Thông báo của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình ghi ngày 14/7, sau khi báo Tiền Phong đăng bài phản ánh: “Nhiều phụ huynh học sinh phản ứng gay gắt về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10”. Theo đó, sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn Quảng Bình đã có những phản ứng gay gắt về kỳ thi này. Nguyên nhân, nhiều học sinh có học lực khá, giỏi, có điểm thi cao nhưng không thể trúng tuyển. Ngược lại, nhiều học sinh có học lực không tốt, điểm khi thấp nhưng lại trúng tuyển.
Thông báo của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình thừa nhận kỳ thi tuyển sinh năm nay có những bất cập, hạn chế cần giải quyết. “Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, sau khi tuyển sinh sơ bộ, bước đầu tổng hợp thấy có hàng trăm học sinh có học lực giỏi, khá, có kết quả thi tốt, có nguyện vọng chính đáng vào học trường THPT nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển.
Trong khi đó, một số lượng học sinh có kết quả học tập trung bình, thi đạt kết quả thấp nhưng trúng tuyển.
Sự bất cập đó gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục THPT, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương phân luồng giáo dục gây bức xúc dư luận” – văn bản thông báo nhận định.
Văn bản thông báo cũng chỉ ra nguyên nhân: Trong triển khai thực hiện quy chế tuyển sinh còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không kịp thời phát hiện bất cập từ khâu đăng ký tuyển sinh để điều chỉnh phương pháp tuyển sinh cho phù hợp.
Để giải quyết vấn đề bất cập nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu: Thực hiện tăng sĩ số lớp học ở một số trường có đông thí sinh chưa trúng tuyển từ 42 lên 45 để tạo điều kiện cho những học sinh có nguyện vọng và đủ tiêu chuẩn vào học các trường THPT.
Xem xét, đề xuất giao bổ sung lớp ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Đồng Hới có đủ điều kiện về biên chế giáo viên, cơ sở vật chất theo quy định. Tất cả các giải pháp trên cần đảm bảo chủ trương phân luồng giáo dục của Đảng, Nhà nước và các quy định của Bộ GD&ĐT, để không có học sinh nào sau tốt nghiệp THCS phải nghỉ học vì không có trường lớp.
Như Tiền Phong đã thông tin: Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022, tỉnh Quảng Bình đã chọn phương án tổ chức thi kết hợp với việc xét tuyển học bạ đối với các thí sinh tham dự. Các thí sinh có quyền đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) vào trường mình yêu thích, nếu không trúng tuyển thì được xét tiếp NV2 vào một trường khác.
Thực hiện theo phương án này, ngay sau kỳ thi đã phát sinh một vấn đề khá gay cấn. Nhiều học sinh dự thi NV1 tại các trường điểm, với kết quả thi và học bạ của các năm học THCS khá cao nhưng vẫn không thể vào được các trường NV2 như đăng ký. Ngược lại, các trường THPT khác trên địa bàn nhiều học sinh NV1 mặc dù điểm thi rất thấp, cá biệt có những học sinh có môn chỉ đạt 0,25 điểm nhưng vẫn trúng tuyển.
Sở dĩ những em học sinh thi tại các trường điểm mặc dù có điểm cao nhưng không thể trúng tuyển NV2, bởi vì các trường THPT được quyền xét tuyển hết NV1 và khi thừa chỉ tiêu mới tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2. Và kết quả sau khi xét tuyển NV1, có trường chỉ còn 4 - 6 chỉ tiêu cho NV2, thậm chí có trường không còn NV2 để xét tuyển.