TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng & Môi trường (Bộ Y tế), cho biết, một số bệnh viện tỉnh có tới hai lò đốt chất thải y tế, “thích đốt cái nào thì đốt vì được biếu, nhưng hầu như họ không đốt cái nào”. Một cân dầu để đốt giá 20.000 đồng, nên để đốt hết một cân chất thải y tế độc hại, tốn 80.000 đồng. Trong khi đó, ở Nhật Bản, chỉ hết 10.000 đồng.
Ở Việt Nam, động đến xử lý môi trường, cái gì cũng đắt hơn thế giới. Đắt nhất là nhóm chất thải độc hại”
PGS.TS Phạm Bình Quyền (VACNE)
Theo TS Nga, cả nước hiện có 490 lò đốt rác y tế, trong đó 276 lò đang hoạt động. Các lò đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp từ khói thải. “Hầu hết các lò đốt ở Việt Nam không có thiết bị kiểm soát chất độc dioxin furan”, TS Nga nói. Tro đốt chứa kim loại nặng, sau khi lấy từ lò ra cũng không biết để đâu nên chúng lại trở thành một thứ rác thải độc hại mới.
TS Nga cho biết, rác y tế là những chất hữu cơ khó phân hủy, dễ gây ô nhiễm thứ cấp, thậm chí có thể là nguồn gây bệnh nặng, trong đó có ung thư.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE), nhớ lại, 20 năm trước, việc địa phương nào đó có được bãi chôn lấp chất thải là cả một sự kiện. Hiện nay, hầu như tỉnh - thành nào cũng có bãi chôn lấp rác.
Theo TS Nguyễn Trung Việt (Sở TN&MT TPHCM), số liệu rác phát thải và thu gom được mỗi ngày nêu trong các báo cáo chính thức không đáng tin cậy. Ông cho rằng, TPHCM mỗi ngày tạo ra không dưới 2 triệu tấn chất thải rắn và lỏng. “Chất thải công nghiệp và nguy hại rất khó đoán. Không có ước tính nào đáng tin cậy. Chúng ta thiếu các dữ liệu về chất thải công nghiệp”, TS Việt nói tại một hội thảo về xử lý chất thải mới đây ở Hà Nội.
Con số 700-1.000 tấn chất thải công nghiệp và nguy hại xả mỗi ngày ở Hà Nội không ai chứng minh được đấy là con số thực tế, theo TS Việt. Cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ thống kê chất thải công nghiệp và độc hại từ sổ đăng ký của chủ nguồn thải. Hầu như không bao giờ chủ nguồn thải công bố con số thực vì nhiều lý do, ông Việt nói.
Vậy ai có thể tiệm cận thống kê chất thải nguy hại sát thực tế nhất? TS Việt nhận định, không ai khác ngoài cơ quan quản lý thuế, quản lý hóa đơn thuế giá trị gia tăng - một đơn vị hầu như chưa bao giờ được để ý trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Bộ TN&MT sắp sửa trình dự thảo quyết định quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Sáng 17-9, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) diễn ra hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm sạch Thế giới, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc, Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT Hà Nội. Mạng lưới Thế Hệ Xanh với sự thúc đẩy của Trung tâm Sống & Học tập vì Môi trường &Cộng đồng sẽ trực tiếp thực hiện các hoạt động này.