Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) trao đổi với Tiền Phong về vai trò của đối ngoại nhân dân trong hoàn cảnh đất nước hiện nay nhân kỷ niệm 65 năm thành lập VUFO (17/11/1950 - 17/11/2015).
Ngày nay, các nước đều đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên hết, các tổ chức nhân dân cũng hoạt động theo đường lối của chính quyền. Vậy thì việc vận động dư luận, bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong tình huống khó khăn có khó khăn không, thưa ông?
Đúng là tình hình đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, lý do để các bạn đến với chúng ta, đoàn kết, ủng hộ chúng ta cũng khác so với hiện nay. Ngày nay mọi thứ đã khác, nhưng tôi nghĩ bản chất vẫn quan trọng. Bản chất Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình, con người hòa hiếu, chính sách đối ngoại là muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Đó là những đặc điểm bản chất quan trọng nhất để chúng ta có và sẽ tiếp tục có được bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ chúng ta. Thách thức đặt ra là làm thế nào để bạn bè quốc tế có thông tin chính xác về những điều đang diễn ra.
Thời gian qua, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực. Ông có cho rằng, sự ủng hộ của nhân dân thế giới dành cho Việt Nam trong những lúc chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm khá mờ nhạt?
Tôi không nghĩ sự ủng hộ mờ nhạt đi. Trên thực tế, sau những căng thẳng trên biển Đông, nhiều mạng lưới bạn bè quốc tế đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và ủng hộ chính nghĩa. Họ ủng hộ cái đúng chính là ủng hộ việc giải quyết các vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, những cam kết quốc tế mà các quốc gia tham gia. Thông điệp của Việt Nam là giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Với cách tiếp cận phù hợp của chúng ta, bạn bè quốc tế đã hiểu và lên tiếng vào thời điểm khó khăn, và đến nay vẫn tiếp tục có tiếng nói, có ý kiến đóng góp cần thiết, có hoạt động cần thiết để ủng hộ cái đúng và phản đối cái sai.
Ví dụ, các hoạt động bạn bè quốc tế đã làm như viết thư phản đối, ra tuyên bố phản đối, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, kể cả hội thảo khoa học để đánh giá cụ thể tình hình, phân tích các phương diện, nhất là khía cạnh lịch sử và chính sách của các quốc gia có liên quan, sau đó tác động đến chính giới ở các nước để họ lên tiếng về vấn đề này.
Hiện vẫn còn tình trạng người dân ở một số nước hiểu chưa đúng về tình hình kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông có thể giải thích cụ thể về vấn đề này?
Ở một số quốc gia cụ thể, thông tin mà người dân nhận được từ chính quyền của họ về Việt Nam, chính sách của Việt Nam bị sai lệch. Chẳng hạn, có thực tiễn là Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân dân yêu chuộng hòa bình, mong muốn hòa hiếu, và luôn tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhưng một số chính phủ lại tuyên truyền với dân của họ theo cách méo mó, không đúng với thực tế.
Ở nhiều nơi trên thế giới, thông tin đến với người dân không được đầy đủ về tình hình kinh tế, xã hội, thành tựu phát triển, chính sách phát triển, chính sách đối ngoại của Việt Nam chưa đến được đầy đủ với công chúng. Vì thế, yêu cầu về công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới ngày càng cao hơn, cần có cách tiếp cận phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng cụ thể, thậm chí với từng quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể, để người dân ở đó nhận được thông tin chính xác về tình hình thực tiễn.
Cảm ơn ông.