Phượt với biển rừng Moldunkiri

TP - Cưỡi voi trọn ngày ngắm thác bạc giữa biển rừng xanh thẳm, dừng chân dùng cơm với món mắm bohok và mớ côn trùng lổm nhổm chân càng, giải khát bằng ống nước thốt nốt lên men dịu ngọt là trải nghiệm của du khách qua cửa khẩu Tây Nam sang đất Campuchia.

> Bí ẩn khu lăng mộ của các gru giữa rừng già Yok Đôn
> Cưỡi voi giữa miền đất di sản thế giới
> Lên đại ngàn Tây Nguyên tìm 'quái vật bí hiểm nhất Đông Nam Á'

30 đô la để cưỡi voi

Sau thủ tục nhập cảnh nhanh gọn vào Campuchia qua cửa khẩu Bu Prăng (huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông), con đường Xuyên Á bên kia biên giới khiến du khách bất ngờ bởi chất lượng xây dựng tốt, nhựa thảm dày êm, xe chạy hàng trăm cây số không nảy xóc.

Biểu trưng đầy ấn tượng đặt ngay cửa tỉnh: Tượng đài 2 con bò xám Kouprey dũng mãnh nhìn thấy trên cao nguyên Moldunkiri, như lời nhắc mọi người không ai được quên trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên hoang dã.

Một trong những địa chỉ đặc biệt ở Moldunkiri là Đền Ông trên đỉnh núi Dosh Kramom. Bên ngoài chơ vơ một túp nhà chóp nhọn mái nâu tượng trưng cho đỉnh vú duy nhất mang thiên tính nữ.

Bên trong vỏn vẹn một pho tượng nam thần cởi trần bóng lưỡng. Đền thu hút khách thập phương nhờ gắn với giai thoại linh thiêng về chàng Yosh nàng Phlom yêu nhau mà không cưới được nhau, vĩnh viễn phải rời xa buôn làng lên núi phù hộ cho đồng bào, nên trai gái Khmer- Mnông quanh vùng thường đến khấn vái, xin quẻ cầu duyên.

Quanh đền, hàng chục am thờ đúc theo môtip chùa tháp và đàn voi con đứng chào khách đều sơn thếp óng vàng, chói lòa trong nắng.

Dưới chân đồi Dosh Kramom, thị xã Senmonorom hoang sơ, thưa thớt những công trình dân cư giữa vòng cung rừng rậm. Đây là một trong 5 đơn vị hành chính thuộc cao nguyên Moldunkiri giáp tỉnh Đắk Lắk, nơi có mỏ vàng với trữ lượng dự đoán trên 8 triệu tấn quặng đến nay vẫn ngủ yên trong lòng đất.

Nhờ có các bon làng M’Nông giữ được nghề truyền thống săn bắt thuần dưỡng voi rừng, nên số voi nhà Moldunkiri khá đông đúc. Du khách chỉ gần góp trước mỗi người 30 USD là sẽ có voi phục vụ trọn tuor xuyên rừng suốt ngày hôm sau.

Trật tự xã hội yên bình ở Moldunkiri đủ để đàn voi dịch vụ được bảo vệ nguyên vẹn những… chùm lông đuôi, thứ mà lâu rồi voi Tây Nguyên bên ta không còn nữa.

Biển rừng, côn trùng và…mắm bohok

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) có văn phòng tại Senmonorom đang thử nghiệm tổ chức những chương trình du lịch xuyên rừng cộng đồng, thu phí từ vài chục đến vài trăm USD/ người tùy thời gian lưu trú và nhu cầu phương tiện, để nâng cao mức sống dân bản địa và góp phần tôn tạo thiên nhiên.

Gia nhập những chuyến đi giữa xuân đến đầu hạ bằng cách đeo ba lô cuốc bộ hay cưỡi trên lưng voi theo nhóm từ 2-8 người, du khách sẽ chứng kiến cảnh thợ rừng Moldunkiri thu hoạch kèo ong gác sẵn.

Họ khéo léo dỡ tổ vắt mật mà không cần phải dùng bùi nhùi xua ong. Giữa rừng thẳm, thi thoảng hiện ra những đầm lầy náo nhiệt vượn, khỉ cùng các loài chim lớn như cò quăm và diệc trắng.

Toàn cảnh núi rừng hùng vĩ của cao nguyên Moldunkiri thu trọn vào tầm mắt khi chúng tôi ngược dốc lên đỉnh đồi vọng cảnh.

Tại đây, hai tấm biển sơn song ngữ gọi nơi này là điểm ngắm Biển Rừng: Samot Cheur theo tiếng Khmer, và Sea Forest theo tiếng Anh. Từ đồi cao lồng lộng, rừng thắm muôn màu trải dài dưới thung lũng xao động trong gió dào dạt như sóng đại dương.

Thảm thực vật dày đặc nơi đây là môi trường lý tưởng cho vô số loại côn trùng sinh sản. Khi hoạt động du lịch ngày càng trở nên nhộn nhịp, các loại món ăn chế biến từ côn trùng được nâng thành đặc sản.

Đa số nhà dân có che bạt, bắt đèn, cột máng phía trước để đón lấy nguồn lợi trời cho. Mỗi đêm dăm bảy mét vuông bạt có thể hứng được tới vài ký côn trùng. Hầu hết các quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ dọc đường thiên lý đều sẵn sàng cung cấp côn trùng nếu khách muốn.

Từ cào cào, châu chấu, cà cuống, dế cơm, nhện đất, kiến, mối … loại nào cũng có thể chiên giòn, rang mỡ, sấy khô hoặc xào sả ớt, đổ đầy vun trên những chiếc mẹt tròn.

Chủ quầy nhận cả tiền riêl, Việt Nam đồng lẫn đô la Mỹ. Mỗi lon đầy côn trùng trên dưới 1 đô. Đắt nhất là cà cuống dù túi hương đã bị rút, chỉ còn trơ mảnh xác vàng ươm …

Bữa cơm xứ chùa Tháp luôn luôn có bohok, loại mắm chế biến từ cá để hơi ươn, vị nồng hơn mắm cái của người Việt. Mắm bohok trộn với cà đắng quả tròn bé như hạt nút làm nước chấm rau luộc.

Mắm lọc bỏ xác châm vào nhiều món canh, súp nêm kha khá đường. Ai không quen nổi vị mắm ngọt gắt có thể tìm nguồn an ủi bằng những chén chè ngọt béo, hoặc ống nước thốt nốt lên men ngọt dịu, và tìm mua những thỏi đường thốt nốt thanh thanh làm quà cho quê nhà thương nhớ…

Theo Báo giấy