Tờ Sputnik News hôm nay, 5/8 dẫn lời ông Gianluca Savoini – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Lombardia-Nga cho biết luật trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga đã vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, theo ông Savoini, các quan chức EU nhận thấy các biện pháp trừng phạt mới có ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh năng lượng của các nước châu Âu, đồng thời làm tổn hại đến vị thế của Tổng thống Donald Trump trong giới tinh hoa Mỹ.
Ông Savoini e ngại nếu Brussels ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Washington, các nước EU sẽ phải mua dầu và khí đốt của Mỹ với giá đắt gấp ba lần so với Nga.
Hiện, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang cung cấp một phần ba nhu cầu khí đốt của châu Âu và đạt kỷ lục 179 tỷ mét khối trong năm 2016.
“Lệnh trừng phạt này sẽ là một cú sốc lớn đối với toàn bộ Liên minh châu Âu, đặc biệt là Ý. Trong những năm gần đây, Ý đã mất 5,6 tỷ Euro do hậu quả từ các chế tài trừng phạt của EU nhằm vào Nga. Đây là một viễn cảnh thảm khốc cho nền kinh tế Ý và châu Âu.”, ông Savoini nói.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có nội dung vi phạm luật pháp quốc tế.
"Tất nhiên chúng tôi không muốn có một cuộc chiến thương mại, nhưng Ủy ban Châu Âu giờ đang phải tìm kiếm các biện pháp đối phó", bà Zypries nói.
Một số quan chức châu Âu khác như Thủ tướng Áo Christian Kern và Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định biện pháp trừng phạt mới được ban hành một phần nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của Washington, phù hợp với chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật trừng phạt đối với Nga, Iran và Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chủ yếu nhằm vào lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga, trong đó có dự án đường ống Nord Stream-2 của Nga vốn được xây dựng để cung cấp khí tự nhiên từ Nga sang Đức.