Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng thành phố cho rằng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã giải tỏa những lo lắng, đảm bảo tính thống nhất về pháp lý trong việc kế thừa quy hoạch đã có.
Đi ngược quy hoạch đã phê duyệt
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội lập quy hoạch phân khu ga Hà Nội đúng với quy hoạch Thủ đô 2030 - tầm nhìn 2050, ông đánh giá thế nào về việc này?
Xây dựng Thủ đô khang trang - hiện đại là chủ trương của Hà Nội và cả nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc lập quy hoạch phân khu ga Hà Nội và vùng phụ cận do Cty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Nhật Bản lập vừa qua chưa được nghiên cứu thực tiễn, chưa đánh giá hết ý nghĩa của khu vực nội đô lịch sử - nơi có vai trò kết nối giữa khu vực nội đô lịch sử với khu vực phố cổ - nên chưa được các bộ, ngành, giới chuyên gia và dư luận đồng thuận. Việc Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội lập quy hoạch phân khu ga Hà Nội đúng với quy hoạch Thủ đô 2030 - tầm nhìn 2050 là quyết định kịp thời, phù hợp, đảm bảo tính thống nhất về mặt pháp lý trong việc thực hiện quy hoạch Thủ đô. Thể hiện thái độ lắng nghe, sàng lọc kịp thời những ý kiến từ dư luận và giới chuyên môn. Đồng thời, quyết định trên đã chứng minh, trong quá trình lập quy hoạch rất cần sự đóng góp của các chuyên gia, các cơ quan chức năng để nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Việc thực hiện nóng vội có thể dẫn đến tình trạng không đánh giá đúng vai trò - ý nghĩa lịch sử của khu vực cần bảo tồn, thậm chí đi ngược lại nhiều quy hoạch và quy chế được phê duyệt trước đó.
Ông có thể chỉ ra những điểm bất cập trong bản quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được đơn vị tư vấn lập và trình Chính phủ?
Tôi đã tham dự buổi thuyết trình của đơn vị tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Nhật Bản, và nhận thấy, họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lập quy hoạch ở những vùng đô thị mới. Tuy nhiên, ga Hà Nội và vùng phụ cận lại là khu vực đặc thù nối giữa khu vực nội đô lịch sử với khu phố cổ, là khu vực cần được bảo tồn của di sản Thăng Long và là giá trị truyền thống của Hà Nội với nhiều di tích Quốc gia đã được công nhận (Văn Miếu, ga Hà Nội, Hồ Văn…), thì đơn vị tư vấn chưa đánh giá đúng tầm vóc, chưa tiến hành khảo sát thực địa dẫn đến nhiều điểm chưa phù hợp trong quá trình lập quy hoạch.
Ga Hà Nội và vùng phụ cận nằm trong khu vực nội đô lịch sử nên có rất nhiều di tích đã được xếp hạng. Hạ tầng khu vực đã ở trong tình trạng quá tải, xuống cấp từ lâu nên tính kết nối về giao thông chưa được đảm bảo. Vì những lý do trên, trong Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, và tất cả các quy hoạch lập trước đó đều thống nhất phải hạn chế nhà cao tầng, đồng thời không làm gia tăng dân số cơ học trong khu vực. Trong quy chế quản lý nhà cao tầng được Hà Nội phê duyệt năm 2016 thể hiện, sau khu vực ga Hà Nội có công trình điểm nhấn, nhưng cao không quá 17 tầng. Tuy nhiên, đơn vị lập quy hoạch lại lập ra những cao ốc cao đến 200m nhằm khai thác tối đa giá trị thương mại, đồng thời tăng dân số hiện nay từ 37.000 lên 44.000 là không phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt. Việc quy hoạch đi ngược lại hai tiêu chí hạn chế nhà cao tầng và không làm gia tăng dân số là không phù hợp, thậm chí đi ngược lại tất cả các quy hoạch lập trước đó nên đã gặp phản ứng của dư luận.
