Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương:

Quyết liệt chấn chỉnh 'loạn đất đai' trên đảo Phú Quốc

TP - Sau loạt bài “Loạn đất đai trên đảo Phú Quốc”, sáng 31/10, PV Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xung quanh vấn đề này. 
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Bùi Ngọc Sương  

Ông Sương cho biết:

Tôi vừa đọc thông tin về tình hình đất đai Phú Quốc đăng tải trên báo Tiền phong. Sáng nay Văn phòng Chính phủ cũng đã điện cho tôi yêu cầu báo cáo ngay vụ việc trong ngày 1/11.

Tình hình lộn xộn đất đai trên đảo là có thật và được ngành chức năng phát hiện mấy tháng nay. Sau khi nghe báo cáo, tôi đã trực tiếp ra đảo Phú Quốc nắm tình hình.

Thực tế cho thấy trong quá trình đo đạc, xác định mốc để làm sổ đỏ nhiều người đã lợi dụng lấn thêm ra, tức đất khai phá ít nhưng diện tích nhiều lên. Đất bị lợi dụng lấn chiếm chủ yếu là đất công và đất rừng.

Vì sao lại có sự lợi dụng này, thưa ông?

Việc đo đạc, cắm mốc để cấp sổ đỏ cho dân theo qui định phải có hội đồng xét cấp của xã, theo đó phải xác định chính xác các vị trí giáp ranh. Tuy nhiên đối với Phú Quốc đất rừng phòng hộ và rừng Vườn Quốc gia rộng lớn mà các chủ rừng chưa xác định được chính xác hết các vị trí cụ thể đâu là đất rừng mình quản lý. Vì thế có những hội đồng xét duyệt cấp sổ đỏ ở xã không có chủ rừng tham gia, nên đã xảy ra một số sơ suất cần chấn chỉnh ngay.

Phải xác định lại ranh giới cho chính xác đâu là ranh giới rừng phòng hộ, đâu là ranh giới rừng Vườn Quốc gia. Hiện tôi đã chỉ đạo cho UBND huyện Phú Quốc thành lập các đoàn kiểm tra giải quyết tình hình lộn xộn đất đai trên đảo.

Hiện trên đảo còn tồn đọng 3.791 quyết định sau thanh tra chưa triển khai với hơn 3,2 triệu m2. Thậm chí đất liên quan đến vụ án tiêu cực đất đai mấy năm về trước vẫn chưa được thu hồi cho Nhà nước?

Các quyết định thu hồi chủ yếu cấp trái phép, lấn chiếm đất và đất rừng Nhà nước quản lý.Trong số gần 4.000 quyết định sau thanh tra chưa thu hồi thì có khoảng 1.000 có thể không thực hiện vì theo Luật Đất đai mới phải hợp thức hóa cho dân. Một số hộ dân sau khi có quyết định thu hồi đất lấn chiếm trái phép đã bỏ đi khỏi địa phương.

Về đất liên quan đến vụ án (vụ tiêu cực đất đai trên đảo Phú Quốc xảy ra cách đây 3 năm, đã kết án phạm tội đối với nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc và hàng loạt cán bộ khác - PV) hiện đang còn vướng chỗ đất cấp cho quân đội tại khu vực Bà Kèo, TT Dương Đông. Tại đây nhiều người sau khi được cấp đất đã cất nhà kiên cố.

Chúng tôi đang yêu cầu phía quân đội xử lí bồi thường thế nào đó để trả lại đất cho địa phương quản lý. Đối với ngôi nhà của ông Dũng (Lê Minh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch huyện bị kết án 10 năm vì liên quan đến tiêu cực đất đai trên đảo Phú Quốc) cũng đã có quyết định thu hồi.

Tuy nhiên, nhà xây kiên cố như thế mà đập đi thì lãng phí. Chúng tôi đang bàn tính đấu giá, nộp tiền cho ngân sách. Các khu đất khác liên quan đến vụ án đã cơ bản giải quyết xong.

Vụ một Việt kiều Bỉ bị cán bộ “xác nhận qui hoạch nhầm” trong vụ mua lô đất 2,4 tỷ đồng sẽ được giải quyết thế nào?

Ai làm sai người ấy phải chịu. Cán bộ nhà nước mà ký xác nhận qui hoạch sai gây thiệt hại cho người ta thì phải bồi hoàn. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì xử theo pháp luật.

Còn vụ một hợp đồng mua bán đất được thực hiện tại Công an huyện Phú Quốc?

Tôi sẽ chỉ đạo cho Công an huyện Phú Quốc làm rõ chuyện này. Công an mà đi làm trọng tài cho chuyện mua bán đất thì thật nực cười. Trường hợp họ có gây rối trật tự nơi công cộng gì đó thì mới mời về công an giải quyết. Còn tranh chấp quan hệ dân sự bình thường thì là việc của tòa án.

Tình hình lộn xộn đất đai hiện nay có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên đảo?

Tôi nghĩ không ảnh hưởng gì. Việc mua bán theo kiểu sang tay, mua bán đất bất hợp pháp sau này Nhà nước thu hồi phải chịu. Còn mua bán đất công, đất rừng mà có cán bộ ký vào thì người đó phải chịu trách nhiệm, tùy theo mức độ mà xử lý. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đang chỉ đạo làm quyết liệt, chấn chỉnh ngay tình hình lộn xộn đất đai trên đảo Phú Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Lĩnh
thực hiện