Quanh chuyện siết phim thi quốc tế 'chui'

TP - Bất chấp quy định phim dự thi quốc tế cần qua thẩm định của Cục Điện ảnh, nhiều nhà sản xuất “tiền trảm hậu tấu” gửi thi rồi chịu phạt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) mong muốn siết phim “vượt rào”, trong khi đó các nhà làm phim trẻ kỳ vọng được gỡ bỏ rào cản thẩm định.
“Cha cõng con” được cấp phép phổ biến rồi mới “chinh chiến” nhiều LHP quốc tế

Siết phim “vượt rào”

Phim Vị của đạo diễn Lê Bảo được giải thưởng ở hạng mục Encounters khuyến khích góc nhìn mới (LHP Berlin 2021), nhưng bị cấm phổ biến tại Việt Nam. Vị nối dài danh sách phim chịu phạt vì dự thi quốc tế không qua thẩm định cấp phép phổ biến của Cục Điện ảnh. Trước đó có thể kể tới Ròm, Vợ Ba đều nhận án phạt vì chưa có giấy phép phổ biến khi đem thi ra quốc tế, ẵm giải rồi về nước tiếp tục chỉnh sửa phim trước khi được cấp phép chiếu rạp.

Phim “Ròm” mang danh “thi chui” chấp nhận chịu phạt, được cấp phép phổ biến sau khi qua chỉnh sửa

Luật Điện ảnh hiện hành quy định “phim tham dự LHP quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh- truyền hình”. Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, phim không phép phổ biến dự thi nước ngoài để lại “di chứng” phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng siết chặt. “Những quyết định xử phạt hành chính vài chục triệu đồng đối với một vi phạm lớn như hiện nay là quá nhẹ”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu cơ quan chức năng như Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ rà soát, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi và răn đe để lấp đầy các kẽ hở. Các quyết định xử lý vi phạm hành chính dành cho tác phẩm “vượt rào” thực tế mới chỉ thực thi đối với nhà sản xuất, phát hành, trong khi các thành phần sáng tạo tham gia làm phim, phát hành phổ biến phim lại chưa bị xử lý. Vụ trưởng Vụ pháp chế đề xuất, bên cạnh rà soát, tăng cường các giải pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm, cần thiết có biện pháp chấn chỉnh các doanh nghiệp điện ảnh, nhà sản xuất nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... đều có quy định nghiêm ngặt về hành vi vi phạm phát hành và chiếu phim chưa có giấy phép; thay đổi nội dung phim sau khi có giấy phép phổ biến, phát hành và phổ biến; cung cấp phim chưa được cấp phép phổ biến tham gia các liên hoan phim. Những hành vi này bị xử lý rất nghiêm khắc. Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho rằng đó là bài học để Việt Nam nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh Bộ đang soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.

Khó tìm tiếng nói chung

Câu chuyện quản lý phim dự quốc tế luôn trong thế giằng co giữa một bên là nhà quản lý, phía bên kia là các nhà sản xuất, nhà làm phim. Phần lớn phim không qua cấp phép phổ biến đi thi quốc tế đều của các nhà làm phim độc lập, nhà làm phim trẻ. Người trong cuộc có lí lẽ riêng, bày tỏ cái khó khi phải mang tiếng “thi chui”.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu cơ quan chuyên môn cần nghĩ tới những biện pháp mạnh như đình chỉ hoặc rút giấy phép có thời hạn, tùy thuộc mức độ vi phạm của nhà sản xuất, nhà làm phim. Bộ yêu cầu bổ sung quy định này trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, siết chặt quản lý việc đưa phim dự các LHP ở nước ngoài.

Đạo diễn Trần Thanh Huy (Ròm) cho biết: phim muốn có mặt trong vòng tranh giải chính thức ở các LHP quốc tế cần mất 6-8 tháng chờ đợi. Nhiều khi phải chờ tới lúc phim có tên trong danh sách tranh giải, nhà sản xuất mới có thêm kinh phí đầu tư để hoàn thiện. Hội đồng duyệt phim luôn yêu cầu bản phim hoàn chỉnh để thẩm định, vì thế các nhà làm phim độc lập thường chọn con đường cứ dự thi trước, chấp nhận chịu phạt. Thêm nữa khi gửi phim dự thi, nhà sản xuất có xin rút phim thì khi này quyền quyết định nằm trong tay nhà tổ chức quốc tế. Nhà sản xuất Ròm từng xin rút phim dự giải LHP Quốc tế Busan nhưng không được BTC chấp thuận.

“Tôi hy vọng các nhà quản lý tháo gỡ quy trình kiểm duyệt phim dự thi quốc tế, như vậy các nhà làm phim có thể đường đường chính chính ra quốc tế. Bởi tác phẩm là tiếng nói cá nhân tham gia cuộc chơi của cộng đồng làm phim. Còn chuyện cấp phép phổ biến phim chiếu rạp theo quy định nhà nước lại là chuyện khác. Đó là điều cần thiết và nên làm”, đạo diễn Trần Thanh Huy nói.

Tuy nhiên đứng dưới góc độ các nhà quản lý, hội đồng thẩm định phim lại đề cao bước kiểm định đối với phim đưa ra quốc tế. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thành viên Hội đồng thẩm định và phân loại phim cho rằng, phim được ra ngoài biên giới cần được sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng để đảm bảo phim không xúc phạm dân tộc, đất nước, thể chế. “Vì sự khác biệt văn hoá cho nên một bộ phim được phổ biến ở quốc gia này lại không được phép phổ biến ở đất nước khác là bình thường. Ví dụ như phim có ý xúc phạm tôn giáo có thể làm bùng nổ những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế, gây thiệt hại cho cả hai phía”, bà Trịnh Thanh Nhã nói.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng việc các nhà làm phim “ngó lơ” quy định Luật Điện ảnh là một cách cười nhạo vào bộ luật. Các cơ quan chức năng cần có chế tài đủ mạnh đối với hành vi “ngó lơ” này. Trước câu hỏi liệu có giải pháp hài hòa giữa quản lý nhà nước và sự tự do sáng tạo của các nhà làm phim, bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng không ai bó chân bó tay ai cả, nếu các nhà làm phim có thiện tâm và yêu dân tộc đã sản sinh ra mình.

“Dân tộc nào, đất nước nào cũng có bản năng tự vệ văn hoá. Tôi nghĩ các nhà làm phim nên nhìn nhận lại vấn đề, đừng chiều chuộng những đôi mắt tò mò của một bộ phận giám khảo nước ngoài đầy định kiến với đất nước, xã hội và văn hoá Việt. Lịch sử Việt Nam với những khúc mắc mang tính định mệnh đã tạo nên một dân tộc mềm mại như nước, kiên cường như nước. Bản sắc ấy có dư địa vô cùng rộng lớn để khai thác và xây dựng những câu chuyện đẹp”, bà Nhã nói.