Hiệp hội Taxi Hà Nội

Quy định xe Grab không đeo mào là trái luật?

TP - Cho ý kiến về việc Bộ GTVT vừa có tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 86 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung xe grab sẽ không phải đeo mào, Chủ tịch Hiệp hội taxi cho rằng, đây là quy định trái luật và đi ngược lại quan điểm của chính lãnh đạo Bộ GTVT trước đó.
Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, số lượng xe ô tô kinh doanh dưới 9 chỗ đã vượt quy hoạch của thành phố.

Nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 - quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, Bộ GTVT vừa có tờ trình dự thảo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Trong phần đề cập đến hoạt động kinh doanh vận tải với xe ô tô dưới 9 chỗ, đơn vị soạn thảo đã xếp xe Grab vào nhóm “xe hợp đồng điện tử”, khi hoạt động trên đường các xe grab sẽ không phải đeo mào.

Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, đây là quy định trái với luật và đi ngược lại quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT trước đó. Theo ông Hùng: Quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện nay chỉ có 5 loại hình kinh doanh vận tải cho cho ô tô, gồm: xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch, việc ban soạn thảo đưa ra một nhóm riêng là “xe hợp đồng điện tử” là trái với quy định.

Theo ông Hùng, ngay cả nội dung trong tờ trình và dự thảo sửa đổi Nghị định 86 cũng có sự “vênh” nhau, cụ thể khoản 2 điều 6 của dự thảo đưa ra quy định: tất cả xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải phải đeo mào như taxi. Tuy nhiên, trong tờ trình dự thảo gửi Thủ tướng, ngoài đưa thêm một loại hình kinh doanh nữa, tổ soạn thảo cũng khẳng định: xe dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ kết nối vận tải là xe hợp đồng điện tử, khi hoạt động trên đường không phải đeo mào.

Quy hoạch taxi và xe kinh doanh dưới 9 chỗ của thành phố Hà Nội đến năm 2020 là 25.000 xe nhưng hiện đã có trên 49.000 xe. Tương tự, quy hoạch của TP.HCM đến 2020 có 12.700 xe nhưng hiện nay đã trên 44.000 xe.