét cũng không lo

Đến nay tiến độ thực hiện dự án đến giai đoạn nào rồi?

Công trình nhà máy alumin Tân Rai chúng tôi đang thi công đến giai đoạn cuối, hoàn tất các hạng mục công trình. Dự kiến cuối năm nay sẽ chạy thử, đầu năm sau sẽ ra sản phẩm đầu tiên. Tiến độ thi công công trình bị chậm khoảng một quý so với dự kiến do mùa mưa, trục trặc do sai lệch khi nhập khẩu thiết bị, chậm tàu. Tuy nhiên, với công trình đầu tư tới gần 12 nghìn tỷ đồng, việc chậm một quý không phải là quá nghiêm trọng.

Từ sự cố tràn bùn đỏ tại Hungary, có vấn đề gì đáng lưu ý với TKV trong việc xây dựng nhà máy tại Tân Rai không, thưa ông?

Tôi cho rằng, đây là lời cảnh báo rất nghiêm túc để chúng tôi xem xét lại tất cả thiết kế, quy trình xây dựng nhà máy, đặc biệt là hệ thống hồ chứa bùn đỏ.

Nhà máy này sử dụng công nghệ Bayer chuẩn của thế giới. Thiết bị của nhà máy không phải 100% của Trung Quốc mà có cả của EU, Nhật Bản và một số thiết bị kết cấu của Việt Nam. Nhà thầu chính là Tập đoàn công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc (CHALIECO). Dự án có một số nhà thầu phụ của Việt Nam. Số lao động duy trì thường xuyên trên công trường lúc cao điểm vào khoảng 2.100 người, trong đó lao động Trung Quốc là 1.300 người. Bình thường lượng lao động hai bên là 50 - 50.

Sau sự cố vỡ hồ chứa ở Hungary, chúng tôi đã đề nghị đại sứ quán Việt Nam ở Hungary cho chúng tôi lập đoàn cán bộ sang nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp khắc phục sự cố của họ, để học hỏi, làm bài học kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên, phía bạn hiện tại chưa đồng ý cho tiếp cận hiện trường sự cố này - Ông Dương Văn Hòa.

Hồ bùn đỏ theo đúng hợp đồng EPC (nhà thầu thực hiện xong toàn bộ dự án mới trao cho chủ đầu tư) là của nhà thầu CHALIECO thiết kế, do ở Việt Nam chưa có đơn vị nào có kinh nghiệm tư vấn thiết kế hồ bùn đỏ. Đơn vị thiết kế là Viện tư vấn Samy ở Thẩm Dương, đây là một trong những viện thiết kế hàng đầu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp nhôm. Viện này đã thiết kế rất nhiều công trình trên thế giới và ở Trung Quốc.

Trong bản thiết kế, ngoài yếu tố đập chắn, chống thấm, chống tràn, các biện pháp chống sự cố khi vận hành hồ, đập đều được đề cập. Hồ bùn đỏ được xây dựng lợi dụng địa thế thung lũng (chung quanh là đồi).

Theo thiết kế, hồ được quy hoạch thành 8 ô. Mỗi ô chứa được lượng bùn nhà máy sản xuất ra từ 1 đến 2 năm là đầy. Khi xây dựng xong, thải bùn vào ô số 1, còn ô số 2 dùng để dự phòng. Khi có sự cố thì bùn đỏ tràn sang ô thứ 2. Hồ bùn đỏ được liên tục thi công các ô và chỉ chấm dứt trước khi nhà máy ngừng hoạt động 2 năm...

Khi bùn đỏ lắng, phần nước (có hàm lượng PH rất cao) sẽ được bơm ngược lại nhà máy để tận dụng việc khai thác, tiết kiệm chi phí đồng thời chống tràn cho ô chứa do nước xút này độc hại.

Để xây dựng hai ô chứa ban đầu của khu hồ chứa chúng tôi phải chi tới 180 tỷ đồng cho xây lắp, tương đương chi phí 2-3 USD/tấn bùn đỏ lưu giữ tại hồ. Đó là chưa kể chi phí sản xuất. Theo tính toán, 8 ô chứa được lượng bùn thải của nhà máy trong 12 năm. Kết thúc giai đoạn một thì chuyển sang khu chứa khác.

Việc xây hồ chứa bùn đỏ ở vị trí này hoàn toàn khác với bể chứa bùn đỏ vừa bị vỡ ở Hungary. Bể chứa ở Hungary được xây nổi trên khu vực đồng bằng, sự cố xảy ra khi một góc bể bị vỡ. Còn hồ chứa bùn đỏ Tân Rai, nằm dưới thung lũng, được bảo vệ bởi những quả đồi xung quanh.

Nhưng khu vực này từng xảy ra lũ quét, lũ ống thì sao?

Để phòng nước tràn khi có mưa lớn hoặc lũ quét, chúng tôi đã thiết kế xung quanh hệ thống bể chứa bùn đỏ là hệ thống rãnh thoát nước, để đảm bảo nước không tràn qua các bể chứa được. Theo thiết kế, khi lũ quét xảy ra cũng không thể gây tràn ô chứa do lượng bùn thải không được phép cao hơn mặt các ngọn đồi bao xung quanh.

