Thảy đều vùng dậy trên đôi chân xiêu vẹo của mình. Người đàn ông già không rõ tuổi, dáng cựu công chức, từ phòng xét nghiệm máu ào về, tay cầm tờ giấy cứ huơ lên, như cầm tờ quyết định đề bạt, mặt hằm hằm tím tái. Đổ vật gào lớn: “Tôi lý lịch thế này mà HIV à? Sai bét. Kiện, kiện...”. Vùng lên lại đổ vật xuống. Cô gái xinh đẹp giường bên đưa cặp mắt trong veo sợ hãi, vừa cắt cả hai buồng trứng, co lại như con tép đồng.
Cô gái mặn mà nhan sắc ấy, nhồi giấu ma túy vào cửa mình, bị bục nhiễm trùng. Mấy ông còn lại, toàn ung thư chờ chết, mặt vô cảm, phóng mắt sáng như tia chớp, đến khiếp. Người và ma chen nhau đi lại trong phòng bệnh chật chội, đầy dây dợ. Chẳng ai chịu ai. Như chen đi lấn chiếm đất, như cảnh tăng lương đề bạt ở công sở. Kiếp người bi thương và hoành tráng như vậy. Sao tôi chỉ một vết thương nhỏ nhiễm trùng mà đã nằm ẹp không dám vùng dậy cầm lấy cây bút chiến đấu.
Bèn một tay cầm cây gậy, một tay cầm cây bút quẫy dậy. Tôi ghi cho hết các bài thơ viết nháp trên giường bệnh la liệt. Xem lại thì cũng được một tập mỏng, ít ra cũng không thua kém, có khi còn hơn mấy ông nhà thơ cỡ bự vừa xuất bản. Nhưng dịu cơn đau thì thấy cần biên tập chọn lọc lại, toàn thơ đau thơ nằm viện thì chán chết, phải mở rộng ra.
Như với Mẹ, với da thịt ái tình hạnh phúc, với nước mắt, với thế giới rộng lớn. Nghiêm khắc thì thấy thơ phú của mình còn nhiều lẩn thẩn, nhôm nhoam như cuộc đời, nhưng cũng xin đánh số 1, 2, 3... để dễ lưu trong máy vi tính.
GIÓ LẠI THỔI: Gió lại thổi dịu dàng trở lại/ Đời tiêm cho anh kháng sinh liều cao/ Nhiễm trùng nơi anh là do người đem lại/ Hỏi rằng em có can dự vào?... / Gió lại thổi dịu dàng trở lại...
THỨC DẬY SỚM: Dậy sớm, được nghe chim hót/ Dậy muộn tránh được mặt người/ Thức dậy lưng chừng chỉ còn nắng gió/ Không dậy nữa thì... được gặp Mẹ tôi!
KHI ĐAU: Tôi nằm viện phẫu thuật/ Lê lết một mình/ Vịn vào chân giường, bò sát đất/ Thân xác lụi tàn, tâm thế nhẹ tênh./ Ngẫm lại, chỉ những tháng năm ở với Cha là nặng nề khó khăn/ Ở với phố Hồ còn nặng nề khó khăn hơn thế! /Giữa đau đớn này, tôi có quyền trách cứ/ Nhưng trách cứ rồi, lại thương cảm ghi ơn...
2. Cô gái chừng hai mươi tuổi, đi chăm mẹ, có khuôn mặt và dáng người đẹp đến mức không thể nào tả được. Nhất là cặp mắt, cái mũi và quãng từ thắt lưng trở xuống, người mẫu nào cũng chào thua. Cái phần ấy vận động mềm mại, đầy gợi cảm, rõ nét mỗi lần cô bón cháo, đỡ đầu cho người mẹ nằm bất tỉnh mấy ngày rồi. Hai người đàn ông ngồi cạnh giường suốt ngày đêm là cậu em mẹ cô gái.
Hai người cậu tranh nhau kể:
- Thương lắm anh ạ. Nó xinh đẹp như vậy, học hành vào loại giỏi nhất cấp 3 tỉnh, trăm phần chắc chọn ngành học để làm bác sĩ, nhưng nhà toàn gặp chuyện không may. Cả thị trấn mình nó được mấy ông điện ảnh về tuyển. Qua tám phòng đầu toàn xuất sắc, đến phòng cuối là “phòng khóc”, buộc phải rơi ra giọt nước mắt, nó làm không được. Nó bảo “tim con hóa đá rồi!”.
Bà mẹ chưa biết sống chết thế nào. Vết thương ở bụng sâu lắm. Khi ông chồng rút dao mổ lợn từ bụng bà ra, máu phun cầu vồng, bà từng đi thanh niên xung phong ở chiến trường, không sợ máu, đưa tay nắm lấy. Lưỡi dao xoáy mấy vòng vào lòng bàn tay, xuyên thủng như xuyên qua tờ giấy, mấy ngón rụng xuống. Bây giờ cánh tay ấy băng trắng treo thẳng lên đầu giường, như một búp hoa kỳ quái của quỷ.