Mặt khác, trong quy hoạch giao thông xác định, ga Hà Nội sẽ đóng vai trò là nhà ga lập tàu khách và là ga trung chuyển giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia, và các phương tiện công cộng. Hiện nay tổng diện tích của ga Hà Nội chỉ còn khoảng 6 ha, trong khi phải để thực hiện quy hoạch ga lập tàu khách và là ga trung chuyển cần tối thiểu 15 ha, việc dành đất ưu tiên cho phát triển đô thị thay vì ưu tiên cho phát triển giao thông là không phù hợp.
Dấu hỏi về lợi ích nhóm
Ga Hà Nội và vùng phụ cận là khu vực đầu mối giao thông chuyển tiếp quan trọng, nhưng việc đơn vị tư vấn ưu tiên tiếp cận ở góc độ phát triển đô thị với mục tiêu tận dụng quỹ đất thương mại đã khiến dư luận phản ứng…
Đơn vị tư vấn đã có nhiều kinh nghiệm, việc lập quy hoạch trên nguyên tắc khai thác tối đa quỹ đất thương mại là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch như vậy chỉ phù hợp khi quy hoạch những vùng đô thị mới, hoặc lập quy hoạch lại sau các trận động đất. Ga Hà Nội là khu vực có ý nghĩa lịch sử đặc thù, đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng, là cầu nối gắn kết giữa khu vực nội đô lịch sử và khu phố cổ, nếu đơn vị tư vấn chọn cách tiếp cận từ việc giải quyết hạ tầng, xây dựng khu ga Hà Nội trở thành điểm kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông trong khu vực, bao gồm cả đường sắt và đường bộ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn là tiếp cận quy hoạch xây dựng khu cao ốc, nhằm tận dụng tối đa việc khai thác quỹ đất thương mại. Điều này dễ khiến dư luận đặt dấu hỏi về lợi ích nhóm, mà không nhìn ra những ý nghĩa quan trọng về giao thông và cảnh quan đô thị của đồ án
quy hoạch.
Với một khu vực có ý nghĩa đầu mối giao thông quan trọng như ga Hà Nội, muốn lập quy hoạch, trước tiên phải ưu tiên cho vấn đề giao thông, việc sử dụng quỹ đất thương mại chỉ xem xét sau khi quy hoạch đảm bảo tính kết nối giao thông. Trong đó, không làm gia tăng dân số cơ học để giảm thiểu dân cư khu vực nội đô theo quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt phải được tuân thủ.
Để ga Hà Nội trở thành đầu mối giao thông kết nối thuận tiện và đô thị hiện đại nhưng vẫn tuân thủ đúng quy hoạch chung của Thủ đô, theo ông Hà Nội cần phải lập quy hoạch thế nào ở khu vực này?
Để quy hoạch ga Hà Nội trở thành đầu mối giao thông và đô thị hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị, Hà Nội cần lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, hiểu biết về quá trình phát triển của khu vực. Đơn vị tư vấn có thể thuê nước ngoài, nhưng cần lựa chọn một số đơn vị có năng lực trong nước cùng phối hợp. Bên cạnh đó, Hà Nội cần xác lập và đánh giá đúng vai trò của ý kiến cộng đồng, chuyên gia và các tổ chức chuyên ngành. Việc thu thập, tiếp nhận, sàng lọc ý kiến đóng góp sẽ giúp Hà Nội đưa ra được một bản quy hoạch tổng thể đảm bảo tính kế thừa.
Trong quá trình phát triển, di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa chuyển tiếp giữa khu phố cổ và phố cũ đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn. Trước khi điều chỉnh đều có những cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức sau đó tiếp tục trưng cầu ý tưởng để người dân góp ý, nên khi trình ra hầu hết đều được ủng hộ. Lập quy hoạch đối với những khu vực có ý nghĩa lịch sử như ga Hà Nội phải được thực hiện bài bản, thận trọng chứ không thể nóng vội.
Cảm ơn ông.
“Trước đó, tháng 9/2017, UBND thành phố Hà Nội có văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận với tổng diện tích 98,1 ha.
Hà Nội đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40 -70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40 - 70 tầng. Trước đề xuất của Hà Nội, Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất xây mới một số công trình cao từ 40- 70 tầng (khoảng 200 m) ở khu vực ga Hà Nội là chưa phù hợp với định hướng Quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 (hạn chế nhà cao tầng và gia tăng dân số)”.