Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Hành trình khám phá bản thân qua sự thấu hiểu về gene” diễn ra hôm qua (22/4).
Lấy ví dụ về vai trò của công nghệ giải mã gene, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Vin Bigdata) chia sẻ, tiểu đường là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam.
Quá trình điều trị bệnh tốn kém, phức tạp, nguy cơ biến chứng cao, chưa kể chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng khi phải kiêng nhiều thứ. Giải mã gene sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc tiểu đường, từ đó có thể thay đổi lối sống, uống một số thuốc phòng bệnh.
GS Vũ Hà Văn cho rằng, công nghệ giải mã gene cần thúc đẩy ở Việt Nam để phục vụ y học dự phòng. Không chỉ với bệnh tiểu đường, công nghệ này sẽ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính, bệnh di truyền lặn và bệnh hiếm như ung thư, đột quỵ, béo phì, xơ vữa động mạch, tim mạch. Ngoài ra, cung cấp thông tin về bệnh lý, thể chất, dinh dưỡng để phục vụ điều trị bệnh.
Để thúc đẩy công nghệ giải mã gene, cách đây hơn 3 năm, Vin Bigdata đã triển khai dự án Giải trình tự 1000 hệ gen người Việt làm cơ sở dữ liệu. “Chúng ta cũng có thể gửi mẫu ra nước ngoài để giải mã gene nhưng các công ty nước ngoài thường sử dụng dữ liệu gene của người châu Âu, chứ không phải Việt Nam. Vì thế chúng tôi dành tới hơn 3 năm và nhiều triệu đô la Mỹ để triển khai dự án này”, ông nói.
GS Robert Green, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Genomes2People, Trường Đại học Y khoa Havard chia sẻ, tại Mỹ, công nghệ giải mã gene có vai trò quan trọng trong dự báo nguy cơ bệnh, khả năng phản ứng thuốc, phục vụ sàng lọc tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể biết được cơ thể của con có khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng như thế nào để tìm một chế độ dinh dưỡng thích hợp. Dịch vụ giải mã gene về tài năng cũng có thể dự báo những tiềm năng nổi bật, các tố chất học thuật, sáng tạo giúp xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp cho trẻ.
Theo GS.TS Đỗ Tất Cường, Chủ tịch Hội đồng cố vấn lâm sàng hệ thống y tế của Bệnh viện Đa khoa Vinmec, công nghệ giải mã gene trong y tế ở Việt Nam mới manh nha, tập trung chủ yếu ở sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
GS Vũ Hà Văn cho biết, để thúc đẩy công nghệ giải mã gene phát triển ở Việt Nam, một dự án giải mã gene đã được Vin Bigdata phối hợp triển khai, mang tên GeneStory.
Dự án quy tụ hơn 50 nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực tin y sinh, y tế đến từ các tổ chức uy tín như Trường Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig (Mỹ), Golden Helix Foundation (Anh), Viện Tin Sinh học Singapore, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Đại học Y Hà Nội...
Ngoài việc phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo, mãn tính, bệnh di truyền lặn và bệnh hiếm gặp, công nghệ của GeneStory cũng giúp giải mã các chỉ số liên quan đến khả năng đáp ứng thuốc và tác dụng phụ của thuốc trong điều trị tim mạch, kháng viêm, thấp khớp, tâm thần, ung thư…từ đó giảm tình trạng sốc phản vệ do dùng thuốc.