Quanh kết luận thanh tra về dự án Thủ Thiêm: Ai chịu trách nhiệm?

TP - Mấy hôm nay, hàng chục người dân TPHCM đang khiếu nại về việc giải tỏa, thu hồi đất trong dự án khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm thức dậy rất sớm, tranh thủ đi mua báo rồi hẹn nhau trong một quán nước để bàn luận xung quanh kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án này. Họ muốn các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm cá nhân sai phạm.

Nước mắt hạnh phúc, tủi hờn…

Sáng 9/9, trong quán nước gần cầu Trắng (Quận 2), ông Hoàng Thăng Long, một người dân đang khiếu nại nói vẫn còn cảm giác lâng lâng khó tả sau khi đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cả gia đình ông đã rất vui và nghĩ đến ngày được cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại theo đúng pháp luật, đem lại cuộc sống hạnh phúc, bình yên cho nhiều hộ dân sau nhiều năm khiếu kiện mỏi mòn.

“Tối qua, nhiều người dân đã gọi điện thoại động viên nhau, nghẹn ngào, thậm chí nhiều người đã khóc vì hạnh phúc. Kết luận của Thanh tra phần nào giảm áp lực cho người dân, là kết quả ban đầu sau hơn chục năm đấu tranh đòi lại công lý”, ông Long nói.

Đại tá Hồng Minh Hải (69 tuổi) cho biết, sau khi đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ ông rất mừng nhưng vẫn cảm thấy lo vì kết luận vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng.

Dân quay lại thắp hương nơi ông bà từng yên nghỉ.

Ông Lê Văn Lung, hộ dân nằm trong khu 4,3 ha (Khu phố 1, phường Bình An) cho hay đang kiện ra tòa án quận quyết định hành chính của UBND Quận 2 về bồi thường giải tỏa nhà đất của gia đình ông trái pháp luật và tin rằng mình sẽ thắng kiện trong phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 19/9 tới vì kết luận thanh tra đã nêu rõ nhà đất của ông ngoài ranh quy hoạch, đúng lý ra sẽ không bị thu hồi. Nguyện vọng của ông và bà con ngoài việc giải quyết khiếu nại thấu tình, đạt lý thì các tổ chức, cá nhân đã làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý nghiêm theo quy định.

Còn nhiều khoảng mờ

“Bà con vui mừng vì khiếu nại hàng chục năm nay đã được giải quyết. Tuy nhiên, ngoài 9 hộ dân có đất trong khu 4,3 ha kết luận thanh tra đã chỉ rõ là chính quyền địa phương đã làm sai, nhà đất của hơn 100 hộ khác cũng ở khu phố 1, phường Bình An, không nằm trong khu 4,3 ha chưa được nhắc tới. Căn cứ vào bản đồ quy hoạch thì cả khu phố 1 nằm ngoài ranh quy hoạch chứ không chỉ có khu 4,3 ha. Kết luận của Thanh tra nhiều vấn đề chưa rõ nên chúng tôi sẽ tiếp tục

“Chúng tôi có thiện chí đề nghị TPHCM giải quyết bằng cách hoán đổi đất của những hộ bị cưỡng chế, những hộ chưa bị cưỡng chế nhưng đã có quyết định cưỡng chế. Thành phố nên gom những căn nhà này về một khu đất có giá trị ngang miếng đất cũ nhằm khắc phục hậu quả chính quyền đã gây ra”.
Ông Lê Văn Lung, người dân Thủ Thiêm

kiến nghị làm rõ mọi chuyện”, ông Lung nói.

Bà Lê Thị The (75 tuổi) nói: Đất ngoài ranh quy hoạch là từ dưới cầu Thủ Thiêm tới đường Trần Não, nhiều lắm, không chỉ có khu 4,3 ha. Một số bà con ở phường An Khánh, Bình Khánh không nằm trong quy hoạch, thu hồi là sai nhưng không thấy kết luận thanh tra đề cập. Nhiều người chắc sẽ lại lặn lội ra Hà Nội. Cứ đi đi lại lại, gần hết đời người rồi việc vẫn chưa xong cảm thấy buồn quá.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tại thời điểm này ông vẫn chưa chính thức nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ nên UBND TPHCM chưa thể thông tin cụ thể. Còn Chủ tịch UBND Quận 2 Nguyễn Phước Hưng nói đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM.

Còn ông Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM (người trực tiếp ký Quyết định 13585) cho biết đã nghỉ hưu hơn 20 năm, bản thân ông không lưu giữ hồ sơ nên sắp tới ông sẽ nhờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) rà soát lại để xem xét trách nhiệm của cơ quan Kiến trúc sư trưởng và cá nhân ông thời điểm đó.

Nhà dân trong khu 4,3 ha bị cưỡng chế giải tỏa (Theo Kết luận Thanh tra diện tích này nằm ngoài ranh quy hoạch của dự án KĐT Thủ Thiêm)

Theo ông Lê Văn Năm, khi ký duyệt bất cứ cái gì liên quan đến dự án KĐTM Thủ Thiêm, cá nhân ông luôn tuân thủ các trình tự, thủ tục quy định. “Lúc đó UBND TPHCM giao Kiến trúc sư trưởng ký các quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2.000. Riêng đối với dự án KĐTM Thủ Thiêm, tôi thấy lớn quá nên đã trình UBND TPHCM, nhưng sau đó UBND TPHCM có văn bản giao lại yêu cầu tôi làm”, ông Lê Văn Năm kể.

Nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM khẳng định nếu có thiếu sót, bản thân ông sẽ phải chịu kiểm điểm cá nhân. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cách đây đã lâu, hiện nay mọi thứ đã thay đổi nhiều nên ông không thể nắm rõ việc ký Quyết định 13585 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 KĐTM Thủ Thiêm có đúng thẩm quyền hay không.

“Hiện tôi là người dân bình thường nên không có chức năng, thẩm quyền gửi báo cáo lên UBND TPHCM. Muốn báo cáo, tôi phải gửi ý kiến lên cơ quan cũ, nay là Sở QH-KT để báo lên Chủ tịch UBND TPHCM. Hiện nay, tuổi tôi đã cao nhưng với vai trò là người từng tham gia thực hiện dự án, tôi sẽ cùng với Sở QH-KT kiểm tra, rà soát lại những văn bản liên quan từ năm 1998 đến nay”, ông Năm khẳng định.

Liên quan đến Quyết định số 13585, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh nói cần phải xem kỹ hồ sơ chứ lâu rồi ông cũng không nhớ. Lúc ông còn đương chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Vũ Hùng Việt được ông giao theo dõi dự án KĐTM Thủ Thiêm.Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với phần diện tích 4,3 ha này là chưa đủ cơ sở pháp lý. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TPHCM xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm, đồng thời rà soát từng trường hợp cụ thể để có cách giải quyết phù hợp.

Cần tiếp tục làm rõ hơn

Toàn thành phố đang họp, đang nghe báo cáo lại vụ Thủ Thiêm một cách chi tiết, tường tận nên tôi chưa thể nói, phải chờ họp một cách đầy đủ. Ngoài những nội dung công khai rồi còn rất nhiều thứ, phải nghe tường tận mới nói được.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM

Nói chung, kết luận của Thanh tra Chính phủ nếu nói đáp ứng tất cả mong mỏi của người dân Thủ Thiêm thì chưa đạt được vì vẫn còn cự ly này, cự ly khác; mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp khiếu nại khác nhau. Mới có ngần ấy nội dung thì làm sao thỏa mãn được. Tuy nhiên, trước mắt thì cũng cần có thông tin. Đây mới là giai đoạn 1, sau đó mới làm rõ từng phần. Trong nội dung thanh tra cũng nói rõ đây mới là giai đoạn 1 là làm rõ xung quanh những nội dung mà cử tri khiếu nại. Dĩ nhiên sắp tới sẽ còn làm những bước tiếp theo.

Lấy 160 ha đất tái định cư cho doanh nghiệp - phải làm tới cùng
Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phải giải quyết thỏa đáng những vấn đề bức xúc của người dân, bên cạnh Thanh tra Chính phủ và chính quyền địa phương.

TS Trần Quang Thắng, Đại biểu HĐND TPHCM

Người dân hoàn toàn có lý khi đấu tranh. Bà con phải chịu ấm ức, thiệt thòi quá lâu rồi. Thanh tra Chính phủ đã xử lý đúng chức năng, thẩm quyền, các đơn vị cá nhân nào làm sai thì phải có hình thức xử lý phù hợp, tương xứng. Việc đem 160 ha đất tái định cư của dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án gây khiếu kiện từ phía người dân, phải giải quyết tới cùng. Vừa qua, chính Bí thư Thành ủy đã trực tiếp lắng nghe bà con. Lòng dân là quan trọng, là gốc của mọi vấn đề. Xét cho cùng, nhiều kiến nghị của người dân là hợp tình, hợp lý. Có thể là trước đây quy hoạch chưa bài bản, tầm nhìn chưa bao quát; người làm chức năng quy hoạch cũng chưa làm tròn vai trò của mình, còn chủ quan… chủ quan tới đâu thì sắp tới các cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm tra, xử lý đem lại niềm tin cho cộng đồng xã hội.

Là đại biểu HĐND TPHCM, tôi mong quá trình giải quyết phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Thứ nhất, giải quyết bức xúc của người dân đúng quy định và trình tự của pháp luật. Luật chi phối đời sống người dân và cả hệ thống chính trị, không loại trừ ai. Trường hợp Luật chưa đáp ứng thì phải xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, sao cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo và phải hoàn thiện hơn.

Thứ hai, phải công khai minh bạch mới kêu gọi được sự đồng thuận của người dân. Thứ ba, phải đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên. Khi thành phố phát triển một dự án nào thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích về nguồn thu cho nhà nước, lợi ích cho nhà đầu tư và lợi ích mang lại cho người dân khi họ phải hy sinh, phải bàn giao nhà đất, thay đổi chỗ ở, học hành, … Cần được đền bù cho dân thỏa đáng. Nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thứ tư, dự án phải mang ý nghĩa phát triển bền vững. Dự án khi triển khai, kinh tế xã hội phải phát triển hơn, cuộc sống người dân tốt hơn. Nếu không đảm bảo đúng bốn nguyên tắc này thì dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Phải đặt mình vào vị trí người dân để hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con.

Kết luận thanh tra chưa đầy đủ 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ có một số thông tin chưa đầy đủ về quy hoạch. Tuy nhiên đó chỉ mới là báo cáo thanh tra, để có hiệu lực thì phải trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng ý.

Ông Lê Văn Lung, người dân Thủ Thiêm
Thanh tra Chính phủ khi thanh tra chưa gặp người dân dẫn đến có những kết luận chưa đúng, chưa đủ. Chúng tôi đã chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu pháp lý để tiếp tục trình lên cơ quan chức năng. Những đơn vị, cá nhân phá nát quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mọi chuyện phải làm cho ra ngô, ra khoai. Ai sai phải bị xử lý. Ngoài ra, chính quyền phải lập đoàn thanh tra liên ngành để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư người dân.