Đã quá trưa, chân tôi bị nhiễm trùng, không đi được. Cô bé nhanh chóng cầm về một hộp cơm: “Chú ăn đi!”. Tôi nhiễm trùng phải đến phòng chụp phim, xét nghiệm máu gấp. Cô gái tìm đâu cái xe đẩy nhỏ xíu, như trong truyện cổ tích, đẩy tôi đi. Cô bảo: “Chú phải lấy máu. Không sợ đâu. Tiêm kháng sinh liều cao năm đến bảy ngày. Đau lắm, phiền lắm, nhưng phải chịu thôi chú ạ!”.
- Cháu ở ngành Y à?
Cô gái bỗng quay mặt đi, khóc.
Một người cậu nói:
- Nó thẳng tính, chẳng sợ gì, chuyên giúp người, hai lần nằm viện. Một lần bố say rượu rồi đánh suýt vỡ đầu. Một lần người chú nghiện thuốc phiện cầm dao đuổi chém.
Mái tóc bên trái của cô ngắn đi như một mô đen lạ lùng. Đó là nơi có vết dao chém. Hóa ra cô gái quen hết mọi việc ở đây là nhờ cô đã hai, ba lần nằm viện, trong khi tuổi tôi chính thức chỉ mới một lần thôi. Thương cảm là phải.
Về đến phòng, tôi hổn hển cầm lấy tay cô gái, nói lời cảm ơn. Cô gái sợ tôi đau, ráng cười buồn. Hai lúm đồng tiền trên gương mặt gầy xoáy sâu, cặp mắt rất sáng. Tôi đùa: «Cháu giỏi thế. Chàng nào theo kịp!».
Bà mẹ ngất xỉu mấy ngày, bỗng dưng hắt hơi, rồi rống lên khóc thảm thiết. Vậy là bà qua hôn mê sâu. Tôi đụng vào «cái huyệt thương con gái» sâu thẳm nhất trong lòng người mẹ.
Cô gái hốt hoảng: «Mẹ đừng khóc!».
Cô gái nói chưa hết câu, bà lại hôn mê sâu rồi.
Hai người cậu suốt ngày canh bên người bệnh không rời một phút, mắt đỏ như hòn than, thực ra làm vệ sĩ canh gác. Ông chồng hung thủ có thể cầm dao xông đến bất cứ lúc nào.
3. Người đàn bà rất trẻ, tóc đen, da trắng như trứng gà bóc, đi chăm nuôi con gái, nghe đâu từ một bản Thái xa xôi vừa chuyển về đây. Đôi mắt bồ câu đẹp đầy ngấn nước. Hai mẹ con mà trạc như nhau, như hai bông hoa rừng. Người con như nàng tiên đang ngủ. Môi đỏ hồng như hoa chuối rừng ngả sang tím đen. Cô bị rắn độc cắn, đã vào tim, chắc khó qua khỏi.
Các cụ từ vùng quê vải thiều Hải Dương, đi dân công hỏa tuyến và bộ đội đánh trận Điện Biên Phủ nên duyên cùng cô gái Thái đẹp nhất vùng. Đây là miền gái đẹp nổi tiếng, có tên trong sách của người Tây.
Hai mẹ con là hậu duệ thứ mấy của miền gái đẹp. Người mẹ búi tằng cẩu, điện thoại di động đeo ở túi thổ cẩm nhỏ xíu trễ xuống giữa khuôn ngực bo chặt căng tròn. Nịt vú của con gái Thái rất chặt.
Tiếng nói của người mẹ nhỏ mà dịu chẳng ai nghe được gì. May có bệnh án và cô bác sĩ thông minh từng ở Tây Bắc phiên dịch cho.
Cô gái là hoa khôi của bản, học giỏi, tươi tắn như bông hoa lan rừng. Bố mất sớm, không có điều kiện học lên đại học, cô vào ngành may, là thợ giỏi cấp tỉnh. Vừa rồi do suy thoái kinh tế, công nhân nghỉ việc, cô về nhà may với mẹ. Cửa hiệu của hai mẹ con nổi tiếng, khắp vùng tìm đến may, Tây Tàu cũng tìm đến. Bộ đồ Thái do hai mẹ con cải tiến đi một chút được xếp vào hàng mẫu. Bên Pari, Tokyo, Bắc Kinh cũng tìm sang mua.