Chúng tôi cũng nghiên cứu cả phương án chống động đất và các đê được xây dựng với khả năng chống động đất cấp 7. Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, chúng tôi cho rà soát lại tất cả các thiết kế để xem có vấn đề gì không.

Chúng tôi cũng đang tính đến khả năng chia đôi ô chứa số 8 thành hai ô, để lại ngăn cuối cùng chỉ chứa nước để gây xung lực giữ không cho ô chứa bị vỡ. Chúng tôi cũng sẽ nghĩ thêm nhiều biện pháp bổ sung để đề phòng sự cố có thể xảy ra.

Ông Dương Văn Hòa thuyết minh hệ thống xử lý bùn đỏ của nhà máy Tân Rai với phóng viên.

Lo ngại chất lượng công trình do nhà thầu Trung Quốc xây là có cơ sở, nhưng…

Hiện có tâm lý lo ngại về chất lượng thi công của một số công trình do nhà thầu từ Trung Quốc trúng thầu, thưa ông?

Sự lo ngại hiện tượng nhà thầu Trung Quốc xây dựng không đảm bảo chất lượng, không đúng tiến độ cũng có cơ sở, nhưng trong quá trình xây dựng nhà máy này tôi không thấy có vấn đề gì.

Về thiết bị của Trung Quốc, họ có những hàng hóa chất lượng rất thấp, giá rẻ nhưng cũng có những hàng hóa chất lượng và giá tương đương hàng châu Âu. Vấn đề là kiểm soát chất lượng. Trong hợp đồng, các loại thiết bị, quy chuẩn, chất lượng được ghi rõ nên có thể kiểm soát được.

Cũng phải nói, tiền nào của ấy. Tôi bị chất vấn nhiều về việc tại sao không nhập công nghệ, thiết bị của EU, của Mỹ, của Úc. Nếu ai nghĩ cứ chỉ vì tiền rẻ mà phải nhập thiết bị Trung Quốc thì đấy chỉ là một lý do. Còn lý do nữa là quy định của pháp luật. Vì đấu thầu nên tiêu chí rất rõ ràng. Có điều nữa, toàn bộ thiết bị của họ đều đạt chuẩn quốc tế và giá của họ rẻ nên không thể đánh tụt người ta được.

Riêng ngành bauxite nhôm, trên thế giới có câu chuyện, những tập đoàn lớn nắm công nghệ sản xuất alumin nhôm không bao giờ bán công nghệ nên họ không tham gia đấu thầu EPC. Các tập đoàn lớn này chỉ đưa công nghệ và thiết bị vào khi hợp tác đầu tư, chứ họ không làm thuê. Vì vậy khi mở thầu quốc tế, chỉ có nhà thầu Trung Quốc tham gia.

Khi bị chất vấn về việc này tôi cũng từng hỏi lại là anh có cho phép mua thiết bị của EU với giá đắt hơn ít nhất là 1,5 lần mà không phải qua đấu thầu không? Không ai dám quyết.

Hiệu quả kinh tế không cao

Còn về hiệu quả kinh tế của dự án, thì sao, thưa ông?

Dự án này về hiệu quả kinh tế đã được tính toán đầy đủ các chi phí, điều kiện thị trường. Dự án có hiệu quả kinh tế. Ngay cả dự án Nhân Cơ, sau khi có nhiều ý kiến, kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chúng tôi phải kiểm tra lại. Chúng tôi kiểm tra lại trong cả một năm rồi. Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) và Bộ Công Thương thẩm định lại đều thấy có hiệu quả. Đây là bản thân dự án có hiệu quả.

Quan trọng nữa, dự án là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy sử dụng lao động trong dự án không nhiều, chỉ 2.000 người trong giai đoạn 1. Vấn đề là các dịch vụ đi kèm như giao thông vận tải, dịch vụ sửa chữa, thương mại…

Thực ra, khi tính toán, chúng tôi dự định xây dựng nhà máy alumin ở ven biển, thì hiệu quả kinh tế cao hơn, do giảm được giá thành vận chuyển, lại đỡ nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, vì mục tiêu phát triển kinh tế Tây Nguyên, nên buộc phải xây dựng nhà máy tại đây thôi.

Nếu tách bạch những cái ăn theo đó thì lợi nhuận của dự án thế nào?

Theo tính toán, dự án của chúng tôi vẫn đạt tỉ suất lợi nhuận 11%. Mức lợi nhuận này là không cao. Nhưng chúng tôi là tập đoàn kinh tế nhà nước nên phải làm theo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và nhiều mục tiêu khác của Chính phủ.

Với mức lợi nhuận trên, mà TKV lại phải huy động vốn từ nước ngoài, lãi suất ít cũng 6,5% (vay USD), liệu có còn lãi không?

Chính huy động từ nước ngoài mới lãi, chứ nếu chỉ huy động vốn trong nước thì mới không có lời.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Phạm Tuyên

Đầu tư tuyến đường vận chuyển bauxite từ mỏ Tân Rai - Bảo Lâm

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để phát triển kinh tế xã hội, phục vụ khai thác và vận chuyển bauxite từ mỏ Tân Rai - Bảo Lâm ra quốc lộ 20 trên cơ sở phải đảm bảo hiệu quả lâu dài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể về hướng tuyến, quy mô, cơ chế tổ chức thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất nguồn vốn thực hiện Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.