Quy định chặt chẽ các biện pháp bảo vệ nhà báo

TP - Chiều 14/11, thảo luận về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, khi tác nghiệp, nhất là trong đấu tranh với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhà báo luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ như bị hành hung, bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nên phải có quy định chặt chẽ bảo vệ nhà báo.

Thảo luận về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, thời gian qua báo chí có vai trò lớn trong phát hiện, đấu tranh với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, khi lấy tin, nhà báo gặp nhiều khó khăn, không chỉ ngoài xã hội mà cả đối với những người có chức quyền. Do đó phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ nhà báo. 

Đồng thời phải quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước trước những vấn đề nóng mà báo chí quan tâm. “Tại Thái Nguyên chúng tôi vừa qua xảy ra một vụ  cô giáo để học sinh bị bạo hành trong 2 năm, nhưng báo chí rất khó khăn lấy tin tức vì cấp trên thì đổ cho cấp dưới. Cái này thì luật phải điều chỉnh, trên dưới có thể nể nang nhau mà bao che nhưng với báo chí thì phải cung cấp bởi đây là kênh giám sát của nhân dân”, bà Huệ nói.

Nhà báo Trần Thế Dũng, báo Người Lao động, phải điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức với nhiều vết thương trên người sau khi bị hành hung năm 2010. Ảnh: Hà Thành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cũng khẳng định, trong quá trình đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội, nhà báo luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ như bị hành hung, bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Nhưng việc bảo vệ nhà báo trong Dự thảo luật chưa rõ ràng và đầy đủ. 


Ông Hùng đề nghị quy định rõ trong Dự thảo luật các hành vi bị cấm như: cản trở, đe dọa, phá hủy phương tiện tác nghiệp của nhà báo…  một cách chặt chẽ và đầy đủ hơn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến cũng đề nghị quy định rõ ràng về trách nhiệm giải trình, trả lời của cơ quan nhà nước đối với báo chí.

“Mặc dù Chính phủ đã quy định về người phát ngôn nhưng thực tế vẫn có tình trạng “người phát ngôn đi vắng”, “người phát ngôn đi công tác” nên báo chí không lấy được thông tin. Vì thế, cần phải quy định mở hơn để báo chí tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và nhanh nhất.

Đề cập đến quy định về cấp giấy phép cho các cơ quan báo chí, ĐB Hoàng Tuấn Anh (Tây Ninh) cho rằng, việc quy định có tới 7 loại giấy phép và nhiều loại thủ tục rườm rà khác đã không đảm bảo được quyền tự do báo chí như Hiến pháp quy định. 

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, việc quy định 7 loại giấy phép và 4 loại phải có văn bản thông báo chấp thuận như Dự thảo luật đề ra là quá nhiều. Cần phải bỏ bớt loại giấy phép chứ để như Dự thảo luật thì thấy Hiến pháp thì mở nhưng luật chặt quá.