Tháng rồi chuẩn bị Hội thanh minh bản Thái, to lắm, vui lắm, làm không hết việc. Hai mẹ con làm cả ngày sang đêm. Cửa hiệu bên bờ suối Hoa trong xanh đẹp nổi tiếng. Đêm định mệnh đã đến, người mẹ chừng ba giờ sáng, linh tính điều gì giục con gái chợp mắt. Cô ngồi bàn máy, mặc bộ lụa trắng rộng. Con chuột từ bờ suối chui tọt vào quần, lao theo là một vật gì dài như sợi mây rừng cỡ lớn. Con rắn độc đuổi ăn con chuột, thốc hẳn vào. Nọc độc. Cô gục xuống tím tái, tưởng là chết ngay đêm ấy.
Từ bản Thái xinh đẹp xa xôi tìm đến đây, e là quá muộn. Nọc độc thấm hết vào tim cô gái nằm kia.
4. Đến thời tin nhắn di động nhảy xổ lên vào bàn mổ, nhảy vào bệnh viện. Tôi cho nó nhảy luôn vào truyện ngắn này.
Cái bàn phẫu thuật dài như tầu lá chuối rừng, phủ nhựa trắng. Trong khi anh bác sỹ trẻ đẹp, dáng như một quân y ở chiến trường, cạo cái vết thương ở bàn chân của tôi vừa gây tê xong xoàn xoạt như da trâu, khen tôi chịu đau giỏi; thì điện thoại túi ngực tôi rung tin nhắn: “Đáng chúng ta hạnh phúc tuyệt vời..., Em đã xuất gia, phải... phải... phải... Con của chúng ta ...phải... phải... phải...”. Đang đau. Của ai thật vô duyên.
Lối nhắn tin ầu ơ ma giáo như mũi tên độc trúng đâu hay đó, lại như lối thông báo gây dư luận áp lực của người đời. Mãi sau mới biết của thằng cháu rể làm thầu xây dựng, lấy cô con gái rượu của bà chị. Gây sự, cảnh sắp ly hôn.
Đang đau, phải xuống ngay bàn mổ dù lúc này tan dần thuốc tê, choáng váng. Nhường chỗ cho một bà như người vừa Tàu vừa Tây, bị thằng rể xô ngã gãy xương hông trái. Năm ngoái bị láng giềng xô ngã giập xương hông phải. Cấp cứu gấp. Hai ca đại phẫu thuật cuộc đời!
5. Tít cuối buồng bệnh nửa sáng nửa tối như âm phủ nhưng vẫn thấy được người đàn ông ngồi lù lù kia trạc tuổi hưu. Thấy được ông bận bộ comple như quan chức, cái áo vét đen còn mới, nhưng cái quần nhàu nát cực trái ngược. Hình như ông chuyên “tè” ra cả quần. Còn thấy cái cà vạt đỏ ông treo đầu giường bệnh, cũng đã cũ màu.
Thực ra đó là gương mặt rất đàn ông, da đen trũi, sống mũi to nhưng nhìn được, đôi mắt buồn nhìn trễ nải tỏ sự hiểu đời, hiểu mình. Chỉ có thanh âm cán bộ chưa dứt hẳn. Vẫn đến chói tai. Nói với giường bên, chỉ là đống chăn chẳng hiểu ma hay người: “Hồi ấy tớ là phó giám đốc tổ chức mà!”. “Từng đề cử giám đốc sở mà”. “Nhưng tớ từ chối mà!”... Toàn những chữ mà vừa quan chức tờ mờ vừa bình dân, không theo cấu trúc ngữ pháp nào.
Ma đắp chăn cựa quậy:
- Vì sao vậy ông già? Dại thế?
Trả lời:
- Vì biết mình có tật mà. Khoản rượu và gái.
Vùng trung du này cũng là vùng gái đẹp. Rượu ngon nổi tiếng.
Người đàn ông là bác sỹ trẻ học trường Đại học Y khoa Hà Nội, cùng khóa với người bác sỹ anh hùng Đặng Thùy Trâm. Một bên vào chiến trường Nam, một bên lên phía Bắc. Tấm ảnh lưu niệm quí giá lớp bác sĩ trẻ ấy còn nằm trong chiếc ca táp mòn cũ ở góc giường kia. Linh hồn cô Trâm bao giờ cũng phù hộ cho người bạn học, trong đó có ông.
Quả vậy, ông bị hổ vồ, rắn và trăn độc cắn, lẽ ra chết chục lần rồi. Vẫn thoát thân. Tự phong mình là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Anh bác sĩ trẻ miền xuôi lên vùng rượu ngon và gái đẹp, quả là Võ Tòng, là Lương Sơn Bạc thật. Xứ này của ngon vật lạ, như cõi tiên.
Nhưng rồi cõi tiên bao giờ cũng là cõi họa.
Các chất dồn tụ xuống dưới, cái xuất được thì ào ào như nguồn suối, gái bản được hưởng, sướng đến phát điên. Cái không xuất được thì dồn đọng lại trong người. Đâu lại về đấy, nó bao quanh bàng quang, bọc lấy tinh hoàn. Bác sĩ bị căn bệnh lạ lùng, khủng khiếp. Dương vật Trời cho khôi ngô thế, giờ biến dạng như bắp chuối rừng.
Chưa có căn bệnh nào lạ như vậy, của đàn ông, trong giáo trình Y khoa.
6. Nơi này có khuôn hồ nước xanh đầy cây lá vàng đẹp hơn nhiều cảnh mỹ lệ của danh họa Lê-vin-tan. Đẹp hơn hồ cây bên Hàng Châu, bên Tây và các nước Trung Á, Bắc Á... mà tôi đã đi qua nhiều lần.
Bên kia hồ là quán cơm như chiếc thuyền buồm cổ. Có hai người đàn bà còn trẻ làm ở đấy. Có thể là mẹ con, chị em hoặc dì cháu. Tôi ma mãnh biết tên cô chủ là Xoan, còn lưu cả số điện thoại di động và điện thoại bàn vào đấy cho chắc ăn.
Chợt nhớ câu thơ Hán xen Việt:
Tố hoạn nạn hoành hồ hoạn nạn
Ngựa tái ông họa phúc biết về đâu.
Ngồi bên này hồ, ngẫm ứng quá. Sáng tôi ăn cháo vịt, trưa và chiều ăn cơm, thứ gạo ngon chưa từng có. Cả đời từ bé chưa bao giờ ăn ngon như thế. Chân què, cô độc, không ai dìu, không ai sửa túi nâng khăn, mà ngồi bên này ăn uống sướng hơn Vua Mèo, Vua Thái, Vua Tây xưa nhiều lần.
- A lô. Em Xoan à. Anh Việt đây. Cho anh món canh cá nhé!
- Em Xoan đây. Anh tinh thế. Đất đây có cá hồi nổi tiếng đấy. Em sẽ chiều anh. Chờ em nhé!
Một chốc cô gái dáng nhỏ gầy bận áo đỏ xách cặp lồng đi men hồ. Đến gần mới biết đây là cháu gái đang còn nhỏ nhưng đã dậy thì. Cái nịt vú Thái như muốn bung ra. Cô cúi chào, chiếc cặp lồng tỏa mùi canh cá thơm dậy hương thìa là rau ngổ. Cô bé thơ ngây đến mức không tưởng tượng được:
- Mời chú xơi cho nóng vơ!
Bên kia cô Xoan áo trắng lấp ló qua cửa như một cánh hoa ban.
- Chú xơi cho nóng vơ!
- OK. Cảm ơn cháu nhiều!
- Hôm nào chú cũng ngồi đây vơ. Chú ăn suất ngon thế. Chú là tử tù à?
- ...!!!
- Nơi chú ngồi hôm kia có người chết đuối đấy. Cái ông gì trong buồng bệnh đã gần bảy mươi, mà bị HIV, đêm nhảy xuống hồ đây tự vẫn. Vớt xác lên chính nơi chú ngồi đấy.
Tưởng gì. Cái ông cán bộ già, huơ huơ tờ xét nghiệm máu như tờ giấy quyết định đề bạt này thì tôi biết rồi hôm nhập viện.
Đang giao lưu với cô gái nhỏ. Con gì mình dài kỳ dị đen trũi như mãng xà khổng lồ quẫy một vòng làm mặt nước hồ chao sóng tung tóe xóa cả cái bóng hoa ban trắng của cô Xoan ở bờ bên kia...
Người ta bảo chính hồn cái ông xấu số ấy quẫy lên, đòi được sống. Đêm vừa rồi quẫy mạnh lắm. Trăng rằm thì tuyệt đẹp. Ai cũng quẫy lên mà sống, không ai chịu ai mà.
Toàn những chuyện ghê sợ. Sao có thể bình thường được trước bệnh trọng, trước tình cảnh cái sống cái chết cận kề, ở cái nơi mà bóng hình thần chết luôn lảng vảng đi tuần, cái nơi Người và ma chen nhau đi lại trong phòng bệnh chật chội, đầy dây dợ ấy?
Nhưng ở đó, cuộc sống vẫn lóe lên những tia diệu kỳ. Vẫn có thơ và nụ cười. Mặc kệ sống/ chết. Hoán đổi. Luân hồi. Vẫn có nụ cười và khuôn ngực đàn bà lấp ló.
|
Phan Cung Việt có tài kể những câu chuyện kỳ dị, trái khoáy một cách nhẹ nhàng. Đằng sau tất cả, là cái cười nụ nhưng tinh quái. Ông thuộc loại nhà văn, như tôi thầm xếp loại, già không đều. Và viết văn tự nhiên, tự do, tự tung, tự tác và cả tự sướng.
Nhưng ông biết cách làm người đọc sướng.