Chuyện 'gián điệp Quảng Bình' Nguyễn Tư Thoan

0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Tư Thoan và một số đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Bình chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đồng chí Thoan đứng thứ ba bên phải)
Đồng chí Nguyễn Tư Thoan và một số đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Bình chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đồng chí Thoan đứng thứ ba bên phải)
TP - Trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió. Lại là thứ gió lành, khỏe khoắn phóng đãng ùa lên từ phía sông Nhật Lệ những tưởng chỉ có thỉu đi trong đêm hạ gấp gáp ghé đất Quảng Bình. Nhưng chúng tôi, trong đó có nhà thơ Hoàng Vũ Thuật – một dân viết kiêm thổ công quê Bọ thì càng gió càng say chuyện xuyên đêm.

Kỳ I: Cú hích cho Quảng Bình quê ta ơi

Chuyện những khúc nhôi này khác về tên người tên đất cổ kim xứ Bọ. Chuyện gần chuyện xa thế nào mà cả bọn đều nhất trí, đám quan lại trước nay chỉ có Bí thư Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan là độc đáo nhất! Mà lạ hầu hết trong số khách đêm là dân viết miền ngoài ít nhiều ai cũng loáng thoáng biết về cái giai thoại gián điệp của vị Bí thư này?

Chừng như bị kích gợi cái sự tò mò bởi cái cười hào phóng hồi đêm của Hoàng Vũ Thuật thì tui cho các ông hẳn số điện thoại của cô con gái ông gián điệp để tha hồ mà chuyện nhá…

Hôm sau tôi bấm số máy và may mắn được một cái hẹn. Tại thành phố Đồng Hới, người con gái đầu của Bí thư Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan tiếp tôi ngay tại nhà. Căn nhà mà như chị nói phải mấy lần di chuyển cùng tạm bợ giờ mới tạm tươm tươm.

Ông bà Thoan có 7 người con, bốn trai ba gái. Con gái cả là chị Nguyễn Thị Thu Thủy đây, tuổi Tý sinh năm 1948. Cái câu mà người ta vẫn nói, người cha thường tìm thấy hình bóng mình ở người con gái chả biết trúng trật tới đâu nhưng có lẽ chị là người con gắn bó và hiểu cha mình nhất, được ông quan tâm và sẻ chia nhiều tâm sự. Chuyện này xin được nói ở phần sau!

Cuốn album ảnh gia đình bìa đã ngả nước thời gian xuộm vàng như trích ngang lý lịch của một quan chức hàng tỉnh từng là Bí thư suốt từ năm 1951 đến năm 1974.

Ông Nguyễn Tư Thoan tham dự Hội nghị tại Việt Bắc năm 1952 chụp ảnh chung với Bác Hồ. Ông Thoan ra Hà Nội làm việc với Bác Tôn ở Hà Nội. Ông Thoan cùng Đoàn đại biểu Quảng Bình chụp chung với lãnh đạo Đảng - Nhà nước. Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về Quảng Bình làm việc với ông Thoan và lãnh đạo Quảng Bình. Ông Thoan dẫn đầu đoàn đại biểu Quảng Bình tham quan miền Bắc tháng 6 năm 1966 chụp chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Rồi với nhà thơ Tố Hữu, với Bộ trưởng Xuân Thủy tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua Hai giỏi 4 năm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tháng 2 năm 1969. Ảnh ông Thoan với bộ đội, dân quân thì nhiều lắm. Sắc nét hơn cả là tấm ảnh với đơn vị pháo binh tỉnh tháng 11 năm 1965 vv…

Tôi cố gắng lật giở cùng săm soi nhưng không tìm thấy cái ảnh nào Bí thư Nguyễn Tư Thoan chụp với nhạc sĩ (NS) Hoàng Vân cả? Bởi đang chợt nhớ lần đến tư gia nhạc sĩ Hoàng Vân ở phố Bờ Sông. Lần ấy được NS cho một cái hẹn để làm việc. Nội dung buổi gặp vẻ như chả dính chi đến âm nhạc? Đó là tìm hiểu một Hoàng Vân thư pháp. Ngạc nhiên cùng thảng thốt trước một nhạc sĩ Hoàng Vân từ rất lâu đã sở hữu một ngón chơi, một phong cách thư pháp khá ấn tượng. Thư pháp dường như phương tiện, một thông điệp tinh tế để truyền tải cảm xúc của nhạc sĩ? Cũng na ná như nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn thỉnh thoảng phải vớ lấy cây cọ vẽ ấy mà.

Chuyện xa gần thế nào mà cuối buổi lại trở lại với những năm Hoàng Vân lăn lộn ở tuyến lửa Khu Tư.

Đó là cuối năm 1964, nhóm nhạc sĩ vào đất lửa Quảng Bình trong đó có Hoàng Vân. May họ gặp được Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan một người vốn khá luyến ái với giới văn nghệ luôn trực tiếp hỏi han động viên rằng Quảng Bình sẽ cố hết sức để tạo điều kiện cho các nhạc sĩ hoàn thành nhiệm vụ!

Nhiệm vụ ở đây các NS phải xác định rằng phải có bài hát có nhạc phẩm để xứng đáng với sự chịu đựng gian khổ hy sinh của bà con đất lửa. Gần một tuần trôi qua, lăn lộn hết lên rừng lại xuống bể lang thang khắp các trận địa của bộ đội bờ biển lẫn dân quân tự vệ mà trong đầu lẫn khuông nhạc trong cuốn sổ tay của NS Hoàng Vân vẫn trống vẫn vắng một thứ cảm xúc, biết nói như thế nào nhỉ, phải máu thịt đích thực!

Chiều muộn, Bí thư Nguyễn Tư Thoan xuất hiện nơi sơ tán chỗ các NS tá túc. NS Hoàng Vân nhìn người Bí thư, vị tư lệnh, thủ lĩnh miền đất lửa nghe ông thân mật vồn vã thăm hỏi rằng các nhạc sĩ có gặp khó khăn chi không chợt cảm thấy như mình có lỗi. Những ngày vào Quảng Bình, NS từng nghe đồng bào chiến sĩ kể về con người này như một huyền thoại. Đảm nhiệm cương vị Bí thư tỉnh ủy từ năm 1961, gánh nặng chăm cho dân khỏi thiếu ăn thiếu mặc, lo cho dân bớt tổn thất trong bom đạn, nghĩ ra bao cách để dân phối hợp cùng bộ đội chiến đấu luôn đè nặng trên vai ông. Xe chưa qua nhà chưa tiếc. Cho không lấy thấy không xin... Không ngờ những câu nói mộc mạc và mệnh lệnh phát ra từ vị Bí thư Nguyễn Tư Thoan luôn ngày đêm lăn lộn với thưc tế ác liệt lại nhanh chóng thành quyết tâm, thành khẩu hiệu phổ biến rộng rãi khắp vùng tuyến lửa này!

Vui vẻ móc ra từ túi bao thuốc Tam Đảo đã nhàu Bí thư ân cần mời mọi người rồi bộc bạch rằng mình là người rất yêu văn nghệ thích mần thơ nữa… Vui chuyện Bí thư kể lại dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Quảng Bình để cùng ông xây dựng điển hình HTX nông nghiệp Đại Phong. Không ngờ Đại tướng là người rất mê cùng rất thạo khoản hò khoan Lệ Thủy dân ca Quảng Bình! Đêm đó ngược thuyền về Đại Phong, ông đã cùng Đại tướng thả sức hò khoan đối đáp gần như suốt đêm…

Chuyện 'gián điệp Quảng Bình' Nguyễn Tư Thoan ảnh 1
Vợ chồng ông Nguyễn Tư Thoan

Tò mò, NS gạ Bí thư thử trích vài đoạn hò khoan Lệ Thủy. Được lời như cởi bầu tâm sự cùng sở trường, một phần đêm ấy, trong căn hầm chữ A nơi sơ tán ở Cộn, trước sự đón đợi say mê của mấy ông NS, Bí thư Thoan đã căng lồng ngực hết mình chiều người nghe mà không để ý rằng, NS Hoàng Vân vừa nghe vừa hí hoáy ghi chép gì đó.

Đêm đó NS Hoàng Vân thức tới sáng. Và cả ngày hôm sau nữa. Chiều muộn ca khúc Quảng Bình quê ta ơi hoàn thành.

Có lẽ Bí thư Thoan chưa biết chi tiết này như lời bộc bạch của NS Hoàng Vân.

...Ngay sau khi viết xong bài hát, tôi đã ra ngay Hà Nội, dàn dựng và thu tác phẩm này với hợp xướng, dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam tại 58 phố Quán Sứ cùng với ca sĩ Kim Oanh. Đây là ca sĩ đầu tiên đã hát bài này và cũng là ca sĩ mà tôi thích nhất hát Quảng Bình quê ta ơi cho đến nay. Bài hát được lan tỏa khắp, phổ cập ngay lập tức và sau khoảng 2 năm thì tôi đã có vinh dự được biểu diễn báo cáo tác phẩm này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và toàn bộ Bộ Chính trị. Cũng vì bài hát này mà Tỉnh uỷ Quảng Bình đã tặng thưởng cho tôi một chiếc đài bán dẫn của Liên Xô rất giá trị! Nhạc sĩ Hoàng Vân cười hóm hỉnh.

Tôi hỏi luôn NS rằng có phải chút ngẫu hứng của vị Bí thư Nguyễn Tư Thoan đã làm nên cú hích? NS Hoàng Vân cười, vâng có lẽ tôi đã gặp may có được hoàn cảnh và cảm xúc. Gặng thêm rằng còn bí quyết chi nữa không? NS Hoàng Vân vẫn cái cười dễ dãi, có lẽ người ta đã nói cũng đúng cả. Là Quảng Bình quê ta ơi có ảnh hưởng bởi chất liệu âm nhạc dân gian, nhưng không phải là sự copy một làn điệu dân ca và đặt lời mới. Người NS phải rất chủ động biến hoá theo phong cách của mình. Như phải thể hiện được đặc trưng giọng nói của người dân miền Trung là sự thay đổi cao độ trong âm điệu. Đó là cái “chất” đất Quảng Bình ngữ điệu miền Trung là dấu sắc thường được luyến từ thấp đến cao… vv…

* * *

Chất giọng xúc động, chị Thủy đang hồi tưởng với khách chuyện cứ như cổ tích về người cha.

...Mỗi khi có khách quan trọng là ba mặc bộ com lê đen bên trong có cái sơ mi trắng tinh trông oách lắm. Nhưng bên trong tôi biết chiếc sơ mi chỉ còn… cái cổ! Hai ống tay hai hàng cúc của hai nửa vạt trước còn phía sau lưng rách tả tơi. Mấy lần mẹ tôi nói bỏ đi nhưng ba không chịu. Có lần cơ quan phân cho cái xe đạp ba nói đi mô đã có ô tô. Con cái thì cho chúng đi bộ cho hòa với chúng bạn. Còn xe đạp nhường cho cô chú mô chưa có.

Khi chuyển công tác ra Hà Nội ba tôi trả lại cái đài radio thứ tài sản rất có giá khi ấy. Và mẹ tôi “gánh” một gánh cật lực những thứ quà mang cái tên Kính tặng Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan dù quà to quà nhỏ giá trị nhiều hay ít. Ba nói người ta tặng cho Bí thư. Mình không làm Bí thư nữa thì trả cho đồng chí mới không nên giữ! Vật duy nhất ông giữ lại là chiếc bình hoa bằng xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên đất Quảng Bình …

Nhà tôi có những thứ mà hiếm nhà có! Như chiếc quạt chẳng hạn. Mẹ tôi nói đó là sản phẩm suốt mấy ngày hí hoáy của ba. Ba tôi cắt những mảnh vải xanh đỏ đủ màu ở những bộ quần áo cũ không thể mặc được nữa. Ba tôi đem khâu vào những thanh nan tre của cái quạt trước đây vốn bồi bằng giấy đã rách nát hết. Ba tôi khâu bằng chỉ đôi những mũi chỉ đều đặn khá chắc. Vậy là có những chiếc quạt vừa bện vừa chắc. Sau này tôi vẫn dùng mãi. Rồi chuyển nhà thất lạc đâu mất. Tiếc là tiếc vật kỷ niệm của ba!

Trong lúc chị Thủy chuyện với mấy ông bạn, tôi tranh thủ ngó qua tờ báo Văn Nghệ đã cũ viết về Bí thư Nguyễn Tư Thoan mà chị Thủy còn lưu được.

Một câu chuyện mộc mạc nhưng xúc động về Bí thư Nguyễn Tư Thoan. Tác giả từng là phóng viên báo Quảng Bình đã nhiều năm công tác bên cạnh ông Thoan. Một Nguyễn Tư Thoan đi đầu gương mẫu không sợ khó khăn gian khổ. Ông Thoan nói: Mình cũng da thịt như mọi người mình cũng sợ bom đạn nhưng Bí thư mà nhát sợ bom đạn thì hô hào quần chúng sao được nhất là những người thuộc cấp. Mình phải lên gân cốt cho họ nói họ mới nghe làm họ mới phục!

Một Nguyễn Tư Thoan rất sáng tạo và độc đáo và cực quyết đoán trong việc làm ăn. Đồng ruộng Quảng Trạch không có nước quanh năm hạn hán ông dẫn tất cả cán bộ của Ty Thủy lợi Quảng Bình lên Rào Nan chọn đoạn sông hẹp nhất ra lệnh đổ đất đá ngăn đập lấy nước tưới ruộng. Kỹ sư thủy lợi Trưởng Ty Thủy lợi xanh mắt mèo không dám can ngăn Bí thư tỉnh ủy. Tất cả phải tuân lệnh. Thế mà đến hôm nay đập Rào Nan vẫn vững chắc, đồng ruộng Quảng Trạch luôn luôn có nước tưới dân ấm no. Tác giả Phan Văn Khuyến sau này là Phó Tổng Biên tập báo Bình Trị Thiên đã thẳng thắn đề nghị phong thưởng công trạng và lập đền thờ cho Nguyễn Tư Thoan! n

Kỳ cuối (đón xem Tiền Phong Chủ nhật ra ngày 18/7/2021): Giải mã giai thoại gián điệp

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.