Chiều 27/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Nghị quyết vừa được thông qua đã bổ sung vào chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Dự án này được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp.
Đồng thời điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sẽ trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, có 5 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này là: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp giữa năm sau.
Liên quan đến việc sửa Luật Đất đai, nhiều ý kiến tán thành đưa vào Chương trình năm 2022 như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cũng có ý kiến đề nghị cần trình dự án Luật này sớm hơn hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp. Cũng có đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để xử lý ngay một số nội dung cấp bách liên quan đến đất đai trong khi chờ sửa đổi luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nên cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội không ban hành ngay Nghị quyết, và cho ý kiến tại 2 kỳ họp thứ 3 và thứ 4, để thông qua trong năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu dự án bảo đảm chất lượng, đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo để Quốc hội thông qua dự án Luật này sớm hơn tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Trước đó, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Với những bất cập, hạn chế đang tồn tại và nguy cơ phát sinh, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách trong Luật Đất đai 2013. Trong đó có việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai;
Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;
Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất.