3 bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, trên địa bàn Hà Nội, Quân đội đã huy động hơn 1.500 người tham gia 22 chốt phòng, chống dịch Covid-19; triển khai 3 điểm cách ly công dân với 1.233 người đang cách ly. Cùng với đó, lực lượng vận chuyển công dân về các khu cách ly tập trung từ ngày 1/4 đến nay đã vận chuyển hơn 14.600 người.
Mặt khác, các đơn vị trong quân đội đã huy động 143 tổ lấy mẫu xét nghiệm; lập 7 phòng xét nghiệm với 25 máy xét nghiệm RT-PCR thực hiện nhận mẫu và xét nghiệm cho người dân Hà Nội với công suất hơn 10 nghìn mẫu/ngày. Từ ngày 11/8, các lực lượng Quân đội đã xét nghiệm 134.557 mẫu, phát hiện 24 mẫu dương tính; huy động 38 tổ tiêm vắc xin và 13 tổ hồi sức cấp cứu, đã tiêm được hơn 14 nghìn mũi vắc xin.
Để chủ động bảo đảm cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, đặc biệt là nhiệm vụ triển khai bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, Cục Quân y đề nghị Tổng cục Hậu cần đề xuất với Bộ Quốc phòng mua sắm tiếp 17 khoản trang thiết bị, vật tư với số tiền dự kiến hơn 183 tỷ đồng.
Nhằm sẵn sàng triển khai điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội, các Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng quốc gia sẽ sẵn sàng triển khai 300-500 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch ở mỗi bệnh viện.
Các Bệnh viện Quân y 354, 105 và Viện Y học Cổ truyền Quân đội, mỗi bệnh viện sẵn sàng triển khai 300-500 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa và nặng. Đồng thời tăng cường 135 tổ lấy mẫu, 82 tổ tiêm, 27 tổ hồi sức khi Hà Nội có nhu cầu.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết, đối với các tỉnh phía Bắc, cùng với việc sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ hàng trăm tổ tiêm, tổ lấy mẫu xét nghiệm và tổ hồi sức, toàn quân dự kiến triển khai hơn 21 nghìn giường điều trị bệnh nhân ở các cấp độ nhiễm bệnh nhẹ, vừa, nặng và nguy kịch.
Tiếp tục giúp phía Nam chống dịch
Tại TPHCM, Quân đội đã huy động 10.925 trang thiết bị các loại để triển khai bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Trong đó có nhiều trang bị kỹ thuật cao, hiện đại như hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), hệ thống lọc máu liên tục, máy X-quang kỹ thuật số, máy thở các loại, máy theo dõi bệnh nhân, giường hồi sức. Triển khai 12 máy xét nghiệm RT-PCR và 2 xe xét nghiệm cơ động.
Theo Cục Quân y, tại TPHCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch có tổng số gần 2.300 cán bộ, nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông thuộc Quân khu 7 và Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175.
Các cơ sở này đã tiếp nhận hơn 6.200 bệnh nhân, điều trị khỏi 2.466 bệnh nhân, chuyển viện 202 bệnh nhân; đang điều trị 3.471 bệnh nhân (trong đó có 13 bệnh nhân nặng và nguy kịch). Lực lượng quân y cũng đã thực hiện xét nghiệm 799.260 mẫu, phát hiện 13.338 mẫu dương tính; tiến hành tiêm 26.321 mũi vắc xin.
Bên cạnh đó, lực lượng vận tải quân sự đã tổ chức 264 chuyến xe vận chuyển 610 tấn hàng thiết yếu, vật chất hậu cần cho phòng chống dịch COVID-19. Từ 9/7 đến 14/8, sử dụng 43 chuyến xe vận chuyển hơn 8 triệu liều vắc xin.
Mặt khác, lực lượng quân y đã tăng cường 190 bác sĩ, điều dưỡng cho hai bệnh viện dã chiến của TPHCM và cử hơn 400 người tham gia lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng COVID-19. Huy động lực lượng thường trực và dân quân tự vệ (hơn 76 nghìn người) tham gia chốt phòng, chống dịch và giúp dân thu hoạch nông sản…
Đánh giá tình hình COVID-19 thời gian tới vẫn còn diễn biến rất phức tạp và kéo dài tại nhiều địa phương, số người mắc đặc biệt là số bệnh nhân nặng sẽ tăng lên nhiều, Cục Quân y đề nghị các địa phương dự báo chính xác, kịp thời, sát thực tiễn (căn cứ vào đặc điểm dân số, địa lý, tập quán, tỷ lệ người mắc bệnh nền) để có chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó với tình huống 500 nghìn người mắc và nhiều hơn.