> Tiếp dân không phải chỉ làm “chim đưa thư”
> Tăng đối thoại giải quyết bức xúc của dân
“Người người tiếp dân nhưng không hiệu quả”
Ông Hà Sơn Nhin đồng tình sớm ban hành Luật này bởi tiếp công dân là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nhất là ở những thành phố lớn và các cơ quan trung ương.
Tại Gia Lai, đoàn ĐBQH cứ ngày 15 hằng tháng và UBND tỉnh thứ 7 hằng tuần tiếp công dân. Ông Nhin cho biết, kỳ vọng của nhân dân đặt nhiều vào ĐBQH vì nghĩ: “ĐBQH có thể giải quyết được hết”. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc kéo dài mà không giải quyết nổi.
“Có vụ việc qua 5 đời bí thư, chủ tịch mà vẫn “chuyển” do các bộ, chính quyền địa phương không thống nhất cách giải quyết. Do vậy, cần có giải pháp để ngăn chặn hiện tượng “chuyển” này”- Ông Hà Sơn Nhin kiến nghị.
ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) nêu thực tế, một vụ việc nhiều cơ quan chuyển qua chuyển lại. Việc tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa góp phần giảm bức xúc của người dân.
“Phải ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, chứ hiện nay, hiếm người đứng đầu tiếp công dân, thường phân công cấp phó. Trong khi đó, chủ yếu tiếp để nhận đơn chứ không giải quyết ngay. Nếu không có quy định phù hợp thì khó cho cả cơ quan nhà nước”- Ông Tam nói.
ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) cho rằng, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, người đứng đầu mà né thì rất khó.
Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kể ở Thái Nguyên, từng quy định tiếp riêng nhưng gần đây “tiếp chung để cùng phối hợp” giữa UBND và ĐB QH, HĐND.
“Nếu không rõ ràng thì đại diện HĐND, đoàn ĐBQH chỉ làm “đẹp đội hình” còn UBND “quyết hết”- Ông Hùng nói. Do vậy, đoàn ĐBQH và HĐND phải tham gia vào giải quyết kiến nghị của công dân và giám sát hoạt động tiếp công dân của UBND tỉnh.
Với hệ thống chính trị hiện nay, như dự thảo luật sẽ dẫn đến tình trạng “ngày ngày tiếp dân, nơi nơi tiếp dân, người người tiếp dân” trong khi hiệu quả xử lý không cao. Phải xác định rõ tiếp dân để làm gì vì nhiều khi những ý kiến bị “rơi đi đâu không biết”.
“Phải có chế tài, trách nhiệm, thời hạn xử lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân ĐBQH chuyển đến sau khi tiếp dân. Vì thực tế, nếu vấn đề liên quan đến bộ, ngành T.Ư thì hầu hết không được hồi âm, thời gian kéo dài nên đưa vào “tập hợp kiến nghị cử tri” gửi trước kỳ họp mới được trả lời”- Ông Hùng bày tỏ.
cán bộ phải thương dân
Ảnh: hồng vĩnh.
Về cán bộ tiếp dân, một số đại biểu bày tỏ lo ngại về trình độ, tiêu chuẩn và chế độ chính sách cho số cán bộ này. ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) nêu thực tế, có những trường hợp cán bộ không bố trí được ở đâu thì đưa về văn phòng tiếp công dân. ĐB Phạm Văn Tam cho biết, cần nghiên cứu tiêu chuẩn của cán bộ tiếp công dân.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) kể, chính ông cũng bị cán bộ tiếp dân hạch sách, hỏi han khi đến làm công tác tiếp dân mặc dù có đeo phù hiệu ĐBQH.
“Ở một số trụ sở tiếp dân trên địa bàn Hà Nội, cán bộ công chức trực thái độ không niềm nở, chưa biết lắng nghe ý kiến của nhân dân; chưa chủ động đề xuất, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đến khiếu nại tố cáo”- ĐB Thích Bảo Nghiêm cho biết.
“Cán bộ cần có lòng thương dân. Hầu như những người bị oan ức mới đi khiếu nại. Trong khi đó, những người trong bộ phận tiếp dân nhiều lúc vô cảm, thiếu thiện chí”- Hòa thượng Nghiêm nói.
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đề xuất, để các buổi tiếp công dân thu được kết quả, bộ phận chuyên môn, giúp việc phải tiếp cận, có nghiên cứu, chuẩn bị trước về các vấn đề người dân nêu ra.
Quan điểm coi việc tiếp công dân là hoạt động tiếp nhận, đón tiếp, lắng nghe như dự thảo Luật Tiếp công dân đề cập hay là một khâu trong quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo là vấn đề cần được làm rõ.
Một số ĐB khác đồng tình cho rằng, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời KNTC, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Do vậy, dự thảo luật cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác.
Thực phẩm bẩn “em” ma túy
Thảo luận về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) kể câu chuyện sầu riêng nhúng hóa chất tràn lan mà không ai xử lý. “Tôi cho rằng, thực phẩm bẩn là hiểm họa của cả dân tộc, có thể ví như “em” của ma túy. Luật này ra đời có kiểm soát được người bán hóa chất độc hại tràn lan ngoài thị trường không, tôi thấy quy định rất lơ mơ.
Luật cần phải làm rõ đây là quy định bảo vệ thực vật hay bảo vệ con người. Đối với hành vi mua bán sử dụng hóa chất độc hại nên đưa vào Luật Hình sự”- Ông Lịch nói.